ClockThứ Ba, 04/08/2015 07:21

Xây dựng Nam Đông trở thành huyện nông thôn mới

TTH - Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới (NTM), Nam Đông đã huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân để xây dựng NTM, làm cho bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, đời sống của người dân được nâng lên.

Nông thôn khởi sắc

Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Xuân Bình khẳng định: Nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo cơ bản hoàn thành thắng lợi nghị quyết trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng: Nông nghiệp - Dịch vụ - Công nghiệp; các nguồn lực đầu tư được huy động tối đa, trong đó tập trung cho chương trình xây dựng NTM. Xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó, chính quyền cấp xã đóng vai trò chủ đạo, người dân là chủ thể của quá trình phát triển. Xây dựng NTM thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân theo hướng bền vững, nên huyện chỉ đạo cách làm cũng linh động, sáng tạo, không rập khuôn và thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực là chính, khơi dậy tính tích cực, tự chủ vươn lên của cộng đồng dân cư.
Gấc là giống cây mới mang lại thu nhập cao cho người dân Nam Đông
Ông Ngô Văn Chiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Nam Đông chủ trương tăng cường chỉ đạo thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, gắn với xã hội hóa các nguồn lực trong các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và toàn thể Nhân dân. Với cách làm mới, UBMTTQ huyện đã ký kết chương trình phối hợp thống nhất hành động trong các tổ chức thành viên, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, đem lại hiệu quả thiết thực. Huyện đã huy động được gần 600 tỷ đồng từ các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước gần 250 tỷ đồng, xã hội hóa từ các doanh nghiệp được 111 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động Nhân dân hiến hàng chục ngàn m2 đất và đóng góp trên 10.000 ngày công, cùng 226,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh. Các công trình xây dựng trên địa bàn phần lớn đều do người dân quản lý, tổ chức giám sát và phân cấp quản lý bảo vệ trong quá trình hưởng lợi nên chất lượng của các công trình luôn được đảm bảo, phát huy tác dụng.
Đảng bộ huyện xác định cơ cấu kinh tế nhiệm kỳ 2015- 2020 theo hướng Nông nghiệp - Dịch vụ- Công nghiệp, từng bước chuyển dịch theo hướng Dịch vụ - Nông nghiệp - Công nghiệp sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 có 8- 9 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM; giá trị sản xuất hàng năm tăng 10- 12%; thu nhập bình quân đầu người 35 -40 triệu đồng; tổng nguồn vốn đầu tư 1.500- 2.000 tỷ đồng; thu ngân sách tăng 12-15%/năm; độ che phủ rừng 82%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 65- 70%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 10-11%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2020 là 1,3%; đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%...
Nỗ lực cán đích huyện nông thôn mới
Đến nay, Nam Đông có 5/10 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại hiện đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên, là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số xã đạt nông thôn mới. Nét nổi bật trong xây dựng NTM ở Nam Đông là các xã đã chuyển đổi và xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp mang tính bền vững. Nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương đã được chú trọng phát triển một cách bài bản như cao su, keo lai, chuối nuôi cấy mô, sắn công nghiệp, bò lai, ong mật, lợn rừng lai… Tại 10/10 xã của huyện Nam Đông, đất đai đều được quy hoạch, đưa vào sử dụng hiệu quả. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp kết hợp với quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới thành một tổng thể hoàn chỉnh, do đó đất đai hoàn toàn không bị lãng phí. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các vùng chuyên canh với diện tích khá lớn. Toàn huyện hiện có 3.538 ha cao su, trong đó có hơn 2.500 ha đang khai thác, 4.500 ha trồng keo làm nguyên liệu sản xuất gỗ dăm, gần 600 ha vườn cho thu nhập 30 triệu đồng/ha/năm; đồng thời, giao 6.700 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý và hưởng lợi.
Mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 -2020 là phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng huyện sớm đạt chuẩn NTM. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, tăng giá trị, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân… Để từng bước xây dựng huyện Nam Đông sớm đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh, Đảng bộ huyện Nam Đông tiếp tục phát huy tốt nội lực, huy động tốt nguồn lực trong dân, tranh thủ vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư; xây dựng chính sách khuyến công; khuyến nông, khuyến khích phát triển dịch vụ...
Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Xuân Bình:
Chú trọng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ
Nét nổi bật trong công tác xây dựng Đảng của Huyên ủy Nam Đông nhiệm kỳ qua là công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; trong đó, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Huyện ủy đã mạnh dạn sắp xếp, bố trí trên 50% cán bộ không đạt chuẩn (kể cả các đồng chí trong thường vụ); cơ cấu, luân chuyển 41 cán bộ chủ chốt; quyết tâm “thay máu” một số xã có bí thư, chủ tịch chưa đạt chuẩn. Do đó, một số nơi trước đây xảy ra tình trạng mất đoàn kết, bộ máy yếu kém thì nay đã khắc phục.
Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm Đảng bộ kết nạp khoảng 85 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 1.725 người; chất lượng đảng viên được nâng lên cả trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 78%, số đảng viên vi phạm giảm. Huyện ủy đẩy mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với chính quyền các cấp và hệ thống chính trị. Tập trung hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc địa bàn được phân công, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc từ cơ sở. Đổi mới cách ra nghị quyết, chỉ thị, văn bản hướng dẫn theo hướng ngắn gọn, thiết thực, cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm. 
Thái Sơn (ghi) 
 
 
Bài, ảnh: Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top