ClockThứ Năm, 03/08/2017 14:18

Xây dựng Chương trình GDPT tổng thể: Cầu thị và thận trọng

Tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách cầu thị qua rất nhiều kênh khác nhau; thận trọng phân tích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được thông qua, làm căn cứ xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Thay đổi tập trung vào một số chi tiết của kế hoạch giáo dục

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình - cho biết: So với dự thảo Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến nhân dân ngày 12/4, sự thay đổi ở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua tập trung vào một số chi tiết của kế hoạch giáo dục cho phù hợp hơn với thực tế.

Những nội dung cơ bản về mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, hệ thống môn học và định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp dạy học, phương thức đánh giá kết quả giáo dục,…vẫn được giữ nguyên.

Những thay đổi chỉ là ở một số chi tiết kỹ thuật trong kế hoạch giáo dục ở 3 cấp học để phù hợp hơn với thực tế, theo kiến nghị của các chuyên gia, của người dân và theo kết quả khảo sát thực tế của Ban phát triển chương trình .

Cụ thể ở tiểu học, Ban phát triển chương trình sử dụng lại tên các môn học trong chương trình hiện hành để đỡ gây băn khoăn, thắc mắc không đáng có cho giáo viên.

Các môn Tin học, Công nghệ trước đây dự kiến dạy từ lớp 1 nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế, Ban soạn thảo Chương trình thấy rằng nếu dạy ngay từ lớp 1 thì các trường ở một số vùng nhất định khó có thể đảm bảo được cơ sở vật chất cũng như giáo viên. Vì vậy, trong Chương trình vừa được thông qua, Ban soạn thảo đã đưa môn Tin học và Công nghệ lên dạy từ lớp 3.

Ở THCS, chương trình vừa được thông qua nhấn mạnh hơn đến yêu cầu giáo dục hướng nghiệp. Cụ thể, chương trình quy định rõ các môn học và hoạt động giáo dục đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp. Ở lớp 8 và lớp 9, các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương phải có học phần hoặc chủ đề giáo dục hướng nghiệp.

Thứ 3, ở THPT, trong kế hoạch giáo dục có thay đổi chương trình lớp 10. Theo dự thảo chương trình đưa lên mạng 12/4, lớp 10 là lớp dự hướng, học sinh học tất cả 14 môn học và thực hiện 1 hoạt động giáo dục bắt buộc. Một số chuyên gia giáo dục và giáo viên cho rằng học như thế sẽ quá tải và không được sâu, không thực sự thể hiện giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Tiếp thu ý kiến này, chương trình mới thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10. Cụ thể, ngoài 5 môn học bắt buộc và hoạt động trải nghiệm, học sinh được chọn 5 môn từ 3 nhóm môn học (Nhóm Khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm Công nghệ và Nghệ thuật gồm các môn Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật), trong đó ít nhất mỗi nhóm chọn 1 môn.

Sửa đổi như vậy phù hợp hơn với Nghị quyết 88 của Quốc hội là kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản ở lớp 9 và bắt đầu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Nghiên cứu, đối chiếu cẩn trọng khi tiếp thu ý kiến

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng như Ban soạn thảo đã tổ chức rất nhiều kênh để lấy ý kiến.

Theo đó, ngoài việc đưa dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT còn gửi thư đến các vị nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT qua các thời kỳ, các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực và gửi công văn đến 63 Sở GD&ĐT để lấy ý kiến.

Ngoài ra, Ban soạn thảo chương trình đã tổ chức 3 hội thảo ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên, đại diện các Sở GD&ĐT trong từng vùng. Ban soạn thảo còn cử người đến nhiều trường phổ thông để khảo sát và lấy ý kiến của cán bộ quản lý cơ sở và giáo viên các trường đó.

"Điều đó cho thấy, Bộ GD&ĐT cũng như Ban soạn thảo rất cầu thị và chương trình mới được thông qua cũng thể hiện điều chỉnh theo hướng của các tổ chức, cá nhân, cũng như theo ý kiến của Hội đồng thẩm định" - GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định.

Trước ý kiến cho rằng, có một số góp ý không được tiếp thu trong Chương trình được thông qua, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: Trong mấy trăm ý kiến gửi đến, có nhiều ý kiến trùng nhau; cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Ban phát triển chương trình đã nghiên cứu cẩn thận và đối chiếu với những yêu cầu của chương trình, với điều kiện thực tế để tiếp thu; không thể tiếp thu tất cả các ý kiến vì có những ý trái chiều, thậm chí có ý kiến không phù hợp với điều kiện thực tế. Ví dụ, có ý kiến đề nghị tăng giờ học, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giảm,... Tuy nhiên, tăng hay giảm phải cân nhắc dựa trên các điều kiện thực tế.

