ClockThứ Năm, 16/02/2017 14:07

Xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ

TTH - Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 510 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 135 người, bị thương 504 người; trong đó, trên 60% số vụ TNGT liên quan đến độ tuổi từ 16-30. Năm An toàn giao thông (ATGT) 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” có nhiều nội dung cần quan tâm, nhất là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông cho giới trẻ.

Nhiều học sinh vi phạm giao thông trên đường

Ý thức giới trẻ chưa cao

Trên các tuyến đường ngang qua các trường học, thường bắt gặp hình ảnh sinh viên, học sinh vi phạm trật tự ATGT. Các hành vi phi văn hóa khi tham gia giao thông thường gặp như lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi xe máy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở 3,…Ý thức chấp hành giao thông của một số bạn trẻ thấp, chỉ khi thấy bóng dáng cảnh sát mới chấp hành. Không ít học sinh ngang nhiên điều khiển xe máy đi học dù đã có quy định cấm của ngành giáo dục.

Thầy Nguyễn Ngọc Quý, giáo viên một trường THPT cho rằng: “Phần lớn học sinh các trường phổ thông vi phạm trật tự ATGT là do phụ huynh “tiếp tay”  bằng cách mua xe máy cho con sử dụng trong khi tâm lý lứa tuổi mới lớn là thích đua đòi. Việc xử lý của lực lượng chức năng chưa kiên quyết “.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP.Huế) chia sẻ, sự thiếu ý thức của học sinh về ATGT trước hết có phần lỗi của phụ huynh khi không làm gương cho con; các chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm của học sinh quy định tại các văn bản pháp luật chưa đủ sức răn đe, việc xử lý vi phạm chưa thường xuyên, liên tục, làm giảm tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.

CSGT xử lý các học sinh vi phạm giao thông

Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Huế nhận xét, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên chưa cao. Việc cố tình chống đối lực lượng chức năng khi vi phạm trật tự ATGT chủ yếu xảy ra với đối tượng thanh niên đã sử dụng bia, rượu. Lực lượng CSGT đã áp dụng nhiều biện pháp như tuyên truyền, hướng dẫn, song hiện tượng vi phạm còn phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT. “Để từng bước xây dựng và hình thành thói quen ứng xử có văn hóa trong giao thông, bên cạnh việc thiết lập lại trật tự ATGT, xử phạt nghiêm minh, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo dựng phong trào sâu rộng tới cộng đồng dân cư, trường học. Đội CSGT TP. Huế đề xuất chính quyền các cấp, nhất là các trường học, khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan công an phải có trách nhiệm giáo dục cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên”- Trung tá Xuân nói.

Xây dựng văn hóa giao thông

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chia sẻ, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chưa cải thiện gây khó khăn trong việc đảm bảo ATGT. Để giải quyết vấn đề này, một trong những việc cần làm ngay là xây dựng VHGT, nhất là trong giới trẻ. Do vậy, Ủy ban ATGT quốc gia lấy năm 2017 là Năm ATGT. Mục tiêu cụ thể trong năm của Thừa Thiên Huế là tiếp tục giảm TNGT từ 5%- 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2016; không để ùn tắc giao thông.

Theo phân tích của Ủy ban ATGT quốc gia, có trên 70% người vi phạm giao thông ở độ tuổi 16-30 và gần 100% số học sinh THPT sử dụng xe máy đến trường không có giấy phép lái xe.

Theo ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, VHGT có 9 tiêu chí: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; đi đúng làn đường, phần đường quy định; không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT; tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; có ý thức văn hoá xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn. “Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng VHGT nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”- ông Trung nhấn mạnh.

Để xây dựng VHGT trong giới trẻ đạt hiệu quả thiết thực, từng bước đẩy lùi TNGT, các cấp các ngành đã có kế hoạch hành động cụ thể với trọng tâm là nâng cao ý thức của giới trẻ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để xây dựng VHGT trong giới trẻ một cách bền vững, mỗi gia đình cũng cần giáo dục con em nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATGT; các lực lượng chức năng cần quyết liệt, xử lý mạnh tay hơn đối với các trường hợp vi phạm trật tự ATGT.

 Bài, ảnh: THÁI BÌNH

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Tuân thủ đúng pháp luật về ATGT

Chúng tôi chỉ đạo các trường lồng ghép việc giảng dạy, phổ biến VHGT cho học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục ATGT cho giáo viên; tiếp tục phát động, hưởng ứng tham gia cuộc thi “Giao thông học đường” trên internet cho học sinh THPT.

Việc tuyên truyền thanh niên, học sinh, sinh viên tuân thủ đúng tiêu chí VHGT là việc làm cần thiết, nhất là tại TP. Huế, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trong khi hạ tầng chưa được cải thiện. Các tiêu chí đó là tuân thủ đúng pháp luật về trật tự ATGT; hình thành ý thức chấp hành trật tự ATGT. Chỉ cần chấp hành điều này cũng đã góp phần từng bước đảm bảo trật tự ATGT đô thị.

Ông Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh đoàn:

Tổ chức chuỗi hoạt động tuổi trẻ với ATGT

Tuổi trẻ tỉnh hưởng ứng Năm ATGT 2017 mở đầu bằng Ngày hội Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với VHGT và hành trình hưởng ứng các hoạt động được lồng ghép với cuộc thi lái xe an toàn, cuộc thi vẽ tranh về ATGT, hội thi Thanh niên với VHGT, trao quà cho nạn nhân bị TNGT... nhằm phát huy vai trò tình nguyện của của tuổi trẻ thực hiện cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”.

Năm 2017, tuổi trẻ tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về ATGT trong đoàn viên, thanh thiếu niên gắn với chủ đề “Xây dựng VHGT trong thanh, thiếu niên”. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong đoàn viên, thanh thiếu nhi và các tầng lớp Nhân dân. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu nhi và cộng đồng. Hình thành ý thức văn hóa cho thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào đảm bảo trật tự ATGT.

Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh:

Nhanh một phút, mất cả đời

Theo Bộ luật Hình sự, cha, mẹ, anh, em hoặc những người khác giao xe phân phối lớn (từ 50cm3 trở lên) cho người khác khi chưa đủ 18 tuổi, khi gây ra tai nạn nghiêm trọng, người giao xe đó phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giao xe của mình. Điều 202, Bộ luật Hình sự quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì mức hình phạt cao nhất có thể đến 15 năm tù nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, chủ phương tiện hoặc cha mẹ giao xe cho con, người khác chưa đủ 18 tuổi phải chịu việc bồi thường thiệt hại dân sự cho người bị nạn trong trường hợp con của mình hoặc người được giao xe gây tai nạn cho người khác.

Hậu quả của các vụ án vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thường tàn khốc, gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất, tinh thần. Các bậc phụ huynh, gia đình, các bạn trẻ hết sức cẩn trọng, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Hãy luôn nhớ câu “Nếu bạn cố nhanh một phút, có thể bạn phải mất cả đời”.

THÁI SƠN (ghi)

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Hương sắc Cố đô

Từ ngày bén duyên với công nghệ ướp hoa tươi thành hoa tươi bất tử, tình yêu hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) càng được chắp cánh. Ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, cô gái trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm hoa tươi bất tử xinh xắn, độc bản từ những cánh đồng hoa.

Hương sắc Cố đô
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024

TIN MỚI

Return to top