ClockThứ Hai, 16/12/2019 13:36

Xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường đại học: Xu hướng mới trong bối cảnh tự chủ

TTH - Trong khi liên kết giữa trường đại học (ĐH) và doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam để chuyển giao, ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống chưa mạnh thì việc trường ĐH thành lập công ty để tăng tốc quá trình chuyển giao và giải quyết bài toán tự chủ là xu hướng mới.

Cải thiện chỉ số PCI và nâng cao chất lượng giáo dụcĐịnh hướng nghề nghiệp sớm cho sinh viên

Trưng bày sản phẩm nghiên cứu ở Trường ĐH Nông lâm

Xu hướng mới

Năm 2019, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có đến 2 trường thành viên thành lập DN, đó là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thành lập công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa) và Trường ĐH Bách Khoa (Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa).

Trên thực tế, với những cơ chế mở cùng chủ trương tạo điều kiện của Nhà nước, việc thành lập DN trong các trường ĐH nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng triển khai thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trở thành xu hướng mới.

Trong một trao đổi liên quan, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, mô hình DN trong trường ĐH không phải mới trên thế giới và một số trường ĐH ở Việt Nam cũng đã hình thành. Mục đích của DN trong trường ĐH là thúc đẩy nghiên cứu khoa học (NCKH) ứng dụng vào thực tế.

Tại trường ĐH, hai nhiệm vụ chính và cũng mang lại nguồn thu chủ yếu là đào tạo (nguồn thu học phí) và NCKH. Tuy nhiên, hiện nay tuyển sinh khó ổn định trong khi nguồn thu từ NCKH tại các trường vẫn còn khó khăn. Xu hướng tự chủ ĐH buộc các trường phải có giải pháp thích hợp và việc thành lập DN là cách làm khả thi khi các quy định về pháp luật cho phép.

Theo các nhà quản lý giáo dục, bên cạnh việc mang lại lợi ích về nguồn tài chính phục vụ cho các hoạt động của trường, các DN trong trường ĐH hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho sinh viên (SV) nhiều hơn, nhất là cơ hội việc làm. Ông Trần Anh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa phân tích: “Các vị trí trong công ty là cơ hội nghề nghiệp cho các SV của trường, vì đa số các ngành nghề hoạt động của công ty trường đều có đào tạo. Hơn nữa, SV đang học tập tại trường cũng có thể thực tập hoặc cộng tác với công ty ở một số lĩnh vực. Đơn cử, công ty có những đơn đặt hàng NCKH xã hội thì SV có thể tham gia các công đoạn khảo sát khoa học, phù hợp với năng lực của các em”.

Theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch, ĐH Huế, ở các ĐH lớn có mô hình DN trong trường ĐH. Mô hình đó mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc tạo điều kiện giúp SV thực tập dễ dàng hơn, nhất là thực tập quản lý khi mà các DN hiện nay chỉ ưu tiên để SV thực hành nghề. Còn theo lãnh đạo một số trường ĐH, mô hình trên giống như cơ chế SV được thực hành xuyên suốt khi các trường y có bệnh viện.

Doanh nghiệp giới thiệu với sinh viên ĐH Huế về hoạt động nghề nghiệp

Cần nghiên cứu kỹ

Những năm gần đây, câu chuyện xoay quanh vấn đề mô hình DN trong ĐH Huế từng được đem ra bàn luận. Năm 2018, khi trao đổi về vấn đề đưa nghiên cứu đến gần với cuộc sống, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cũng từng đặt kỳ vọng sẽ có một DN của ĐH Huế làm cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn xã hội. Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Luật Khoa học và Công nghệ cho phép các tổ chức khoa học và công nghệ thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (khoản 3, điều 13, Luật số 29/2013/QH13). Tuy nhiên, hiện nay số các nghiên cứu và chuyển giao có nguồn thu cho đơn vị còn khá ít.

Trong khi xu hướng đầu vào tuyển sinh giảm thì theo Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế ĐH Huế, nguồn thu từ khoa học và công nghệ đạt chưa tới 5% trong tổng thu từ ĐH Huế. Hiệu quả nghiên cứu chỉ dừng lại ở xuất bản các ấn phẩm trong nước và quốc tế, còn phần tiềm năng khác vẫn chưa được khai thác. Điều này đặt ra vấn đề cần phải thay đổi; các trường, khoa và viện nghiên cứu cần phải có kết quả ứng dụng và thông qua kết quả nghiên cứu cho phép thành lập các DN để tiếp cận thị trường.

Đối với các trường, thách thức lớn nhất là năng lực quản lý và tiếp cận thị trường hạn chế, tư duy chậm đổi mới, vẫn cho việc phát triển hàn lâm là quan trọng còn việc ứng dụng là phụ khi hình thành và phát triển các nghiên cứu. Ngoài ra, môi trường xã hội, thị trường khu vực miền Trung chưa thực sự quá sôi động cũng là một khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa, ĐH Huế cùng các trường phải nghiên cứu giải pháp, tư duy đột phá để giải quyết những khó khăn trên nếu muốn sớm thành lập được mô hình DN trong trường ĐH.

Theo các chuyên gia, việc thành lập các công ty nghiên cứu và phát triển có thể cho thấy dấu hiệu phát triển tốt của một trường ĐH, nhưng các công ty đó cần tập trung vào mục đích cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời cũng cần thận trọng, bởi các công ty này có thể sẽ bị lợi dụng như tấm bình phong để biến công thành tư và vụ lợi cá nhân.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top