ClockThứ Sáu, 28/07/2017 22:17

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị thông minh, thân thiện

TTH - “Tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn, hướng tới xây dựng đô thị theo hướng di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường” là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với chủ đề “Quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh” diễn ra sáng 28/7.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì tại buổi đối thoại trực tuyến

Quy hoạch phải đi trước một bước

Thừa Thiên Huế xây dựng đô thị theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”. Nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn, tu bổ những di sản văn hóa, kiến trúc có giá trị nổi bật của đô thị Huế hết sức quan trọng. Công tác lập, quản lý quy hoạch (QH) và trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm.

Tỉnh đã phê duyệt nhiều QH (QH chung và chi tiết các khu đô thị và dân cư trên địa bàn tỉnh) và ban hành nhiều văn bản quản lý QH, xây dựng cũng như rà soát các quy hoạch để có sự điều chỉnh thích hợp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh QH chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thẳng thắn thừa nhận, quản lý QH&TTXD trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhiều khu vực đô thị còn thiếu QH chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý QH, kiến trúc đô thị. Bất cập về TTXD, các công trình xây dựng không phép, sai phép, vi phạm chỉ giới xây dựng, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật… vẫn xảy ra.

Trong gần 3 giờ đối thoại với hơn 40 câu hỏi của người dân liên quan đến các vấn đề: định hướng QH, thực hiện QH; xử lý các QH treo cũng như công tác đảm bảo trật tự đô thị tại một số khu đô thị, khu dân dân cư được lãnh đạo tỉnh, sở, ngành trao đổi thẳng thắn, cởi mở.

Vấn đề điều chỉnh quy hoạch khu An Cựu City thu hút sự quan tâm của người dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, để đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, UBND tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị theo đúng QH, kế hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Quy hoạch đô thị phải bảo đảm chất lượng, tầm nhìn và đi trước một bước theo hướng đô thị bền vững như: đô thị xanh, đô thị sinh thái. Sau bước QH, chính quyền các cấp tiến hành lập kế hoạch đầu tư xây dựng trong từng thời điểm để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại các dự án (DA) khu đô thị, khu dân cư mới đã được chấp thuận nhằm hình thành các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng.

UBND tỉnh cũng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực này theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để huy động xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị Huế, đô thị Thuận An, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Sịa, trục Quốc lộ 1A. Tranh thủ tối đa, quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA đối với các DA đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị trọng điểm. Đôn đốc hoàn thành xây dựng các công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông; hệ thống cấp nước; hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị.

Tăng cường đảm bảo trật tự đô thị

Tại buổi giao lưu trực tuyến, nhiều ý kiến xung quanh vấn đề quản lý đô thị, cấp giấy phép xây dựng và trật tự đô thị cũng được người dân trao đổi. Trong đó, DA Cải thiện môi trường nước thi công chậm gây khó khăn cho người dân thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật chia sẻ: "DA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư 24.008 triệu JPY (trong đó vốn vay: 20.883 triệu JPY), do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư. DA bắt đầu thi công từ tháng 6/2016 triển khai đồng loạt trên 11 phường thuộc khu vực phía Nam. Tuy nhiên, do móng đào quá sâu, thủ tục cấp phép của các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật kéo dài; năng lực thực tế của các nhà thầu không đạt theo hồ sơ trúng thầu nên tiến độ thi công vẫn chậm.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra xử lý 355 trường hợp vi phạm về TTXD, trong đó 63 xây dựng không phép, 172 xây dựng sai phép, 51 xây dựng lấn chiếm không gian, vỉa hè, 69 xây dựng lều quán lấn chiếm vỉa hè với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1,1 tỷ đồng.

Theo kiểm tra, quá trình triển khai thi công, các nhà thầu chưa nghiêm túc thực hiện theo các quy định về việc triển khai công trình xây dựng. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP. Huế đã giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì cùng Công an thành phố, các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề về an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng công trình lân cận... Theo kế hoạch, DA sẽ kết thúc vào tháng 8/2018.

Ông Trương Diệm, đường Trần Hưng Đạo thắc mắc: “Hiện tốc độ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương trong tỉnh diễn ra khá nhanh. Nhiều con đường, tuyến phố mới được xây dựng, tạo điều kiện cho người dân ổn định nơi ở, phát triển kinh doanh và dịch vụ. Tình hình quản lý trật tự xây dựng cũng trở nên phức tạp. Tình trạng xây dựng trái phép, không phép, cơi nới, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang giao thông... diễn ra khá phổ biến. Tỉnh đã có những giải pháp nào xử lý dứt điểm tình trạng trên?”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, các cơ quan quản lý, nhất là chính quyền địa phương, chưa chú trọng, thiếu tính chủ động trong xử lý vi phạm; ý thức người dân chưa cao là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo để chấn chỉnh các tình trạng vi phạm trật tự đô thị, công tác đảm bảo trật tự xây dựng cơ bản có những chuyển biến.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương khẳng định: "Những câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến thể hiện được sự quan tâm của người dân trong lĩnh vực quản lý QH, trật tự đô thị. Qua đây, giúp UBND tỉnh nắm bắt những ý kiến của người dân, làm cơ sở điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top