ClockThứ Năm, 31/07/2014 05:29

Xe nước trâu kéo

TTH - Chuyện xưa kể rằng, mùa hạ Mậu Thìn (1868), trời hạn gắt, Phạm Phú Thứ theo vua đi xem mùa màng ở các cánh đồng Thừa Thiên. Đi cả trăm dặm đều thấy nông dân dùng gàu sòng tát nước. Về đến xã An Cựu, nơi có dòng sông Lợi Nông, thấy có một ông bá hộ tên là Lê Văn Giang dùng xe nước kéo bằng trâu. Hỏi chuyện, chủ nhân thưa bẩm, lúc trước dùng gàu sòng tát nước cho 2 mẫu, tốn 150 quan, nay dùng xe nước này tưới 3 mẫu chỉ tốn 15 quan. Vua quan gật gù.

Thì ra, xe nước kéo bằng trâu là một ý tưởng của Phạm Phú Thứ (1821 - 1882). Trong một chuyến đi sứ, sứ bộ Việt Nam là Phạm Phú Thứ có dịp tham quan một mô hình xe nước kéo bằng ngựa rất lạ và cũng rất hữu dụng ở nước Ai Cập xa xôi. Lúc đoàn trở về, Phạm Phú Thứ hỏi ai có thể vẽ được hệ thống xe kéo nước kia thì chỉ có một mình Lương Văn Tấn, em con cô của ông, vẽ rành mạch. Vậy là trở lại Huế, Phạm Phú Thứ tâu sự việc lên vua Tự Đức. Vua đã cho Lương Văn Tấn hướng dẫn bộ Công làm một cổ xe như thế và thay vì bằng ngựa lại cho kéo bằng trâu. Ban đầu dùng tưới nước vào đám ruộng tịch điền phía sau vườn Ngự Uyển để vua xem. Không chê đâu được, Lương Văn Tấn được thưởng ngân tiền. Vua còn sắc cho phủ Thừa Thiên chế tạo hơn 10 cỗ xe mẫu gửi cho các phủ huyện, đồng thời bảo Vũ Khố đóng kiểu mẫu đưa về các tỉnh đạo khác. Lại nhắc lại chuyến thăm thú của Phạm Phú Thứ trên dòng sông Lợi Nông năm đó. Cảm kích trước ý tưởng xe nước trâu kéo của mình thành hiện thực, Phạm Phú Thứ làm bài thơ có tựa dịch nghĩa “Đứng trên bờ sông Lợi Nông, xem xe trâu nhớ con cô là Lương Văn Tấn”. Bài thơ có đoạn: “Cách xưa: cần vọt ngàn người tát/ Máy mới: bánh xe nhất tiện bày/ Tốn phí, nhọc lao đều đỡ được/ Vụng về tăm tối, há ôm hoài”.

Lần đầu tiên về Thủy Thanh (Hương Thủy) dự “Chợ quê ngày hội”, xem những vật dụng nông cụ của nhà nông một thời xa xưa được trưng bày, tôi đã vô cùng cảm kích. Nó gợi nhớ trong tôi và rất nhiều du khách nữa, đặc biệt là những người Huế xa xứ đã một thuở hàn vi gắn với nghiệp nông gia, tìm lại dấu xưa và những hoài niệm của tuổi ấu thơ. Bất chợt tôi đã nghĩ đến chiếc xe nước trâu kéo kia của Phạm Phú Thứ trên dòng sông Lợi Nông huyền thoại. Nếu nó được chế tác (có thể khó nhưng không phải không làm được) và được góp mặt trong phòng trưng bày đang rất thu hút khách kia không chỉ trong các dịp Festival Huế thì quả đúng là thật thú vị. Thứ nhất, đây là một loại nông cụ đẹp và lạ, có khả năng thu hút khách du lịch, đặc biệt là từ Âu Tây khi sản phẩm đặc trưng của họ bất ngờ được phát hiện xuất hiện ở một làng quê Việt Nam. Thứ hai, sự xuất hiện của mô hình này cho thấy đã có sự hội nhập và đổi mới ở nông thôn Việt Nam cách nay hằng mấy thế kỷ. Nó là bằng chứng về người Việt đã biết học tập và tiếp thu những mô hình kỹ thuật tiên tiến để đưa vào sản xuất và đời sống.

Con sông đào Lợi Nông, được khắc trên Chương Đỉnh (Cửu Đỉnh), là biểu tượng đẹp, đáng tự hào của vùng nông thôn phía nam ven đô Huế. Dọc theo con sông đào này xưa là hành trình vua ngự thuyền thăm thú và dạo chơi. Nó thường bắt đầu từ Bến Ngự, đi qua vùng đô hội An Cựu, xuôi về các làng quê Thanh Thủy, Dạ Lê… rồi dừng ở các hành cung Thần Phù, Thuận Trực để tạm nghỉ hay xuôi về tận phá Hà Trung. Một hành trình đẹp với cảnh sắc thơ mộng, hiền hòa, còn đó gắn liền với những xóm nhà ven sông thấp thoáng trong bóng chiều tà có khói lam chiều, với những cánh đồng làng mênh mông và xanh mướt, với những con đò cắm sào đứng đợi và cả những gọng vó nhà ai chênh vênh, hờ hững. Nó sẽ hấp dẫn hơn và trở thành cung đường du lịch nếu có thêm một vài điểm xuyết đẹp, ví như sự xuất hiện của mô hình về chiếc gàu sòng tát nước, chiếc xe đạp nước có mái che thường thấy với hình ảnh về đôi trai gái, hay đặc biệt chiếc xe nước trâu kéo của một thời xa xưa, nay chỉ còn lại trong sách vở và hoài niệm.

Đinh Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top