ClockThứ Tư, 15/07/2020 06:30

“Xe ké” lộng hành - Kỳ 1: Thuận và lợi của “xe ké”

TTH - Chưa được cấp phép, không đăng ký bến bãi, không đóng thuế phí…, hàng trăm ô tô loại 7-15 chỗ hàng ngày trá hình dạng xe “chạy hợp đồng” công khai hoạt động trên tuyến liên tỉnh Huế-Đà Nẵng, Huế- Quảng Trị, hoặc Huế đến các tỉnh, thành khác. Những chiếc xe này người dân quen gọi là “xe ké”.

Tiếp tục kiểm tra, xử lý "xe ké", xe khách trá hìnhMạnh tay với xe chui, xe kéSẽ có xe buýt “chất lượng, an toàn, lịch sự”

Hoạt động “chui”, những chiếc “xe ké” ngày càng nở rộ không chỉ làm thất thu nguồn ngân sách Nhà nước mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Xử lý "xe ké" vi phạm khi đang vận chuyển hành khách Huế vào Đà Nẵng đoạn qua xã Lộc Thủy, Phú Lộc

Lợi nhuận cao

Qua mạng xã hội, tìm thông tin “đi xe ké miền Trung”, nhiều tài khoản hiện ra với hành trình đưa đón, trả khách trên tuyến Huế-Đà Nẵng; Đà Nẵng-Huế và Huế-các tỉnh, thành khác.

Tôi chọn ngẫu nhiên một tài khoản facebook. Ngay lập tức, thông tin được phản hồi “xe đến đón tận nhà”.

Đúng hẹn, xe 7 chỗ hiệu Toyota Fotuner BKS 75A.185.xx có mặt. Sau đó, tài xế tiếp tục di chuyển qua đường Nguyễn Huệ-Trần Phú-Hùng Vương để đón đủ 7 khách rồi xin tên tuổi ghi vào một bảng hợp đồng làm sẵn trước khi vào Đà Nẵng. Vào TP. Đà Nẵng, tôi là người cuối cùng được tài xế này đưa đến nhà người thân ở quận Sơn Trà, cách trung tâm thành phố chừng 8 cây số và thu phí 120.000 đồng.

Mới đây có việc cần, tôi gọi vào số 0905... của fb RR. Đầu dây bên kia liền được xác nhận có xe đi Đà Nẵng. Chỉ 30 phút sau, tôi được đón lên một xe 7 chỗ. Lúc này, trên xe đã có 4 hành khách. Thẳng tiến một đoạn, tài xế lấy điện thoại gọi cho hành khách kế tiếp với địa điểm đón là đầu đường Trần Phú-TP. Huế, rồi hướng về đường Nguyễn Tất Thành, TX. Hương Thủy.

Theo tài xế này, mỗi ngày xe này chạy tầm 4 lượt từ sáng sớm đến tầm 20h. Xe có người tổ chức gom khách và điều phối cũng như có phương án để đối phó với lực lượng chức năng. Nhẩm tính sơ bộ với mức giá 120.000 đồng/khách/lượt x 7 khách (xe 7 chỗ), mỗi lượt của “xe ké” hành trình từ Huế-Đà Nẵng, tài xế thu được 840.000 đồng. Nếu lấy tổng này nhân lên 4 lượt và trừ chi phí nhiên liệu (xăng, dầu), ước tạm thu sẽ gần 2,5 triệu đồng/ngày.

Với việc trốn được 10% thuế VAT từ tiền bán vé, mỗi xe đã gây thất thu thuế 250.000đồng/ngày; cộng không mất phí dịch vụ qua bến xe, không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, các bảo hiểm cho lái xe, phụ xe... thì mỗi tháng, doanh thu của mỗi xe tầm 60 triệu đồng (đã tạm trừ công tài xế, vé qua trạm hầm đường bộ Hải Vân, Phú Bài...). Tuy nhiên, chúng tôi lấy mức bình quân mỗi xe chỉ hoạt động tầm 20 ngày/tháng thì doanh thu tầm 40 triệu đồng.

Khi cập nhật số liệu sơ bộ từ Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh, hiện ở Thừa Thiên Huế có không dưới 200 “xe ké”. Chỉ cần ước giản tầm 50% “xe ké” hoạt động trong 20 ngày mỗi tháng thì tổng số tiền trốn các loại thuế, phí lên hơn 6 tỷ đồng/năm.