Đề nghị tăng giờ dạy không phải không có lý, vì so với giáo dục các nước phát triển và nhiều nước trong khu vực, học sinh Việt Nam còn học rất ít giờ. Nhưng, ở các nước, phần lớn học sinh học cả ngày, trong khi đó học sinh Việt Nam phần lớn học 1 buổi/ngày, nên không thể theo kịp số giờ các nước đó.

Bên cạnh đó, tăng giờ đồng nghĩa với việc tăng định mức lao động của giáo viên và tăng biên chế. Chẳng hạn, chỉ cần tăng số giờ học ngoại ngữ ở các trường THCS, THPT từ 3 tiết lên 6 tiết/tuần như đề nghị của một số cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh thì phải tăng gấp đôi số giáo viên ngoại ngữ ở gần 11.000 trường THCS và gần 3.000 trường THPT – một đòi hỏi bất khả thi không phải chỉ trong hoàn cảnh hiện nay mà trong cả năm, mười năm nữa.

Cũng có ý kiến cho rằng phải đưa vào dạy các môn Tâm lý, Xã hội, Tôn giáo,... như chương trình tú tài quốc tế (IB). Nhưng thêm môn học thì phải thêm giáo viên. Khó có thể thêm những môn mà các trường sư phạm chưa đào tạo, thậm chí chưa có mã ngành. Đó là chưa kể việc đưa những môn học này vào dạy cho học sinh phổ thông liệu có thiết thực, hay lại rơi vào tình trạng như dạy Triết học cho học sinh lớp 10 hiện nay,...

Ở chiều ngược lại, đề nghị giảm môn học, giờ học cũng có lý, nhưng không thể thực hiện một cách tùy tiện.

Ví dụ, ở THPT hiện nay, học sinh chỉ học 8 môn vừa có lý thuyết vừa có thực hành; còn những môn như Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là những môn học và hoạt động thực tế. Chương trình của nhiều nước cũng dạy 7 - 8 môn. Nếu tiếp tục bớt môn ở cấp học này, học sinh muốn thay đổi định hướng nghề nghiệp sẽ không đổi được.

Có thể lùi thời gian áp dụng chương trình mới

Theo chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết, việc biên soạn các chương trình môn học và hoạt động giáo dục đã được khởi động từ cuối tháng 2 năm nay, sau khi các chuyên gia được tham vấn cũng như Hội đồng thẩm định họp, khẳng định hướng xây dựng chương trình tổng thể là đúng.

Trong thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tổ chức thảo luận, lấy ý chuyên gia; Bộ GD&ĐT sẽ đưa các chương trình lên Cổng thông tin điện tử của Bộ xin ý kiến các tầng lớp nhân dân và tổ chức thẩm định các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Dựa trên kết quả thẩm định các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định lại toàn bộ chương trình GDPT mới; sau đó Bộ trưởng mới phê duyệt để thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng để hoàn thành toàn bộ các công việc liên quan đến chương trình vào cuối năm nay.

Sau khi chương trình được ban hành, các tổ chức, cá nhân sẽ viết sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho tác giả sách giáo khoa về chương trình GDPT, lý luận và kinh nghiêm biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam và một số nước,...

Về tiến độ thực hiện chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay: Hiện Ban phát triển chương trình vẫn nỗ lực để hoàn thành chương trình theo tiến độ mà Bộ GD&ĐT đề ra.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân về chương trình GDPT tổng thể vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cả Uỷ ban và Phó Thủ tướng đều đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc, nếu cần thiết phải lùi thời gian áp dụng chương trình mới một năm. Nếu thực hiện theo hướng đó, Bộ trưởng sẽ phải báo cáo với Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội và Quốc hội mới có quyền quyết định khi nào thực hiện.

"Chúng tôi nhận nhiệm vụ trong một thời gian rất gấp rút, phải làm việc hết sức mình mới hoàn thành được công việc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng mà Ban chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đề ra.

Những người được Bộ GD&ĐT mời làm công việc này đều am hiểu giáo dục phổ thông; trong đó có các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Toán học, có giảng viên các trường ĐH, ĐHSP, có cả giáo viên phổ thông. Những người này đã được Bộ và Ngân hàng Thế giới hiệp y để tuyển chọn một cách kỹ lưỡng".

GS Nguyễn Minh Thuyết

Theo GD&TĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top