ClockThứ Năm, 28/02/2019 07:15

Xây cầu gây mất an toàn giao thông đường thủy

TTH - Cầu Thôn Hạ bắc qua sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương thuộc địa phận TX. Hương Thủy) đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, khi thi công, chủ đầu tư không triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, khiến tàu thuyền gặp nguy hiểm khi qua lại khu vực này.

Hơn 20 tỷ đồng xây kè chống sạt lở bờ sông Tả Trạch

Không có các biển cảnh báo từ xa, đèn báo hiệu nhấp nháy đúng quy chuẩn, công trình cầu Thôn Hạ gây mất an toàn giao thông đường thủy

Cầu Thôn Hạ là công trình giao thông thuộc Hợp phần cầu, Dự án Lramp tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai xây dựng từ tháng 6/2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục dưới nước. Đơn vị thi công đang đặt đường ray đề lao dầm.

Tuy nhiên, từ khi triển khai động thổ thi công đến nay, công trình chưa được triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT đường thủy khiến tàu thuyền của ngư dân, tàu du lịch qua lại khu vực này gặp nguy hiểm.

Theo quan sát của PV, trên chiều dài cắt ngang mặt sông Tả Trạch, cầu đã xây được 6 nhịp và đang chuẩn bị lao dầm. Bên cạnh cầu đang thi công là một xà lan chở cần cẩu và thiết bị phục vụ thi công đậu song song với cây cầu, chiếm khoảng 1/2 bề ngang khoảng sông.

Từ khoảng không mặt nước giữa các trụ cầu và phần xà lan đang đậu đều không được bô trí các thiết bị ATGT đường thủy như đèn nhấp nháy, biển cảnh báo từ xa để cảnh báo tàu thuyền khi lưu thông qua khu vực này.

Ông N.V.T, một người dân ở thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy)- sống trên tuyến đường dẫn vào công trình đang thi công lo lắng: “Cầu thi công đã lâu nhưng mỗi lần tàu thuyền qua lại khu vực này đều phải đi “dè chừng”, nhất là vào ban đêm. Đơn vị thi công chỉ thắp mấy cái bóng đèn giăng mắc ở các vị trí “chiếu lệ”, khi tàu thuyền lưu thông qua khu vực này rất dễ đâm vào các trụ đang thi công, dễ va chạm vào cầu”.

Nguy hiểm hơn, đây là khu vực thượng nguồn sông Hương với mặt sông khá hẹp - nơi thường xuyên có các phương tiện khai thác, vận chuyển cát lưu thông vào ban đêm và sáng sớm trong điều kiện thiếu ánh sáng. Nếu không có hệ thống cảnh báo luồng lạch theo đúng quy chuẩn, nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy rất cao.

Ông Lê Viết Trà, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty CP Đường thủy nội địa tỉnh thừa nhận tình trạng nguy hiểm của các phương tiện đường thủy khi lưu thông qua khu vực cầu Thôn Hạ.

Theo ông Trà, quy định về giao thông đường thủy nội địa, khi triển khai thi công các công trình liên quan đến luồng lạch chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có phương án đảm bảo ATGT đường thủy trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp ở cầu Thôn Hạ, chủ đầu tư trước khi thi công đã lập phương án đảm bảo ATGT đường thủy, được Sở GTVT chấp thuận và Công ty CP Đường thủy nội địa tỉnh hướng dẫn, nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ đầu tư không triển khai lắp đặt.

Cầu Thôn Hạ (thuộc Hợp phần cầu, Dự án Lramp Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh là đơn vị thi công. Công trình gồm 6 nhịp với chiều dài 150m được triển khai thi công từ tháng 6/2018, dự kiến hoàn thành tháng 7/2019.

“Từ khi triển khai xây dựng vào tháng 6/2018, đến nay các hạng mục dưới nước đã hoàn thành. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư vẫn không triển khai các thiết bị lắp đặt nơi công trình đảm bảo ATGT đường thủy như đèn nhấp nháy màu sắc, biển cảnh báo từ xa (theo quy định tại Thông tư số 30 và 40 của Bộ GTVT) khiến tàu thuyền gặp nguy hiểm. Trước tình trạng này, phía đơn vị đã thông báo cho lực lượng công an, thanh tra giao thông nhằm có phương án xử lý”, ông Trà cho biết.

Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc điều hành Dự án Lramp Thừa Thiên Huế cho rằng, dự án cầu Thôn Hạ không có hạng mục đảm bảo ATGT đường thủy riêng, không nằm trong hợp đồng dự án. Mặt khác, đây là hạng mục cầu dân sinh, phục vụ cho người dân vùng sâu vùng xa nên những công trình cầu ở dạng này mọi chi phí xây dựng đều “tiết giảm”. Nếu muốn triển khai các thiết bị đảm bảo ATGT đường thủy, phải xin thêm kinh phí của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Châu cũng cho rằng, do là cầu phục vụ dân sinh, không kinh doanh vận tải thương mại nên việc triển khai các giải pháp ATGT thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương dưới sự hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

“Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho công trình thi công đến lúc hoàn thành, sắp đến đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền xã, nhà thầu thi công và phía đường thủy nội địa lắp đặt các thiết bị đảm bảo ATGT đường thủy ở khu vực công trình thi công”, ông Châu nói.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ẩn họa tại các tủ điện công cộng

Hiện trạng xuống cấp, nhếch nhác, không được che chắn kỹ càng tại các tủ điện công cộng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về điện, đồng thời ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ẩn họa tại các tủ điện công cộng
Mất an toàn lối đi tự mở qua đường sắt

Số vụ và số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó giảm 7,3% về số vụ và 3,3% về số người chết; không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20- 26/1).

Mất an toàn lối đi tự mở qua đường sắt

TIN MỚI

Return to top