ClockChủ Nhật, 30/05/2021 06:19

Xây dựng thương hiệu “Tủ sách Huế”

TTH - Tủ sách Huế vừa ra đời đáp ứng mong mỏi của nhiều người khi tái bản, xuất bản những đầu sách quý về Huế. Để phát triển và lan tỏa giá trị của tủ sách này, việc quảng bá sách đến với độc giả trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực trong xã hội đóng góp cho sự phát triển của tủ sách là vấn đề đặt ra.

“Tủ sách Huế” lan tỏa đến trường họcCông bố đề án Tủ sách Huế và ra mắt Địa chí Văn hóa Huế

Logo Tủ sách Huế

Xuất bản sách quý về Huế

Với truyền thống hình thành và phát triển trên 700 năm, Thừa Thiên Huế có kho tri thức đồ sộ liên quan đến tất cả các lĩnh vực: văn hóa, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… Cùng với thời gian, nhiều cuốn sách quý có nguy cơ mai một, hư hỏng; một số bản thảo sách có giá trị nhưng chưa có điều kiện xuất bản. Trong khi đó, công tác quảng bá, thông tin, giới thiệu, tuyên truyền các đầu sách quý, mới chưa được quan tâm đúng mức nên chưa tạo được những trào lưu, nền tảng hiểu biết sâu, khoa học hơn về tiềm năng, thế mạnh, các tầng văn hóa trầm tích, đặc trưng riêng có của văn hóa, con người xứ Huế.

Điều đó đặt ra vấn đề cần tổ chức đánh giá, thẩm định, xuất bản, thiết lập và phát triển những cuốn sách về Huế để vừa xuất bản lại những cuốn sách chất lượng có nguy cơ mai một, tuyệt bản; vừa lưu trữ một cách có hệ thống sách Huế. Đồng thời, quan tâm phát triển các nguồn sách mới để giới thiệu, quảng bá đặc trưng văn hóa và con người xứ Huế, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng trong thời kỳ mới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, sách viết về Huế qua các thời kỳ vô cùng phong phú, là một kho tàng lớn. Việc sưu tầm, tái bản những cuốn sách hay, quý là nhiệm vụ đặt ra nhằm giới thiệu những giá trị về văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật…; đồng thời, tôn vinh các tác giả cống hiến những tác phẩm có giá trị cho Huế.

Tủ sách Huế vừa ra đời với logo, bìa gáy sách nhận diện là một thiết chế, ấn phẩm văn hóa độc đáo của riêng Huế nhằm thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc; đồng thời giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực.

Xây dựng thương hiệu và quảng bá

Tủ sách Huế hướng đến tái bản những cuốn sách chất lượng có nguy cơ mai một, tuyệt bản và đặt hàng xuất bản các tác phẩm mới có giá trị. Sách được tổ chức tái bản, xuất bản phải là những tác phẩm có liên quan đến Huế trên mọi lĩnh vực, có chất lượng nội dung với nội hàm văn hóa cao, kế thừa và đề xuất được những sáng kiến, kinh nghiệm, ý tưởng, giải pháp tốt cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ấn phẩm của Tủ sách Huế

Việc đưa ra những tiêu chí cụ thể để lựa chọn sách đưa vào Tủ sách Huế là vấn đề đặt ra. Lựa chọn được những cuốn sách có giá trị là cách để xây dựng thương hiệu cho Tủ sách Huế. Điều này cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, những người am hiểu, quan tâm thảo luận, đưa ra những tiêu chí lựa chọn sách hay ra mắt trong thời gian tới. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đề nghị: “Các cơ quan được giao nhiệm vụ cần phối hợp để xác định những cuốn sách nào được công bố trong Tủ sách Huế, đưa ra giải pháp để những cuốn sách này phát huy trong đời sống của người dân Huế, đáp ứng nhu cầu của xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân”.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, cần ưu tiên rà soát những công trình nghiên cứu đã xuất bản về Huế, sắp xếp lại tái bản thành một hệ thống để tranh thủ được thành quả rất lớn của các thế hệ. Để lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế, song song với tủ sách thực, nên phát triển tủ sách số bởi đây là xu thế tất yếu của thời đại, cũng là cách tốt nhất để đưa Tủ sách Huế đến với đông đảo cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước, việc xã hội hóa để huy động, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nguồn tài trợ hỗ trợ cho việc phát triển Tủ sách Huế rất quan trọng. Quỹ Phát triển Tủ sách Huế được thành lập do Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh làm đầu mối quản lý sẽ huy động sự đóng góp của các mạnh thường quân hỗ trợ xuất bản, phát hành các ấn phẩm và duy trì, phát triển Tủ sách Huế. Để huy động sự đóng góp hiệu quả, tỉnh cũng cần có cơ chế tiếp nhận, ghi nhận sự đóng góp của các mạnh thường quân.

Ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết: “Chúng tôi sẽ huy động, thu hút các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển Tủ sách Huế. Đặc biệt, chú ý phương thức huy động xã hội hóa tối đa các thành phần kinh tế tư nhân, các thiết chế văn hóa nước ngoài tại Huế và quốc tế nhằm hỗ trợ nguồn tư liệu, tài chính để phát triển Tủ sách Huế. Có thể tài trợ xuất bản một cuốn sách trong danh mục được chọn hoặc tài trợ cho các công đoạn xuất bản, in và phát hành. Ngoài ra, sẽ tổ chức đấu giá những cuốn sách quý hiếm, độc bản để tạo nguồn thu cho Quỹ Phát triển Tủ sách Huế”.

Để lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế, Sở Thông tin Truyền thông sẽ đa dạng hóa các hình thức, phương thức thông tin, quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền, quản lý, khai thác các đầu sách quý, mới trong Tủ sách Huế, đáp ứng nhu cầu độc giả trong và ngoài nước. Đồng thời, liên kết các nhà xuất bản, đơn vị phát hành uy tín để xuất bản, phát hành ra công chúng các ấn phẩm quý hiếm.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top