ClockThứ Hai, 03/10/2016 08:38

Xây dựng nông thôn mới: Còn đối mặt với nhiều thách thức

TTH - Đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Thừa Thiên Huế có 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là mục tiêu đặt ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, được tổ chức vào sáng 30/9 vừa qua. Đây là cơ hội và không ít thách thức đối với chính quyền và người dân ở nhiều địa phương.

Nông thôn là địa bàn rộng lớn, hiện chiếm gần 80% diện tích đất, với 2/3 dân số cả nước; nơi hội tụ nhiềm tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia, nơi lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, nông thôn là địa bàn quan trọng che giấu cán bộ, là hậu phương vững mạnh cung cấp nhân lực, vật lực cho các chiến trường. Vì vậy, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao… không chỉ là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển đất nước mà còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả của Đảng, Nhà nước ta. Sau 5 năm thực hiện, bộ mặt nhiều vùng nông thôn được khởi sắc, nhiều tiềm năng thế mạnh ở nông thôn được khai thác hiệu quả, đời sống vật chất tinh thần của đại bộ phận người dân nông thôn được cải thiện. Tại Thừa Thiên Huế đã có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới và rất nhiều xã khác đạt tiêu chí cao, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới hiện còn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngoài việc chạy theo thành tích, để nợ đọng quá lớn tại một số địa phương thì tình trạng trục lợi trong vận động xây dựng hạ tầng vẫn có xảy ra, gây mất niềm tin trong dân. Nạn ô nhiễm môi trường, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, hiệu quả sản xuất của người dân.

Lợi thế xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2020 là đã có được thực tiễn qua quá trình triển khai giai đoạn 2010-2015, với nhiều thành công và tồn tại. Cùng với các giải pháp mang tầm vĩ mô như thu hút nguồn lực phát triển cho nông thôn thì các địa phương cần đánh giá, rút kinh nghiệm trong cách tổ chức thực hiện từ việc vận động đóng góp của người dân, đến cách lựa chọn công trình xây dựng. Nên chăng, cần ưu tiên đầu tư trước các công trình, dự án có tác dụng mang lại thu nhập cho người dân; bởi khi người dân có thu nhập thì việc đóng góp để xây dựng các công trình khác sẽ dễ dàng hơn. Mặt khác, cần phát huy vai trò dân chủ trong xây dựng hạ tầng nông thôn; tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn những tác hại ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; để nông thôn mới thực sự phát huy hiệu quả một cách bền vững.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Return to top