ClockThứ Bảy, 11/02/2017 05:51

Xây dựng Đảng về đạo đức

TTH - Khi “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn...” (trích Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII) thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần nhấn mạnh nội dung Xây dựng Đảng về đạo đức.

1. Chúng ta vẫn thường nói/viết chung chung về đạo đức mà chưa phân định một cách rõ ràng để từ đó hình thành những tiêu chí cụ thể cả về phẩm chất đạo đức cốt lõi bên trong và những dạng hành vi biểu hiện bên ngoài - những tiêu chí đạo đức: Nhóm phẩm chất đạo đức công dân; nhóm phẩm chất đạo đức tư tưởng - chính trị; nhóm phẩm chất đạo đức công vụ - nghề nghiệp; nhóm phẩm chất đạo đức trong ứng xử xã hội của cá nhân vv... Đã đến lúc cần xây dựng hệ thống tiêu chí đạo đức cụ thể và dựa trên đó yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên trên những cương vị cụ thể của mình thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc. Những điều đó cần được coi là một phần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Có thể thấy những giá trị tốt đẹp trong đạo đức truyền thống dân tộc: Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, cần cù và sáng tạo trong lao động, giản dị, tiết kiệm trong sinh hoạt... kết hợp với những giá trị đạo đức cách mạng được Đảng xây dựng và gìn giữ trong 87 năm qua: Tinh thần xung phong, gương mẫu, trung thành với lý tưởng; tinh thần kỷ luật, tác phong giản dị, khiêm tốn, cầu thị... đã hình thành nên hệ giá trị đạo đức của Đảng, của đảng viên. Tuy nhiên, những cám dỗ của lợi ích vật chất, sự tha hóa do quyền lực đã gây nhiều hậu quả, làm bức tranh đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay có nhiều “mảng tối”. Thực trạng suy thoái đạo đức, lối sống với nhiều biểu hiện xấu trong cán bộ, đảng viên đã và đang gây nhiều bất bình trong Nhân dân, làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào sự gương mẫu của đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Quy mô nhỏ hơn, giá trị thiệt hại của mỗi vụ việc nhỏ hơn nhưng phổ biến hơn, lan tràn trong đời sống xã hội, làm “han gỉ” tới cả những “con vít” nhỏ của bộ máy là những sai phạm “lặt vặt”. Những sai phạm “lặt vặt” đó không kém phần nguy hiểm vì bình diện rộng của nó, tạo ra một lớp người thực dụng, chỉ lo thu vén cá nhân và thờ ơ, vô cảm với cộng đồng. Khi đề cập vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức không được bỏ qua những khuyết điểm “lặt vặt” này nếu không muốn tạo ra tâm lý tiêu cực coi đó là “những cái xấu tất yếu của bộ máy”.

2. Đảng đã khẳng định quyết tâm chống suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đang được quyết tâm triển khai sâu rộng. Đường lối về việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống suy thoái, biến chất trong cán bộ, đảng viên của Đảng cũng đã được luật hoá trong chính sách, pháp luật của Nhà nước qua nhiều văn bản: Pháp lệnh chống tham nhũng; Luật Cán bộ công chức; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Khiếu nại, tố cáo vv... Kết quả của quyết tâm đó thể hiện ở việc phát hiện và kiên quyết xử lý những vụ việc tiêu cực, những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất (kỷ luật đảng đồng thời truy tố trước pháp luật khi có hành vi phạm tội) nhưng những cố gắng đó vẫn chưa thể coi là đủ.  Đảng cần phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng ngụy tạo những giá trị đạo đức của những kẻ đã suy thoái về đạo đức: Hối lộ được coi như một sự trả ơn, đáp nghĩa. Kẻ nhận hối lộ ung dung nhận sự “cảm  ơn” sau khi đã “làm ơn”. Những kẻ cơ hội, gió chiều nào theo chiều ấy lại tự hào khoe sự “đoàn kết” của mình để che đậy những mục đích vụ lợi cá nhân. Những kẻ không còn đạo đức nhưng lại giảng về đạo đức, khuyên bảo quần chúng về đạo đức - nhiều vụ án lớn liên quan đến nhiều vị quyền cao chức trọng được phanh phui trong thời gian gần đây có thể minh chứng cho điều này.

Để khắc phục tình trạng “Y bất xứng kỳ đức” - đạo đức, phẩm chất không tương xứng với trách nhiệm được giao - cùng với việc chống suy thoái đạo đức, lối sống “từ bên trong” (qua cơ chế kiểm tra đánh giá, qua việc thực hành tốt cơ chế tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng) cần tăng cường những cơ quan độc lập trong việc xem xét đánh giá toàn diện về tư cách đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên. Điều cần thiết để hoạt động của các cơ quan này đạt hiệu quả là phải có tính độc lập cao, các kết luận không bị chi phối bởi các tổ chức hay cá nhân nào.

Cần công khai trước Nhân dân những chế độ, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của các đảng viên và các cơ quan; những điều đảng viên không được phép làm để Nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát cùng với việc tạo những điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình - trực tiếp và thông qua các tổ chức đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tốt việc cán bộ, đảng viên tự phê bình trước quần chúng để đồng nghiệp trong cơ quan, Nhân dân ở nơi cư trú có thể trực tiếp nêu ý kiến nhận xét cụ thể và chính xác với từng người về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành những công việc được giao.

Mục thứ 3 trong Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ nhất của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu rõ và cụ thể: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với Nhân dân. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; các cấp uỷ, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình”. Điều quan trọng nhất là công việc này phải được tiến hành thường xuyên và phải đạt được hiệu quả trong thực tế, tránh mắc bệnh hình thức, qua loa. Quá trình thực hiện phải thường xuyên được đánh giá bằng các báo cáo trung thực và những tiến bộ cụ thể sẽ xác nhận những lời cam kết.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
Điển hình về học và làm theo Bác

Chi hội Nông dân (HND) tổ dân phố (TDP) Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền là một trong những điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các hội viên trong Chi HND TDP Thạch Bình đã từng bước khẳng định mình; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Điển hình về học và làm theo Bác

TIN MỚI

Return to top