ClockThứ Ba, 20/12/2016 13:32

Xa rồi câu hát đồng dao!

TTH - Tuổi thơ tôi lớn lên cùng những câu hát đồng dao giản dị, mộc mạc, như: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/Thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời/Cha còn cắt cỏ trên đồi/Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên”… Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những đêm cùng lũ bạn ngồi trước ruộng nhà mới gặt để ngắm trăng và hát vang bài đồng dao ấy. Rồi chơi những trò chơi gắn với những bài đồng dao, đại loại “Rồng rắn lên mây”, hay “Chi chi chành chành”, “Nu na nu nống”.

Trẻ con ngày ấy hầu như đứa nào cũng thuộc đồng dao, cũng chơi các trò chơi dân gian và gần như trò chơi nào cũng gắn với đồng dao. Có hôm trời mưa, ngồi buồn, chúng tôi lại hát: “Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày”…; Giờ tan trường trên đê ruộng về nhà, chúng tôi lại nhảy chân sáo thay nhau đọc đồng dao: “Lúa ngô là cô đậu nành/ Đậu nành là anh dưa chuột/Dưa chuột cậu ruột dưa gang...”.

Cuộc sống bây giờ đổi thay, trẻ con từ nhà quê đến thành phố đều mệt với việc học. Có chút ít thời gian thì xem phim, vào mạng, vào “phây”, chơi game. Về quê bây giờ cũng hiếm khi bắt gặp hình ảnh trẻ con tụm năm, tụm bảy chơi các trò chơi như táng lon, trốn tìm, bịt mắt bắt dê... Để dỗ dành con trẻ, các mẹ, các chị cũng không nghĩ đến hát đồng dao mà thay vào đó là cho con xem hay mở những bản nhạc hiện đại, mở phim hoạt hình... Trong khi thực tế, đồng dao là một phương thức giáo dục hiệu quả bởi nó dễ thuộc, dễ nhớ. Những bài đồng dao “Gọi mẹ”, “Gọi nghé” của trẻ mục đồng; đồng dao về chim chóc, hoa lá cỏ cây... đều toát lên tình yêu thiên nhiên, con người, lao động. Những bài đồng dao ngắn gọn, dễ nhớ sẽ cung cấp cho trẻ thêm những kiến thức về các con vật, sự việc quanh mình, hay phê phán thói hư tật xấu: “Cho đi học chữ/Nhiều chữ ai vay/Cho đi học thầy/Rằng nghề ấy khó/Cho đi làm thợ/Nói nghề ấy buồn/Cho đi học buôn/Nói nghề ngồi chợ”… Những câu hát đồng dao dù rõ nghĩa hay vô nghĩa nhưng luôn đem lại sự thích thú cho con trẻ, chứa đựng cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời.

Nhiều người gần như lãng quên đồng dao. Trong các giờ học ngoại khóa, các trường cũng ít, thậm chí không dạy các bài đồng giao hay trò chơi gắn với đồng dao. Thế hệ tôi, biết bao người gắn kết với nhau qua những bài hát đồng dao. Đồng dao chính là nét đẹp gắn bó với quê hương, là văn hóa truyền thống, để tình bạn nối kết bền chặt... Nếu hôm nay hoặc ngày mai, đồng dao bị để lãng quên là một điều rất đáng tiếc!.

Ninh Hoàng 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ những trò chơi trẻ con ngày xưa

Đã ngoài tuổi 40, nhưng mỗi lần có dịp về quê gặp lại bạn bè, chúng tôi vẫn luôn vô tư hồn nhiên như ngày còn bé, cùng nhau hàn huyên nhắc lại những kỷ niệm tuổi thơ.

Nhớ những trò chơi trẻ con ngày xưa
“Làm mẹ trẻ con”, lời cảnh tỉnh muộn màng

Mấy hôm nay đọc báo mạng, nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn tỉnh không khỏi giật mình khi một bé gái mới 11 tuổi ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) và một nữ sinh lớp 7 ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã phải “làm mẹ trẻ con”. Câu chuyện thực sự là lời cảnh tỉnh của các bậc phụ huynh hiện nay.

“Làm mẹ trẻ con”, lời cảnh tỉnh muộn màng
Trẻ con… không cần an toàn?

Ngồi gần chỗ chúng tôi trên chuyến bay hôm ấy có một nhóm người mang theo mấy đứa trẻ con lứa tuổi khoảng từ mầm non cho tới lớp 1. Có vẻ họ là người trong một gia đình, vừa rủ nhau đi du lịch về. Lũ trẻ hiếu động không chịu ngồi yên, cứ nhấp nha nhấp nhổm, mồm miệng tía lia. Một số người không chịu được sự ồn ào, nhíu mày khó chịu. Nhưng đại đa số thì thông cảm cả. Trẻ con mà.

Trẻ con… không cần an toàn
Trọng tiếng Anh hơn trọng tiếng Việt?!!

“Con chào cô đi con”- nghe mẹ nhắc, cô bé giơ tay lên cao, vẫy vẫy và nói “Hello” trước sự thích thú của mọi người. “Cháu nói tiếng Anh tốt lắm”- mẹ cháu khẳng định, đầy tự hào. Chị có ba con, tất cả đều được học ở trường quốc tế ngay từ mẫu giáo. Trong môi trường ấy, các cháu đều nói tiếng Anh thành thạo.

Trọng tiếng Anh hơn trọng tiếng Việt
Trẻ con lại đúng

Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ cho những nụ hoa tím biếc, mỹ miều.

Trẻ con lại đúng
Return to top