ClockThứ Tư, 09/11/2016 14:09

Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung các loại quy hoạch

Sáng 9/11, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quy hoạch.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình của thế giới.

Có được kết quả này là một phần đóng góp quan trọng của quy hoạch. Quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để giúp các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện những nhiệm vụ chính trị, cụ thể hoá các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và môi trường.

Quy hoạch là căn cứ chủ yếu để các cấp, các ngành định hướng mục tiêu phát triển theo ngành, lãnh thổ và là cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp trước sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Những hạn chế, yếu kém đó là: Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Quy hoạch chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của nhà nước để điều hành phát triển kinh tế-xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến sự thiếu gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện. Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành...

Quan điểm xây dựng luật là: Thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch trên cơ sở tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đồng thời khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động quy hoạch.

Hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể.

Quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế-xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển; bảo đảm tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, cũng như việc sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Mục tiêu xây dựng luật được xác định là: Xây dựng Luật quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước. Đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành được thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.

Tờ trình cũng khẳng định, việc ban hành Luật Quy hoạch sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và phù hợp với quy định mới của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 về vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.

Dự án Luật Quy hoạch được xây dựng và trình Quốc hội lần này gồm gồm 6 chương với 67 điều, quy định về lập quy hoạch, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch…

Trong buổi sáng 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự  án Luật Quy hoạch.

Theo Chinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top