ClockChủ Nhật, 14/06/2020 09:12

Xây dựng Phong Điền trở thành thị xã: Con người là nhân tố quyết định

TTH - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền về việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, việc xây dựng huyện thành thị xã trước năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu hướng đến của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Phong Điền trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhiều vấn đề dân sinh được người dân Phong Hòa kiến nghịXây dựng huyện Phong Điền thành thị xãKhai thác tiềm năng, lợi thế vùng cát nội đồng

Ông Nguyễn Thanh Bình, TUV, Bí thư Huyện ủy Phong Điền

Ông có thể nói rõ hơn về những tiềm năng, lợi thế của Phong Điền để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển lên thị xã?

Phong Điền là huyện phía Bắc của tỉnh có diện tích 953,8 km2, dân số hơn 90.000 người; là vùng đất có địa hình tương đối đa dạng với lợi thế về địa lý - kinh tế, điều kiện giao thông khá thuận lợi.

Huyện có diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp, đất trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả khá lớn, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Huyện có mỏ đá vôi; mỏ sét, mỏ than bùn; nước khoáng nóng Thanh Tân với trữ lượng lớn; 17.000 ha cát trắng ven biển và 14.000 ha cát nội đồng... rất thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, huyện có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp như suối khoáng nóng Thanh Tân, thượng nguồn Ô Lâu, làng cổ Phước Tích, khu vực sinh thái Ngũ Hồ, phá Tam Giang và các bãi biển. Toàn huyện có 7 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh rất có tiềm năng trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện còn có bờ biển dài 15km, kết nối vùng cát ven biển và đầm phá, rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Ngoài ra, huyện có nguồn lao động dồi dào với khoảng 47.200 người trong độ tuổi lao động.

Huyện đã phát huy các lợi thế này như thế nào, thưa ông?

Phát huy những tiềm năng, lợi thế đó, huyện Phong Điền đã xây dựng những giải pháp hiệu quả để tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao, đạt 15,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 3,84%; nhu nhập bình quân người dân đạt khoảng 53 triệu đồng...

Diện mạo của huyện từ trung tâm đô thị đến các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay đã hoàn thành đạt 17/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Với nhiệm vụ xây dựng huyện trở thành thị xã, huyện đã triển khai như thế nào?

Trên cơ sở Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và chương trình hành động số 69 của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã quán triệt và ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai thực hiện; đồng thời lồng ghép nội dung xây dựng Phong Điền thành thị xã vào các nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Huyện đã tập trung xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án để phát triển thành thị xã gồm: Quy hoạch chung huyện Phong Điền; Chương trình phát triển đô thị; Đề án phân loại Phong Điền theo tiêu chí đô thị loại IV; Đề án thành lập thị xã Phong Điền theo hướng gắn với Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huyện ủy đã định hướng sáp nhập, phân định lại các đơn vị hành chính trên địa bàn để giảm từ 16 thành 12 đơn vị hành chính. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng 6 đô thị (phường) gồm đô thị trung tâm huyện và các đô thị vệ tinh như: Phong An, Điền Lộc - Điền Hòa, Phong Hiền, Phong Mỹ, Phong Hòa, Điền Hải-Phong Hải. Mỗi đô thị đều có chức năng, vai trò riêng phù hợp với điều kiện, đặc điểm thực tế của từng địa phương để phát huy chức năng khu trung tâm, tạo động lực phát triển tại các tiểu vùng.

Nhiều nhà máy trên địa bàn huyện được khởi công xây dựng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Định hướng trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Huyện định hướng phát triển thành 3 vùng cụ thể. Trong đó, phát triển vùng gò đồi - miền núi theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch dịch vụ; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng kinh tế, cây dược liệu, cây công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến.

Phát triển vùng đồng bằng - cát nội đồng thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh, trọng tâm là Khu công nghiệp Phong Điền; trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ của huyện; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển vùng ven biển - đầm phá thành vùng kinh tế năng động trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch dịch vụ biển và đầm phá, năng lượng tái tạo; ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển và đầm phá.

Để hoàn thành các định hướng trên, huyện sẽ tăng cường huy động nguồn lực để nâng cấp, xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, tập trung vào các đô thị trung tâm như thị trấn Phong Điền, khu vực ngã tư An Lỗ, khu vực trung tâm xã Điền Lộc và trung tâm các phường để tạo diện mạo đô thị. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm; tăng cường thu hút các nhà đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Phong Điền cũng như các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến...

Ông vừa nói, con người là nhân tố quyết định, vậy Huyện ủy đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong nhiệm kỳ tới?

Xác định được vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Phong Điền trở thành thị xã trong nhiệm kỳ tới, Huyện ủy luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đức, có tài, đủ năng lực để gánh vác nhiệm vụ nặng nề sắp tới. Theo đó, ưu tiên các cán bộ được đào tạo, có năng lực thực tiễn. Lựa chọn những người có uy tín, tâm huyết, tận tụy với công việc, có cách làm việc khoa học, đồng thời năng động, sáng tạo, mạnh dạn triển khai các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả để áp dụng vào công việc. Dám chịu trách nhiệm trước công việc.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng về năng lực chuyên môn cũng như về lý luận chính trị, quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, nhất là công tác quản lý đô thị. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, hiệu quả, gần dân, sát dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Khen thưởng kịp thời cũng như xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Giữ nghiêm kỷ luật Đảng, kỷ cương kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ...

Xin cảm ơn ông!

HẢI HUẾ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
Return to top