ClockThứ Sáu, 23/11/2018 13:00

“Xây cầu” cho tư vấn học đường

TTH - “Để tạo dựng được niềm tin cho học sinh không đơn giản. Thế nên, thay vì học sinh tự tìm đến phòng tư vấn học đường, chúng tôi sẽ xây “những cây cầu” và thầy trò sẽ gặp nhau trên cây cầu ấy”. Đó là quan điểm của thầy giáo Phan Xuân Hoàng, cán bộ Đoàn Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc).

Tâm lý học, giáo dục học đồng hành xây dựng trường học hạnh phúcQuy định xử phạt với giáo viên đánh học sinh: Gốc rễ vẫn là văn hóa ứng xử học đường

Kinh nghiệm, thấu hiểu và đồng cảm giúp thầy Hoàng có tâm với công tác tư vấn học đường

Thấu hiểu

Cùng sát cánh ngay từ những ngày đầu là thầy giáo Nguyễn Văn Lành, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Thừa Lưu. Thầy Lành chia sẻ: “Công tác tư vấn học đường được nhà trường chú trọng từ lâu, song hiệu quả chưa như mong đợi. Do không có phòng riêng để tư vấn nên rất nhiều học sinh e ngại khi tìm đến chúng tôi…”. Được biết trước khi có một gian phòng chỉn chu, tổ thường tận dụng phòng nghỉ giáo viên, đôi lúc là phòng học dôi dư buổi chiều để tư vấn.

“Diễn biến tâm lý của học sinh rất phức tạp. Có nhiều chuyện nếu không được định hướng, các em dễ chịu thiệt thòi. Chúng tôi thật sự muốn các em có chỗ dựa vững chắc để học tập và sống tốt hơn…”, thầy giáo Hoàng tâm sự. Từ động lực của các văn bản hướng dẫn và được sự khích lệ to lớn khi hai giáo viên tư vấn chủ chốt đã hoàn thành tập huấn. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường đề xuất lên Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám hiệu thành lập tổ tư vấn học đường Trường THPT Thừa Lưu.

Gây dựng niềm tin

Phòng tư vấn học đường Trường THPT Thừa Lưu nằm khá tách biệt so với khu phòng học. Điểm thu hút của căn phòng là cửa sổ khoáng đạt. Trên tấm bảng đen nổi bật các danh mục tài liệu, như tâm lý, học tập, hướng nghiệp.... "Ngoài những tài liệu được hướng dẫn và cấp phát, chúng tôi sẽ tìm thêm những nguồn khác để tư liệu ngày càng đa dạng và hữu ích", thầy giáo Hoàng cho biết.

Vấn đề nhân lực, kênh truyền thông tư vấn, kênh nắm bắt thông tin luôn được Đoàn trường khai thác triệt để. Với kênh tư vấn, Đoàn trường tập trung nắm bắt xu hướng của học sinh. Để hạn chế tình trạng các em lo ngại, ngoài việc truyền thông trong giờ chào cờ, thầy Hoàng đã quảng bá thông tin bằng kênh mạng xã hội như zalo, facebook. Trên trang cá nhân của người giáo viên trẻ, những lời “mời chào” thân thiện, ấm áp liên tục xuất hiện, thu hút đông đảo sự quan tâm của các học trò. Phan Thị Mi Nơ, một học sinh cuối cấp tự tin: “Nếu có thể gửi tin nhắn, hoặc đặt lịch tư vấn trên mạng xã hội thì chúng em sẽ chủ động hơn rất nhiều. Em thấy như thế sẽ thoải mái và đỡ e ngại hơn”.

Với việc khai thác triệt để nguồn thông tin từ học sinh nòng cốt và giáo viên chủ nhiệm, tổ tư vấn đã có những “viên gạch” vững chắc để "xây cầu". Khi đã cơ bản nắm được hoàn cảnh của học sinh, tổ sẽ tạo điều kiện tối đa để có thể hiểu và giải quyết những vấn đề mà các em đang gặp phải. Thầy Lành cho biết: “Có một em học sinh trước đây học tập rất nghiêm túc, thế nhưng sau đó lại chểnh mảng, vắng học liên tục. Theo các nguồn tin, chúng tôi mới biết bố mẹ em ấy ly hôn và biến cố đó đã tác động tiêu cực đến người học trò của chúng tôi”. Nắm chắc thông tin, các cán bộ tư vấn đã vào cuộc và với sự chân tình, thấu hiểu của người thầy, trên "cây cầu" thông tin, em học sinh ấy đã được tư vấn, động viên lấy lại tinh thần và tập trung vào việc học dù em không hề tìm đến phòng tư vấn học đường.

Chúng tôi nhớ lời nói của thầy giáo Hoàng: “Khi có những học sinh được tư vấn thành công, tự nhiên các em sẽ tìm đến chúng tôi. Với bổn phận và trách nhiệm của người thầy, đoàn viên và là một người bạn, chúng tôi sẽ cố gắng định hướng, khuyên bảo, chia sẻ, hỗ trợ để giúp các em học sinh bước qua giai đoạn khó khăn nhất để học tập tốt hơn”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm
Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Tăng cường phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề

Chiều 3/3, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức hội nghị về công tác tuyển sinh và định hướng phân luồng học sinh trung học cơ sở năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở ngành; lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và ban giám hiệu của 23 trường trung học cơ sở từ nhiều địa phương.

Tăng cường phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề
Return to top