Đội liên ngành tuần tra kiểm soát "xe ké" trên QL1A qua địa bàn phường Phú Bài, TX. Hương Thủy

Kẻ vui, người buồn

Ông Phạm Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Bến xe Huế giãi bày, không phải bây giờ mà lâu nay tình trạng “xe ké” ở Thừa Thiên Huế phát triển khá. Điều dễ thấy, hầu hết họ thường sử dụng xe 7 chỗ của cá nhân, gia đình liên kết điều tiết phân chia hoạt động trá hình xe hợp đồng, xe du lịch để trốn các loại thuế nhưng thực chất là chở khách như tuyến cố định.

Bình quân mỗi ngày gần cả 100 lượt từ Huế đi các tỉnh. Thực trạng này cạnh tranh không lành mạnh với các nhà xe chân chính đăng ký chở khách tuyến cố định tại bến và đã có không ít nhà xe bỏ bến để ra “chạy ké”, “chạy dù”.

Tại Bến xe phía Nam TP. Huế trước đây tần suất 130-150 phương tiện xuất bến/ngày; nay chỉ còn 60-70 chuyến/ngày. Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua và phần nữa do khách chuyển dần đi “xe ké” trá hình xe hợp đồng, du lịch.

Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Bến xe phía Bắc TP. Huế nêu quan điểm, thực trạng “xe ké” không chỉ phát triển ở Thừa Thiên Huế mà hầu hết đã xuất hiện các tỉnh, thành. Đơn giản tiện lợi vì xe đón tận nhà, trả hành khách tận nơi theo yêu cầu mà giá mỗi lượt không cao hơn xe tuyến cố định. Vì vậy, hành khách xa dần các bến xe là dễ hiểu.

Xe ké sang khách để tránh lực lượng chức năng chốt chặn tại nam đèo Phước Tượng (Phú Lộc) vào ngày 3/7

Trước đây mỗi ngày tại Bến xe phía Bắc TP. Huế có 160-170 chuyến xe khách xuất bến đi các tỉnh, hiện nay đã giảm hơn 1 nửa; nhất là các tuyến Huế-Quảng Trị, Huế-Quảng Bình, Huế-Hà Tĩnh vắng hẳn khách mà nguyên nhân vì “xe ké”, xe trá hình hợp đồng, du lịch phát triển mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội xe khách tỉnh, Thừa Thiên Huế là vùng đất có nhiều điểm du lịch nên có điều kiện thuận lợi để các nhà xe lợi dụng đăng ký xe hợp đồng, xe chở khách du lịch nhằm hoạt động xe trá hình để trốn thuế. Tình trạng “xe ké” trá hình hợp đồng, du lịch ngày càng phát triển làm cho các nhà xe ở Hiệp hội xe khách tỉnh lo lắng.

Nhà xe của HTX Dịch vụ vận tải Tiến Đạt, HTX Vận tải ô tô Huế, Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế... nhiều lần làm đơn “kêu cứu” ban ngành chức năng nhưng vẫn chưa có giải pháp can thiệp, xử lý dứt điểm. Trước thực trạng này, các hãng xe khách hoạt động chân chính sẽ thu hẹp đất sống và các bến xe cũng phải chờ ngày “đóng cửa”.

Chủ một nhà xe hoạt động tuyến xe buýt Huế-Đà Nẵng (xin giấu tên) cho biết, trong hội này có 6 đơn vị tham gia hoạt động 43 xe, loại 30 ghế. Bình quân mỗi ngày chạy 29 chuyến. Thời gian qua, một phần do ảnh hưởng dịch COVID-19, phần nữa là tình trạng “xe ké” lấn át nên lượng khách tuyến này giảm còn khoảng 20% so với năm 2019. Hiện nay có những chuyến xe búyt Huế-Đà Nẵng khi xuất bến chỉ từ 5-7 khách...

Bài, ảnh: Minh Văn

Kỳ 2: Đưa “xe ké” vào diện quản lý

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thừa Thiên Huế: Nhiều thuận lợi

Chuyển đổi số (CĐS) đang là hướng đi tạo động lực giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, giáo dục Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi trong việc triển khai CĐS.

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thừa Thiên Huế Nhiều thuận lợi
Phục hồi sau đại dịch

Tín hiệu đáng mừng, dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) Thừa Thiên Huế đã quay trở lại hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD).

Phục hồi sau đại dịch

TIN MỚI

Return to top