ClockThứ Năm, 14/04/2016 13:19

WTO đánh giá cao thành tích tăng trưởng thương mại của Việt Nam

Trong báo cáo "Thương mại Thế giới 2015 và Triển vọng 2016" vừa công bố, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nêu rõ Việt Nam là nước duy nhất đạt thành tích tăng trưởng xuất-nhập khẩu ấn tượng trong năm 2015.


Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Rau quả An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 13/4, phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo phân tích thành tích của 30 nền kinh tế xuất-nhập khẩu hàng đầu thế giới là thành viên của WTO, trong đó không quốc gia nào khác có kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất-nhập khẩu trong năm ngoái cao như Việt Nam.

Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái đạt 162 tỷ USD, tăng 7,9%. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng 12,3% lên 166 tỷ USD.

Trong khi đó, các nền kinh tế xuất-nhập khẩu khác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy lại giảm kim ngạch trao đổi thương mại với các nước khác. Trên thực tế, báo cáo đã phác họa một bức tranh đáng thất vọng về thương mại toàn cầu trong năm 2015, với thương mại toàn cầu giảm 13,2% xuống chỉ còn 16.500 tỷ USD.

Mỹ như thường lệ vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới trong năm 2015 với 2.300 tỷ USD, nhưng con số này đã giảm 4,3% so với năm trước. Trung Quốc xếp thứ hai với 1.600 tỷ USD, giảm 14,2% so với năm 2014. Trong khi đó, các quốc gia châu Á khác, trong đó có Bangladesh, Campuchia và Myanmar, cũng đạt mức tăng trưởng vững chắc trong năm 2015.

Trong năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 173 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Chỉ tiêu này không phải không khả thi, nhưng rất tham vọng. Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn kiềm chế thâm hụt thương mại ở mức giảm xuống còn 5%.

Một số chuyên gia kinh tế nước ngoài tin rằng Việt Nam có thể đang trên đường đạt những mục tiêu trên (mà họ cho là tham vọng) do Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại song phương. Những thỏa thuận đó sẽ mang lại một số nguồn đầu tư bổ sung cho Việt Nam, đồng thời mở ra các cơ hội thông thương xuất-nhập khẩu tự do hơn nhiều.

Việt Nam đang tìm cách phát huy tối đa lợi thế trong một số ngành công nghiệp và lĩnh vực sản xuất chủ chốt được đặc biệt quan tâm như điện tử, da giày, dệt may và trang sức. Trong lúc nhu cầu toàn cầu có phần yếu hơn bình thường do các điều kiện kinh tế suy giảm trên toàn thế giới, thì tăng trưởng trong những thị trường nói trên vẫn mạnh hơn so với các thị trường khác, tạo ra các cơ hội mạnh mẽ cho Việt Nam để đạt mục tiêu đầy tham vọng trên.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top