ClockThứ Ba, 07/11/2017 13:41

“Xa Mạc Tư Khoa” tròn 30 năm rồi đó!

TTH - “Xa Mạc Tư Khoa” là tên bộ tiểu thuyết 3 tập nổi tiếng của Liên Xô (cũ), một thời gần như là sách “gối đầu giường” của lớp cán bộ khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhất là với những người ở các công trường xa xôi. Tôi nhắc đến tiểu thuyết “Xa Mạc Tư Khoa” vì tròn 30 năm trước (năm 1987), quả là tôi đã “xa Mạc Tư Khoa”, sau 3 tuần được đi thăm Liên Xô trong chương trình hợp tác giữa hai Hội Nhà văn Việt Nam và Liên Xô.

Tác giả (phải) - cùng Phong Lê, Văn Linh… trước Điện Kremlin tháng 4/1987

Cùng chuyến đi với tôi có các nhà văn Phong Lê, Trần Công Tấn và Văn Linh - toàn dân miền Trung, đã từng quen biết. Chưa có chuyến bay thẳng Hà Nội - Matxcơva, chúng tôi phải đổi máy bay tại một sân bay Ấn Độ. Tháng 4, mới vào hè mà nóng gần 40 độ C, càng sốt ruột mong tới nhanh xứ sở bạch dương tuyết trắng. Liên Xô là một đất nước vĩ đại. Sự vĩ đại hiện ra rực rỡ ngay khi tôi chỉ mới được chiêm ngưỡng Matxcơva từ độ cao nhiều ngàn mét. Đó là tấm thảm dát ngọc trải dài như vô tận trong đêm dưới cánh máy bay.

Trong những ngày ở Liên Xô, chúng tôi đã được đi thăm nhiều di tích, thắng cảnh ở Matxcơva, các xí nghiệp, nông trường và một số nơi ở Tasken. “Quảng trường Đỏ” dập dìu từng đàn bồ câu trắng với điện Kremlin uy nghi thì mãi vẫn còn đó, nhưng những nông trường, nhà máy chúng tôi tham quan, có thể nay đã giải thể hay “đổi chủ”. Tuy nhiên, còn mãi trong tâm trí tôi là ấn tượng về một cuộc sống giản dị, yên bình, không hào nhoáng, ít quảng cáo sặc sỡ và đặc biệt là hình ảnh những người Nga nhân hậu, cởi mở. Làm sao quên được lần tôi “rong chơi” theo các chuyến tàu điện ngầm, lên khỏi ga thì đã quá khuya, không bắt được taxi, đành liều vẫy xin đi nhờ một chiếc xe con ngang qua; giữa lúc khuya khoắt vắng vẻ, với một người lạ hoắc, nói tiếng Nga chủ yếu bằng... tay, nhưng có lẽ vợ chồng chủ xe cũng nghe ra khi tôi ngọng nghịu xưng là một nhà văn Việt Nam, nên đã vui vẻ chở tôi về tận khách sạn.

Nhân kể chuyện “đi chơi khuya”, tưởng cũng nên nhắc đến công trình tàu điện ngầm ở Matxcơva, cho đến nay, nhiều cường quốc Âu-Mỹ chưa hẳn đã vượt được. Nhiều ga tàu điện ngầm được bài trí như… hoàng cung và trên hầu hết các chuyến tàu có rất nhiều thiếu nữ Nga đẹp và hồn hậu, má hồng láng bóng như… trái táo thơm ngon mà sáng nào chúng tôi cũng dùng làm món tráng miệng một cách thỏa thuê. Phải thành thật thú nhận là chính vì thế mà tôi “rong chơi” theo các đoàn tàu quên cả giờ về khách sạn! Hơn nữa, giá vé cực rẻ, chỉ 5 xu có thể đi suốt ngày khắp Matxcơva. Cũng phải thú nhận là tôi “rong chơi” còn để tìm mua mấy thứ hàng mang về Hà Nội bán kiếm ít tiền lời. Bốn anh em chúng tôi đều có “đầu mối” là những bạn quen đang học hay công tác ở Liên Xô; tôi thì có L.T. là phu quân một bạn văn thân thuộc, giúp bán hàng mang sang và hướng dẫn mua hàng gì về; thời điểm đó thì “ưu tiên” mua thuốc lá Captant, bàn là, “áo bay”, rồi phích nóng-lạnh, đồ nhôm, máy may, phim chụp ảnh… Có thứ như bàn là, có lẽ vì dân Việt Nam sang mua về “làm quà” nhiều quá, phải đi sắp hàng ở các cửa hàng mậu dịch khác nhau mới mua đủ “doanh số”.

