ClockThứ Ba, 01/03/2016 06:16

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị: Cốt lõi vẫn là ý thức

TTH - Gần đây, việc đô thị hóa khiến bộ mặt TP Huế ngày càng phát triển; đòi hỏi nếp sống của người dân phải thích ứng kịp để làm nên một bộ mặt đô thị đồng nhất.

Hành động vì cộng đồng

Sống ở một thành phố văn minh, tự thân người dân phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ đó hình thành nếp sống văn minh. Lần đầu ghé thăm Huế, ông Phan Văn Thành, du khách đến từ Nha Trang, rất ấn tượng với tinh thần trách nhiệm của các đoàn viên nghiệp đoàn xích lô du lịch Huế tại khách sạn Park View. “Chạy đúng tuyến và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Các bác xích lô khiến chúng tôi ngạc nhiên”, ông Phan Văn Thành nhận xét.

Để có được kết quả ấy, từ nhiều năm nay, LĐLĐ TP Huế thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên các nghiệp đoàn xích lô xe thồ trên địa bàn. Với ý thức học hỏi, hầu hết đoàn viên được trang bị đầy đủ các kỹ năng ứng xử với khách; tâm lý, phong tục tập quán của khách du lịch; tiếng Anh giao tiếp cơ bản. Nhờ vậy, văn hóa giao tiếp với du khách, ý thức tham gia giao thông của mỗi đoàn viên được nâng lên, không có cảnh phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách. Đoàn viên nghiệp đoàn còn được hướng dẫn sơ cấp cứu, giúp người bị nạn, phát hiện và hỗ trợ lực lượng công an ngăn ngừa tội phạm. Mỗi năm, đoàn viên các nghiệp đoàn xe xích lô, xe thồ ở Huế cung cấp hàng chục thông tin có giá trị cho công an, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Quan trọng hơn, họ còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái của mỗi đoàn viên khi tham gia vào nghiệp đoàn. “Biết biến suy nghĩ thành hành động cụ thể, các đoàn viên nghiệp đoàn đã góp phần vào sự bình yên của thành phố” – ông Phạm Hoàng Mai, Chủ tịch LĐLĐ TP Huế, nhìn nhận.

Thưởng phạt phải phân minh

Lâu nay, tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân gây nên sự lộn xộn, nhếch nhác, làm mất vẻ mỹ quan của một đô thị văn minh. Tuy nhiên, giải quyết triệt để điều này không hề đơn giản. Đơn cử, việc dán quảng cáo, rao vặt. Thành phố đã huy động hàng ngàn giờ công lao động của các lực lượng thanh niên, công an, cán bộ viên chức để dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường, khu vực trọng điểm mất vệ sinh. Thậm chí, thành phố phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để lắp đặt các bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí nơi công cộng. Động thái này bước đầu đã hạn chế được một phần tình trạng quảng cáo, rao vặt ở các cột đèn giao thông, trụ điện, trạm chờ xe buýt... Song, nếu không có chế tài đủ mạnh để xử phạt các vi phạm, thì việc quy về một mối ắt khó thực thi.

Huế là thành phố có thế mạnh về văn hóa, du lịch. Song, trong cộng đồng dân cư hiện vẫn có những người chưa ý thức trọn vẹn, còn những hành vi chưa văn hóa, văn minh. Những thói quen xấu của người dân đô thị Huế từ những chuyện được xem nhỏ nhặt như xả rác bừa bãi đến chuyện lớn hơn như xả rác xuống sông hồ, thiếu tôn trọng trật tự giao thông gây kẹt xe… đây đó vẫn xảy ra. Thói quen xả rác ra đường không chỉ làm khổ các công nhân vệ sinh môi trường đô thị, mà còn làm xấu mặt chính người dân Huế trước du khách gần xa. 

Sống trong một thành phố du lịch đòi hỏi hành động mỗi công dân phải thể hiện nếp sống văn hóa. Trước hết ngay trong văn hóa ứng xử, mỗi người biết san sẻ và chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. “Nếp sống văn hóa, văn minh từng khu dân cư, tổ dân phố nếu làm tốt, sẽ là những điểm đỏ kết nối, lan rộng ra cả thành phố. Vì thế, xây dựng đô thị và văn minh đô thị cần có sự lan tỏa sâu rộng, phải có bước đột phá thì mới thành công”, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Huế, Trần Văn Tiễn nhận định.

Chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị chỉ có thể thành công khi nâng cao được ý thức cho mọi người dân cùng có trách nhiệm tham gia giữ gìn vệ sinh chung. Và để nâng cao ý thức thì những biện pháp tuyên truyền như hiện nay xem ra vẫn chưa đủ. Ông Nguyễn Văn Lành, trú phường Thuận Lộc kiến nghị: “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ngoài công tác tuyên truyền cần có chế tài, để bảo đảm công bằng thì thưởng phạt phải phân minh. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, liên tục và kiên trì để hình thành nền tảng bộ mặt đô thị Huế. Cho dù đi bộ, mọi người cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Đi đúng phần đường dành riêng cho mình và không tùy tiện leo con lươn để sang đường bên kia, đó mới là nếp sống văn minh.”

Phong Thư

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top