ClockThứ Ba, 05/09/2017 07:59

Xây dựng hình ảnh, tạo niềm tin cho toàn xã hội đối với giáo dục

TTH - Sáng nay (5/9), trên 250.000 học sinh toàn tỉnh sẽ hân hoan đón chào năm học 2017-2018. Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS.) Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về thành tựu, những tồn tại của năm học trước cũng như mục tiêu mà ngành đặt ra cho năm học mới. Ông Hùng cho biết:

Hệ thống trường tiểu học đều bảo đảm cho học sinh quyền được học trong môi trường giáo dục an toàn. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Năm qua, ngành đã làm được khối lượng công việc đáng kể, như triển khai kịp thời công tác bồi dưỡng thường xuyên cho gần 17.000 cán bộ, giáo viên. Sở cùng các địa phương triển khai giải pháp giải quyết giáo viên thừa, thiếu cục bộ. Công tác tuyển dụng, thuyên chuyển, luân chuyển, đề bạt được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã làm tốt, đến nay có trên 96,3% đơn vị hoàn thành tự đánh giá. Thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế đạt kết quả đáng tự hào. Công tác đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra và đánh giá đã thực hiện có hiệu quả và khoa học, có tác động tốt đến chất lượng đào tạo. Nề nếp trong dạy học, quản lý được giữ vững. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm bằng các những thức phù hợp thông qua các hoạt động, như bơi lội, kỹ năng mềm, hoạt động trải nghiệm sáng tạo...

Nhìn lại năm học qua, ông nhận thấy ngành GD & ĐT tồn tại những khó khăn gì?

TS. Phạm Văn Hùng: Cơ sở vật chất (CSVC) và nguồn lực tài chính được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng tiến trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, học 2 buổi/ngày, triển khai các điều kiện hoạt động ngoài giờ, phát triển giáo dục (GD) kỹ năng… Trường chuẩn quốc gia vẫn ở mức khiêm tốn, có trường mất chuẩn do CSVC xuống cấp không được tiếp tục đầu tư... Việc huy động trẻ trước 5 tuổi chưa cao. Quản lý các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chồng chéo do có nhiều đầu mối quản lý. Việc xây dựng, triển khai tinh giản biên chế vẫn gặp nhiều lúng túng, số lượng tinh giản còn quá ít, chưa đạt chỉ tiêu. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh tuy đã có sự quan tâm, nhưng, có nơi, có lúc chưa chặt chẽ. Chất lượng giáo dục chưa thật sự vững chắc, chưa đồng đều giữa các cấp bậc học, giữa các vùng miền và giữa các môn học. Công tác xã hội hóa GD & ĐT đang gặp quá nhiều khó khăn; các trường ngoài công lập quy mô học sinh bị thu hẹp, dẫn đến có nguy cơ giải thể; việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học vẫn còn nhiều bất cập và không đạt mục tiêu đề ra.

TS. Phạm Văn Hùng

Mục tiêu của ngành trong năm học mới này là gì - thưa ông?

Năm học 2017 - 2018, mục tiêu của Bộ GD & ĐT đặt ra cho toàn ngành là tiếp tục tập trung vào nâng cao kỷ cương, nề nếp, đạo đức lối sống để “thầy ra thầy, trò ra trò”. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Chúng ta sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu trên?

TS. Phạm Văn Hùng: Chúng tôi tiến hành đồng bộ 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của Bộ GD & ĐT và Chương trình hành động của ngành triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3 (cuối 2017), đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở (THCS) cấp độ 2 cuối 2018, tăng số học sinh có điểm thi đạt mức sàn trở lên trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2018 và học sinh giỏi quốc gia; có học sinh vào đội tuyển quốc tế. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở tiểu học trên 90% và THCS trên 30%, có 60% trường đạt chuẩn Quốc gia...

Tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển GD & ĐT theo tiêu chí của Bộ. Làm tốt công tác tham mưu triển khai các chủ trương, chính sách mới và thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Về nội lực, chúng tôi sẽ tăng cường tư vấn phân luồng học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia và có những giải pháp để phân luồng sâu hơn với học sinh sau tốt nghiệp THCS. Tích cực chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, chính xác kết quả học tập của HS. Có giải pháp để nâng cao chất lượng đại trà, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các vùng miền, giữa các môn; kết hợp với việc nâng cao chất lượng mũi nhọn thông qua việc tiếp tục đổi mới cách thi chọn học sinh giỏi. Quan tâm xây dựng các điều kiện để đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường phối hợp, tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa để giáo dục kỹ năng sống. Đẩy mạnh dạy tự học, tự nghiên cứu... giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Triển khai mạnh công tác đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Một trong những vấn đề mới mà ngành sẽ triển khai mạnh là hội nhập quốc tế. Từ năm học này, mỗi trường sẽ chọn và tỉnh triển khai ít nhất một yếu tố để hội nhập. Sở sẽ triển khai mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế ở các Trường THPT chuyên Quốc Học, Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giao lưu liên kết với các trường phổ thông của các nước (trong đó, ưu tiên các nước trong khu vực ASEAN) để tạo cơ hội cho học sinh hòa đồng, học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Hương Giang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp
Return to top