Lúc ấy cũng ít băn khoăn vì sao mà một cường quốc phóng vệ tinh đầu tiên, có tên lửa, bom hạt nhân như Liên Xô mà lại thiếu mì chính và đồng hồ điện tử; vì sao mà nhiều thứ hàng lại rẻ thế? Chỉ lo tính toán tiền nong, cân đo trọng lượng, nhất là khi mang hàng về. Nếu chẳng cần suy nghĩ sâu xa gì đến những bài toán kinh tế lời- lỗ, thì đây lại thêm một cái… “hay” nữa của cơ chế “bao cấp”. Nhờ còn “bao cấp” mà giá bàn là cứ mãi 7 đồng rúp một chiếc, về bán lời gấp mấy lần; đồ nhôm thì dày chắc, dùng 30 năm rồi mà không móp; và chỉ 5 xu thì có thể suốt ngày đi ngắm các ga tàu điện ngầm tráng lệ và những thiếu nữ Nga xinh đẹp như… búp bê.

Những ga tàu điện ngầm đẹp như cung điện ở Matxcơva thêm một bằng chứng về sự tôn trọng những giá trị văn hoá của những chủ nhân đất nước Liên Xô. Mấy ngày trước đó, trong một chiều đi dọc trên phố Cu-tu-dốp, tôi bỗng để ý đến hai tấm biển vàng gắn trước hai ngôi nhà bình thường khiến tôi phải dừng bước: “Nơi đây, nhà văn Xô-bô-lép...” và “... Nơi đây, nghệ sĩ điện ảnh, nhà văn Đốp-gien-cô...”. Cả đến cây cỏ, khi đã gắn với những giá trị văn hóa cũng được gìn giữ. Tại ngôi làng cổ Kô-lô-men-kơ, cạnh ngôi nhà gỗ mà vua Pi-e đệ nhất đã ở, hai thân cây cổ thụ - cây “bu-khơ”- thọ 600 tuổi, tuy đã chết khô, nhưng người ta đã làm những nắp bằng tôn che mưa nắng để giữ lại một bằng chứng vùng đất cổ. Ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật mang tên Pus-kin, tôi để ý, trước khi vào phòng tranh, rất nhiều người dừng lại bên các tấm gương. Đến thưởng thức cái đẹp, không ai muốn mang theo dấu vết cẩu thả trên mình...

Liên Xô trở thành đất nước vĩ đại không chỉ nhờ có lãnh thổ rộng mênh mông, dân số lớn và những công trình khổng lồ, mà còn nhờ có nhiều nhà văn hóa lớn, nhờ biết tôn vinh những giá trị văn hóa. Cho dù hôm nay Liên Xô không còn trên bản đồ thế giới nữa, nhưng tên tuổi lớp nhà văn Nga- Xô Viết thuộc danh sách những con người “khổng lồ” của nhân loại và những giá trị văn hoá khác còn mãi với thời gian, là điểm tựa vững chắc để nhân dân Nga cũng như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) , gửi gắm niềm hy vọng trên con đường tiến về phía trước trong một thế giới vẫn luôn đầy những bất trắc khó lường…

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top