ClockThứ Năm, 31/05/2018 14:17

Xác minh kê khai tài sản không chỉ nên giao cho cơ quan thanh tra

Theo đại biểu Quốc hội, kê khai tài sản liên quan tới quản lý cán bộ, trong đó có việc theo dõi, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển… nên cơ quan đó phải quản lý việc kê khai và có trách nhiệm xác minh.

Quốc hội cần giám sát việc hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núiBảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hộiCơ quan nào kiểm soát tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý?

Chiều nay 31/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ xung quanh dự thảo Luật.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Xin ông cho biết dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này có những điểm gì đáng chú ý?

Thứ nhất là phải xác định hành vi tham nhũng. Thứ hai là xác định chủ thể tham nhũng, đây là chủ thể chủ thể đặc biệt.  Chủ thể tham nhũng và hành vi tham nhũng là hai vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu không xác định được thì không có các quy định tiếp theo.

Sau đó tới vấn đề kê khai tài sản, xác minh tài sản, thẩm quyền quản lý việc kê khai tài sản, phạm vi quản lý cán bộ… có rất nhiều vấn đề phải làm rõ. Ví dụ, việc kê khai tài sản từ thời điểm nào. Quan điểm chung của các đại biểu Quốc hội là việc kê khai tài sản bắt đầu từ thời điểm cán bộ công chức bắt đầu được tuyển dụng. Đây là thời điểm này rất quan trọng để chứng minh xem có hay không có tài sản, từ đó sẽ dễ dàng cho việc kiểm soát sau này.

Việc phải kê khai tài sản thực hiện hàng năm, nhưng công việc này sẽ được cơ quan nào trực tiếp quản lý? Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, công việc này liên quan tới quản lý cán bộ, trong đó liên quan tới việc theo dõi, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển… nên cơ quan đó phải quản lý việc kê khai tài sản và có trách nhiệm xác minh.

Tôi cũng có đề xuất, việc xác minh nên chuyển văn bản đến UBND và Mặt trận Tổ quốc nơi người kê khai đang sinh sống hoặc có tài sản được kê khai. Đề nghị các đơn vị này xác minh và gửi lại văn bản. Trong trường hợp qua tố cáo, thấy việc khai báo không trung thực, có thể lập đoàn đi xác minh cụ thể.   

Do vậy, không nên giao toàn bộ vấn đề này cho cơ quan thanh tra, cơ quan thanh tra không thể làm hết được. Thanh tra Chính phủ chỉ là đầu mối tham mưu, giúp Chính phủ về chính sách, văn bản pháp luật, tổ chức thống kê và cơ sở dữ liệu về thanh tra tài sản. 

Trong xử lý tham nhũng không có vùng cấm. Vậy việc kê khai tài sản có vùng cấm không thưa ông?

Tôi cho rằng, không có vùng cấm trong kê khai tài sản, nhưng mức độ công khai tới đâu cần được xem xét. Vì mức độ công khai còn liên quan nhiều tới các yếu tố khác. Ví dụ như: bảo vệ yếu nhân, nếu chúng ta cứ tung lên mạng vị trí, chỗ ở của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì không được.

Nhưng Tổng Bí thư phải công bố công khai tài sản trong Ban Chấp hành Trung ương. Hay đối với các đại biểu Quốc hội ứng cử ở đâu thì phải công bố tài sản ở nơi đó để người dân có điều kiện giám sát.

Trong dự luật có đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa chứng minh được nguồn gốc. Ông nghĩ sao về mức thuế này?

Thuế đánh trên tài sản phải thực hiện theo Luật Thuế. Việc đánh thuế tài sản phải dựa trên căn cứ pháp lý và dựa trên cơ sở nào phải làm rõ, không phải tài sản dôi ra là đánh thuế. Hơn nữa, phần trăm thu thuế cũng phải tính toán, phải làm rõ cơ sở nào thu 45%.

Còn nếu đã là tài sản bất hợp pháp thì tùy vào trường hợp mà xử lý. Có loại sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Luật dân sự; còn tham nhũng, vi phạm pháp luật có thể xử lý theo luật hình sự, dân sự và các luật khác.  

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top