ClockThứ Ba, 09/05/2017 14:02

Xe đẩy thuyền nan hỗ trợ ngư dân

TTH - Trong khi ngư dân các vùng bãi ngang ven biển hằng ngày phải gồng mình mỗi khi đưa thuyền ra vào biển, tránh bão, thì dự án “Sáng kiến và phát triển địa phương thích ứng biến đổi khí hậu” (VIE/033) hỗ trợ xe đẩy thuyền nan đã mở ra cơ hội giải phóng sức lao động cho bà con.

Đưa thuyền lên bờ bằng xe đẩy

Lão ngư Nguyễn Thà ở xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) không giấu niềm vui khi được dự án VIE/033 trao tặng cho các hộ ngư dân 5 chiếc xe đẩy thuyền nan, mỗi chiếc trị giá hơn 14 triệu đồng. Số lượng tuy chưa nhiều so với số thuyền tại địa phương (khoảng 100 chiếc), nhưng đây là điều mà ngư dân từng mong đợi.

Ông Thà chia sẻ: “Trước chừ, cứ mỗi lần đi biển, ngư dân phải dùng đòn gánh thuyền xoay vòng rất nặng nhọc. Nhiều chuyến biển, người dân còn huy động cả vợ, con phụ giúp đẩy, gánh thuyền ra biển. Vất vả hơn là khi thuyền trở về sau chuyến đánh bắt, ngư dân đều mệt lả, bụng đói cồn cào lại còn phải gánh thuyền lên bờ”.

Ông Võ Giang, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản-Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, sau khi nghiên cứu, chế tạo thành công, cuối năm 2016, Chi cục Thủy sản phối hợp với một số địa phương, như xã Vinh Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (Phú Lộc), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)... tổ chức thử nghiệm xe đẩy thuyền với sự tham gia đông đảo của ngư dân. Sau khi thử nghiệm, ngư dân góp ý, dự án VIE/033 cùng với Chi cục Thủy sản bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện một số thiết bị phù hợp trước khi sản xuất đại trà và hỗ trợ. Mới đây, dự án đã hỗ trợ cho xã Quang Ngạn 5 chiếc và một số địa phương ở huyện Phú Lộc 10-15 chiếc, đây là thành công bước đầu và sẽ nhân rộng trong thời gian đến.

Thời gian gánh thuyền lên bờ bằng phương thức truyền thống mất chừng 30 phút, nếu có người phụ giúp thì có thể nhanh hơn đôi chút. Chưa kể vào mùa mưa bão, sóng to gió lớn, nếu không kịp đưa thuyền lên bờ trú ẩn thì nguy cơ bị sóng đánh hư hỏng rất cao. Tại địa phương đã từng xảy ra tình trạng thuyền bị hư hỏng do không kịp đưa lên cao tránh sóng. Mỗi lần thuyền bị hư hỏng, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, hao tốn chi phí sửa chữa vài triệu đồng trở lên. Thậm chí có những chiếc thuyền còn bị sóng cuốn trôi ra xa, gây hư hỏng hoàn toàn.

Năm 2016, dự án VIE/033 đã nghiên cứu, chế tạo xe đẩy thuyền nan cho ngư dân các vùng bãi ngang ven biển nhằm hỗ trợ vận chuyển thuyền trước, sau chuyến vươn khơi. Điều quan trọng nữa là tạo sự tiện ích, kịp thời trong việc đưa lên bờ tránh sóng trong mùa mưa bão, biển động mạnh. Theo ngư dân, việc vận hành  xe đẩy thuyền rất thuận tiện. Chỉ cần 4-5 người, mất chừng 5 phút là có thể đưa được thuyền lên bờ và không mất nhiều công sức.

Ông Võ Giang cho rằng, với cả ngàn chiếc thuyền ở các vùng bãi ngang ven biển đòi hỏi một lượng xe đẩy rất lớn. Cứ 10 chiếc thuyền cần ít nhất một chiếc xe đẩy mới đáp ứng yêu cầu, nhất là vào mùa mưa bão.

Sắp đến, Chi cục Thủy sản sẽ tranh thủ các dự án, nhà tài trợ, tiếp tục hỗ trợ xe đẩy thuyền cho các địa phương khác, dự kiến khoảng vài chục chiếc. Tuy nhiên, kinh phí của các nhà tài trợ, dự án có hạn nên các địa phương, ngư dân cần đầu tư mua sắm thêm để phục vụ nhu cầu đánh bắt và tránh trú thuyền vào mùa biển động, mưa bão. Các địa phương có nhu cầu mua sắm xe đẩy thuyền thì liên hệ đăng ký tại Chi cục Thủy sản để có kế hoạch sản xuất và cung ứng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top