ClockThứ Năm, 08/08/2019 06:30

Xây dựng giải báo chí tỉnh ngang tầm khu vực và quốc gia

TTH - Một trong những mục tiêu quan trọng sắp tới của Hội Nhà báo (HNB) tỉnh là xây dựng giải báo chí tỉnh ngang tầm khu vực và quốc gia. Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Dương Phước Thu khẳng định.

Nâng vị thế báo chí Thừa Thiên Huế ở các giải thưởng quốc gia

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Dương Phước Thu. Ảnh: P. Thành

Thưa ông, như thế liệu có quá sức khi mà vài năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế vẫn chưa được vinh danh ở các giải báo chí mang tầm quốc gia?

Vì thế, chúng tôi càng có động lực để thực hiện, nhất là khi lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và tạo điều kiện để chúng tôi xây dựng lộ trình này.

Trước mắt, chúng tôi đang tham mưu và sẽ trình UBND tỉnh nâng giá trị giải thưởng báo chí tỉnh năm tới lên có thể gấp đôi so với mức hiện tại. Đây cũng là một trong những động lực để thúc đẩy anh em phóng viên đầu tư viết bài.

Chúng tôi cũng dự định sẽ đổi tên giải báo chí tỉnh bằng tên một nhà báo có nhiều đóng góp và cống hiến cho nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Nghĩa là sẽ có nhiều công việc để thực hiện?

Đúng vậy! Chúng tôi sẽ có nhiều thứ để bắt tay thực hiện, song điều đó có thể sẽ không quan trọng bằng việc các tác giả, nhà báo dấn thân, tìm tòi để có những đề tài hay, “ăn” giải. Nếu chỉ nỗ lực từ phía hội hay từ lãnh đạo các cơ quan báo chí  thôi sẽ chưa đủ mà điều cơ bản là sự dấn thân, nỗ lực từ phía các nhà báo, hội viên.

Ý ông là các nhà báo, hội viên chưa thật sự lao động báo chí nghiêm túc để có những tác phẩm có thể “đứng” được ở giải báo chí quốc gia?

Tôi cho rằng, các nhà báo, hội viên trên địa bàn khá năng động, xông xáo, trong đó có rất nhiều nhà báo có tư duy tốt, cách tiếp cận vấn đề tốt, yêu nghề và lao động báo chí nghiêm túc, song dường như các tác phẩm của họ có thể chưa tới hoặc chưa đúng thời điểm, chủ đề, tính thời sự... nên gần đây vẫn thiếu các tác phẩm báo chí vào chung khảo giải báo chí quốc gia hàng năm. Đó là điều đáng tiếc!

Có một thực tế cũng cần nhìn nhận rằng, Thừa Thiên Huế là vùng đất khá yên bình, gần như rất ít khi có những vụ việc phức tạp, tiêu cực... nên anh em báo chí “thiếu đề tài”. Về mặt tích cực, điều này cho thấy, Huế là thành phố thân thiện, địa bàn ổn định, con người hiền hòa, song cũng là “hạn chế” để có được những tác phẩm báo chí “gai góc” (cười).

Nếu vậy, có vẻ như báo chí Huế sẽ khó “có chân” ở những sân chơi lớn?

Tôi không nghĩ vậy! Gần đây, ban tổ chức một số giải, trong đó có giải báo chí quốc gia rất chú trọng đến những tác phẩm mang tính nhân văn, nhân ái. Chúng ta có thể không có những vụ việc tiêu cực lớn song những điều tử tế hàng ngày, những câu chuyện nhân văn, nhân ái hay các lợi thế khác về y tế, văn hóa, giáo dục... cũng là đề tài hay nếu chúng ta biết cách khai thác.

Ông có thể cho biết, về phía Hội sẽ có những định hướng, hỗ trợ gì cho các hội viên, nhà báo  ở khía cạnh này?

Hàng năm chúng tôi đều có hỗ trợ tác phẩm chất lượng cao, đây chính là tiền đề để các tác giả chọn đề tài, viết bài và đoạt giải. Thực tế đã có rất nhiều tác giả khi đề tài, tác phẩm được chọn hỗ trợ thực hiện đều đoạt giải báo chí tỉnh hàng năm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với nhiều cơ quan khác có những định hướng về đề tài, lĩnh vực cần thông tin, tuyên truyền để các nhà báo có thể chọn chủ đề phù hợp.

Còn những hỗ trợ khác, về tác nghiệp chẳng hạn?

Không chỉ là nhà báo mà kể cả với công dân, chúng tôi cũng hỗ trợ trong khả năng của mình và đúng theo pháp luật. Tuy nhiên, với hội viên, chúng tôi luôn khẳng định tinh thần sẽ luôn bảo vệ, nhưng với điều kiện nhà báo, hội viên phải đúng, hay nói cách khác là chúng tôi chỉ bảo vệ cái đúng và tuyệt đối không bao che các vụ việc tiêu cực.

Nghĩa là đã có những vụ việc tiêu cực liên quan đến nhà báo, hội viên trên địa bàn?

Nói vụ việc tiêu cực thì hơi quá, nhưng rõ ràng chúng tôi cũng nhận được một vài phản ánh chưa tốt về các phóng viên, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí hiện đang công tác trên địa bàn, song những người đó không phải là hội viên HNB tỉnh. Tuy vậy, khi nhận thông tin chúng tôi cũng có kiểm chứng để phản hồi với các cơ quan chức năng.

Điều đó cũng đồng nghĩa với hội viên HNB tỉnh cơ bản giữ được đạo đức nghề nghiệp?

Đúng vậy! Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, về những chuẩn mực, quy tắc, đạo đức của người làm báo. Vì thế, chúng tôi luôn khẳng định tuyệt đối không bao che cho những vụ việc tiêu cực liên quan đến hội viên, nhà báo.

 LINH ĐAN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Return to top