ClockThứ Sáu, 03/02/2012 13:32

Xây dựng “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”

TTH - Với quyết tâm xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020.

Theo đó, hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng là “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”, phấn đấu đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước 2014 và đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.  

Nhiệm vụ cụ thể được xác định cho giai đoạn 2011 - 2015 là xây dựng kế hoạch chi tiết đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, chú trọng các tiêu chuẩn Hệ thống công trình hạ tầng đô thị và tiêu chuẩn kiến trúc cảnh quan đô thị, phấn đấu đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I - thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2014. Tập trung vào khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt là khu vực thành phố Huế hiện nay và vùng phụ cận: Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền và đô thị vệ tinh độc lập Chân Mây - Lăng Cô.
 

Một góc đô thị Huế. Ảnh: Tuệ Ninh

 
Đề án ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại; hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang đô thị, chủ yếu đầu tư cho khu vực đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh Chân Mây - Lăng Cô; ưu tiên đầu tư đồng bộ về hạ tầng đô thị mới, như Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, đường cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A các đoạn: Huế - Phong Điền, La Sơn - Lăng Cô; QL 49A, QL 49B, ... Ngoài ra, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, tập trung các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh độc lập, phụ thuộc và vùng kinh tế động lực.
 
 
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến khoảng 15.789 tỷ đồng; trong đó, các dự án do Trung ương quản lý dự kiến khoảng 8.462 tỷ đồng, các dự án do địa phương quản lý dự kiến khoảng 7.327 tỷ đồng.

Hoàng Nguyên

 

KTS Huỳnh Quang, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế:
 
Cần có định hướng quy hoạch cụ thể
 
Cần phải khẳng định rằng, việc bảo tồn những giá trị lịch sử, cảnh quan là yếu tố sống còn của đô thị Huế. Ngoài đô thị di sản, Huế còn được mệnh danh là “thành phố thơ”. Theo quy luật phát triển, Huế cũng cần những cú hích, song, không thể vì phát triển mà xóa đi những giá trị vốn có. Bởi những giá trị lịch sử, văn hóa nếu mất đi sẽ không bao giờ tìm lại được.
 
Vấn đề là phát triển như thế nào? Và làm thế nào để phát huy hiệu quả về mặt văn hóa, lịch sử, để Huế không tụt hậu so với các khu vực khác? Theo tôi, cần phải quy hoạch tổng thể cho Huế và cái quan trọng nhất là phải định hướng quy hoạch sao cho phù hợp với thực tiễn. Ở các nước trên thế giới, người ta chấp nhận sự phát triển chậm hơn của các Cố đô so với những thành phố khác. Vì vậy, chúng ta không nên nóng vội trong việc phát triển Huế mà cần nghiên cứu kỹ hướng đi phù hợp. Chúng ta cần xác định lại ranh giới giữa bảo tồn và phát triển. Nếu xem bảo tồn là quá khứ thì phát triển là tương lai và ranh giới giữa quá khứ-tương lai chính là hiện tại. Tôi chia ba thì này theo từng khu vực cụ thể: Quá khứ là khu vực Bắc sông Hương, bao gồm hệ thống kinh thành Huế và những công trình di tích tại đây. Hiện tại là khu vực Nam sông Hương và tương lai là Khu đô thị mới An Vân Dương. Trong khi nhu cầu xây dựng ngày càng tăng, nhất là việc xây dựng khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại… phục vụ du lịch, thương mại. Nhà nước cần định hướng quy hoạch xây dựng phù hợp với tổng thể không gian kiến trúc Huế, mà vẫn đảm bảo giữ được cảnh quan hai bờ sông Hương và bản sắc đô thị Huế. Để làm được điều này, theo tôi, Nhà nước, nhất là những người làm công tác quy hoạch phải nhạy cảm, am hiểu văn hóa, lịch sử, địa lý, thiên nhiên, con người Huế… để đưa ra những quyết định phù hợp. Những quyết định bây giờ có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con cháu sau này của chúng ta. Qua kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quy hoạch, tôi nhận thấy việc định hướng quy hoạch là quan trọng nhưng việc lái người dân theo định hướng quy hoạch cũng quan trọng không kém.
HuỆ Tâm (ghi)

