ClockThứ Hai, 07/09/2015 07:11

Xăng dầu giảm, giá hàng hóa vẫn đứng yên

TTH - Trước đây, sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, lập tức nhiều mặt hàng thiết yếu cũng "tát nước theo mưa". Thế nhưng, sau 7 lần giảm giá xăng từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng trên thị trường vẫn giữ nguyên mức giá cũ, gây bức xúc và khó khăn cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng thắc mắc vì giá cả nhiều mặt hàng không giảm sau khi xăng dầu giảm mạnh

Chưa có động thái giảm

Ông Nguyễn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Tình hình giá cả thị trường đang diễn biến phức tạp, mặc dù giá xăng dầu giảm liên tục trong thời gian qua song nhiều mặt hàng vẫn không giảm giá tương ứng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng song do hội quá ít người, toàn cán bộ kiêm nhiệm nên khi có đơn phản ảnh, chúng tôi mới cử cán bộ khảo sát và xử lý; còn lực lượng quản lý thị trường chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về niêm yết giá, gian lận thương mại chứ không có thẩm quyền trong việc xử lý việc điều tiết giá cả thị trường.   
Sau lần tăng cao nhất vào ngày 19/6, đưa giá xăng lên 20.710 đồng/lít, ngày 3/9, giá xăng giảm 1.198 đồng/lít và các loại dầu diezel, dầu hỏa, dầu mazut cũng giảm giảm gần 1.000 đồng/lít. Như vậy, sau 7 lần giảm giá từ đầu năm đến nay, giá xăng giảm tổng cộng 5.589 đồng lít, song nhìn chung giá cả nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên và có chiều hướng tăng nhẹ. 
Tại chợ An Cựu, qua khảo sát giá cả một số mặt hàng thiết yếu cho biết, hầu như không có sản phẩm nào giảm giá theo xăng dầu, nếu có là do đang vào vụ mùa nên hàng nhiều, giá rẻ. Hiện, giá sản phẩm dầu ăn hiệu Neptune 5L giá 207.000đ/bình, bột giặt Omo 3kg giá 117.000đ/bịch, sữa bột Grow Plus 900g 200.000đ/hộp, thịt bò 250.000đ/kg, cà chua 14.000đ/kg, gạo Cỏ may 115.000đ/bao 10 kg... “Dì buôn bán ở chợ hơn 20 năm rồi nên số lượng khách đến mua hàng rất đông. Trước đây mỗi lần giá xăng tăng, các đại lý đều báo giá tăng lên từ 5-20%, song lần này dường như không có mặt hàng gì giảm nên khách đến mua cứ thắc mắc, còn các đại lý bỏ hàng thì cứ lấy lý do cước vận tải không giảm nên… chịu”, dì Lê Thị Phước nói.
Chị Hồ Khánh Mỹ, Chủ cửa hàng gạo Mỹ - Thi ở 144B Nguyễn Huệ, TP Huế kinh doanh gạo hơn 30 năm ở Huế nên hiện mỗi tháng, chị nhập trên 50 tấn gạo về bán lẻ và phân phối lại cho mốt số hộ buôn ở các vùng nông thôn. Chị nhớ lại, sau lần tăng giá xăng lên trên 25.000 đ/lít vào đầu tháng 7/2014, giá gạo nhập về từ TP Hồ Chí Minh ngay lập tức tăng thêm từ 5-15% với lý do cước vận tải tăng. Thế nhưng, đã nhiều lần giảm giá xăng dầu trong mấy tháng qua, song giá các loại gạo Sài Gòn, như Cỏ may, Thơm Thái, Hương Lài, Bồ Câu chỉ giảm từ 200-500đ/kg, mức giảm này thực ra không phải phụ thuộc vào giá xăng dầu giảm mà do các nhà sản xuất gạo đang cạnh tranh để thu hút khách.  
Chia sẻ khó khăn
Tại Siêu thị Co.opMart Huế, ngoại trừ ngành hàng thực phẩm tươi sống có giảm từ 1-2% do đang vào vụ, còn lại các mặt hàng thực phẩm, áo quần hay hàng tiêu dùng dường như không có sự biến động về giá sau khi giá xăng dầu giảm gây khó khăn cho DN khi doanh số bán hàng đạt thấp. Để kích cầu tiêu dùng, từ cuối tháng 8 đến 20/9, siêu thị triển khai chương trình “Tự hào hàng Việt” áp dụng cho trên 1 ngàn sản phẩm giảm giá từ 10- 50%.
Ông Lê Thanh Tú, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế giải thích: “Đây là cách để chia sẻ với người tiêu dùng khi mà các nhà cung cấp không giảm giá sản phẩm sau khi giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua. Với phương thức đàm phán trực tiếp với các nhà cung cấp lớn, các nhà phân phối cung cấp hàng cho siêu thị với số lượng lớn và nhận được sự chia sẻ mức giảm từ 10-50% đối với các ngành hàng như thực phẩm đóng hộp, hóa mỹ phẩm, gạo, áo quần thời trang… Mức giảm này do DN và nhà cung cấp trích từ nguồn quỹ bình ổn giá để bù lỗ chứ không phải giảm giá đối với các sản phẩm gần hết hạn sử dụng như nhiều khách hàng nhầm tưởng”.
Khác với các tập đoàn bán lẻ là đưa ra các mức giảm giá trực tiếp trên sản phẩm để thu hút khách, các nhà sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng mở chiến dịch “tặng quà” thay vì giảm giá bán. Công ty CP Acecook Việt Nam không thể giảm giá bán đối với sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo do các DN vận tải vẫn chưa giảm giá cước theo xăng. Thay vào đó, trong mỗi thùng mì 30 gói như trước, giờ đây công ty tặng thêm 2 gói và 1 quyển vở học sinh nhưng vãn giữ mức giá cũ là 97.000đ/thùng. “Trung bình mỗi tháng, thị trường Huế tiêu thụ trên 7 tỷ đồng sản phẩm mì Hảo Hảo. Mặc dù chúng tôi rất muốn giảm giá bán để cạnh tranh với các thương hiệu mì khác, song do giá cước vận tải từ TP Hồ Chí Minh ra Huế vẫn giữ nguyên so với trước thời điểm giá xăng dầu giảm nên DN chỉ có cách chi sẻ với người tiêu dùng bằng cách tặng qùa đính kèm”, nhân viên bán hàng- ông Đặng Quốc Hùng chia sẻ.     
 
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top