Ông Ngô Văn Tuân, TUV, Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế
 
Mở rộng giao thông kết nối các đô thị động lực
 
Để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, nhiều dự án giao thông mới đã và đang được triển khai. Cùng với đường Thủy Dương-Thuận An đang được tập trung xây dựng, QL49A Huế-A Lưới đã được bố trí vốn mở rộng mặt đường, gia cố taluy âm, dương. Tỉnh đang đề nghị Bộ GTVT cho triển khai sớm đoạn từ đàn Nam Giao đến Bình Điền. Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 1A từ Huế đi Lăng Cô được Chính phủ đồng ý cho nâng cấp lên thành 4 làn xe; đồng thời sẽ xây dựng thêm hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia trên tuyến. Về phía bắc, dự án nâng cấp QL1A Huế-Phong Điền lên 4 làn xe cũng đang được triển khai. QL49B ven biển cũng đang tiến hành làm công tác mặt bằng để triển khai mở rộng, nâng cấp; đồng thời, tỉnh cũng đang bố trí vốn nâng cấp tuyến đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường 12 B Huế-Hương Thọ trong năm 2012. Các dự án giao thông đang tập trung xây dựng, để Thừa Thiên Huế có một kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các vùng trong tỉnh, giữa các giữa các đô thị động lực với Huế và các tỉnh, thành trong cả nước.
ĐT (ghi)

Ông Nguyễn Minh Dũng, TUV, Giám đốc Sở Xây dựng:
 
Tập trung quy hoạch phân loại đô thị
 
2011 là năm có nhiều thành tựu về công tác quy hoạch. Đầu tiên phải kể đến là việc hoàn thành điều chỉnh quy hoạch vùng tỉnh. Đối với quy hoạch chung các thị trấn, tỉnh đã phê duyệt 10/10 quy hoạch gồm: Phong Điền, Sịa, Tứ Hạ, Thuận An, Phú Lộc, Khe Tre… Quy hoạch phân khu, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng theo tỉ lệ 1/2000 của TP Huế đạt khoảng 85%. Đến năm 2012, phấn đấu phủ kín tỉ lệ quy hoạch của toàn bộ TP Huế. Đối với các thị trấn, việc quy hoạch chi tiết cũng đã triển khai theo tỉ lệ 1/2000. Cũng trong năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các trục đường theo tỉ lệ 1/500, gồm: Đống Đa-Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng nối dài, đường Bà Triệu và các khu chức năng ngoài đô thị như Khu công nghiệp Phú Bài; Khu du lịch Lăng Cô, Vinh Thanh; Khu vực Cồn Dã Viên; Làng văn hóa du lịch Kim Long; Khu đô thị cổ dọc trục đường Chi Lăng…             
 
Các khu kinh tế cũng được chú trọng lập quy hoạch và quy hoạch. Đáng chú ý là việc điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Công tác quản lý và phát triển đô thị cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Trên cơ sở định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế, nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, cũng như yêu cầu của tiến trình hội nhập, nhiều dự án lớn được triển khai đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng, đặc biệt là các dự án về hạ tầng kỹ thuật. Mạng lưới đô thị toàn tỉnh đã và đang được mở rộng, phát triển kể cả vùng ven biển và biên giới.
 
Năm 2012 là năm chuyển tiếp thực hiện đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Trong năm này, chúng tôi tập trung quy hoạch phân loại đô thị, tiến đến phân cấp quản lý đô thị trong năm 2013. Ngoài đô thị động lực, các đô thị vệ tinh cũng được quan tâm quy hoạch xây dựng như ưu tiên hoàn thành nâng cấp đô thị Thuận An mở rộng thành đô thị loại IV. Đẩy mạnh công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung; lập quy hoạch các thị trấn huyện lị như: Sịa, Phong Điền, Khe Tre và các đô thị mới trọng tâm của các tiểu vùng: La Sơn, Vinh Thanh, Điền Lộc, An Lỗ..., nhằm đảm bảo quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế theo lộ trình tiến lên thành phố trực thuộc Trung ương.

T.HUỆ (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top