ClockThứ Ba, 07/08/2018 13:00

Xe ôm truyền thống trong vòng xoáy công nghệ

TTH - Từ bến xe, nhà ga, bệnh viện, siêu thị, chợ... những tài xế xe ôm truyền thống bồn chồn ngóng khách; ngược lại cánh xe ôm ứng dụng công nghệ lướt qua liên tục.

Grab chưa được cấp phép tại HuếHuebike - xe ôm sinh viên

Lái xe ôm truyền thống bồn chồn, chờ đợi khách

“Nồi cơm” vơi đi...

Hầu hết những người chạy xe ôm truyền thống thường có tuổi đời khá lớn và thâm niên tuổi nghề cũng trên chục năm. Qua thời gian, những địa điểm công cộng quen thuộc như bến xe phía Nam, Ga Huế, chợ Đông Ba, Bệnh viện Trung ương Huế... đã thành lập nên những nghiệp đoàn. Người lái xe ôm từ nhiều nơi tụ về, có người ở huyện, người ở thành phố nhưng khi đã gia nhập nghiệp đoàn thì hoạt động quy củ, lề lối.

Gặp chúng tôi giữa cơn mưa chiều bên gốc cây phía trước bến xe phía Nam, ông Nguyễn Khoa Ky (ngụ ở phường An Tây, TP. Huế) tranh thủ trò chuyện trong lúc chờ khách. Vừa bước qua cái tuổi 50 nhưng ông Ky đã có hơn 15 năm hành nghề xe ôm, chở không biết bao nhiêu chuyến xe rong ruổi khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Ông Ky kể rằng, nhờ nghề này mà có đồng ra, đồng vào, nuôi được mấy đứa con theo đuổi con chữ.

Đang kể, ông chững lại: “Gần một năm nay thì khác rồi. Xe ôm công nghệ mà đặc biệt là Grab nở nộ, cạnh tranh bắt khách, thế là “nồi cơm” vơi đi”.

Không riêng gì ông Ky, hơn 100 thành viên thuộc nghiệp đoàn xe ôm của bến xe phía Nam nằm ngay cửa ngõ ra vào TP. Huế luôn trong tâm trạng chực chờ, âu lo bởi lượng khách giảm mạnh, thu nhập giảm đáng kể. Cứ thế, cuộc cạnh tranh giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ ngày càng khốc liệt, không chỉ vì miếng cơm manh áo mà đau lòng hơn đã có nhũng vụ va chạm, ẩu đả.

Ông Đào Thạnh, thành viên nghiệp đoàn xe ôm bến xe phía Nam là một trong người vừa bị nhóm xe ôm công nghệ Grabbike hành hung trong lúc dằng co chuyện bắt khách, rất may bỏ chạy kịp thời và bị chấn thương nhẹ. Ông kể, từ ngày chạy xe ôm ở khu vực này gần 20 năm chưa khi nào thấy bất an như hiện nay. “Đã vào nghiệp đoàn chúng tôi làm ăn có trước có sau, không giành giật khách. Ngoài ra, còn là “tai mắt” đảm bảo an ninh, trật tự. Nhưng giờ đây Grab bike tràn lan, không chỉ bắt khách qua ứng dụng mà còn giành giật khách nên anh em nghiệp đoàn bức xúc lắm”, ông Thạnh ấm ức và cho biết, thu nhập cũng giảm xuống, thay vì trước kia có ngày kiếm được 200.000 đồng thì nay giảm xuống còn phần nửa.

Vẫn có chỗ đứng nhất định

Khi được hỏi có khi nào có ý định gia nhập xe ôm hiện đại không, nhiều người chạy xe ôm truyền thống bảo rằng không vì đã tham gia nghiệp đoàn, hoạt động quy củ, nề nếp nên tự hoạt động được. Phần nữa, các lái xe ôm truyền thống có tuổi, không rành công nghệ.

Đa số những người chạy xe ôm truyền thống ở nghiệp đoàn xe ôm Ga Huế vừa bất bình, vừa âu lo khi bị “chiếm thị phần”. Một người lái xe ôm lâu năm ở đây kể rằng, không chỉ bắt khách qua ứng dụng mà những lái xe ôm công nghệ thậm chí còn bắt khách ngay tại bến. Như thế không công bằng. “Thiệt ra nếu xe ôm công nghệ được cấp phép, hoạt động công khai thì chúng tôi ủng hộ thôi. Nhưng đằng này theo quan sát thì vẫn chưa có phép, không có sự quản lý của ai nên rất lộn xộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến hành khách. Thay vì khi khách đi xe nghiệp đoàn thì anh em ai cũng biết khi có chuyện gì xảy ra có thể kiểm soát được, còn đằng này xe ôm công nghệ thì ngược lại”, người này nói.

Ông Đặng Phước Đức, tổ phó nghiệp đoàn xe ôm khu vực Ga Huế cho hay, xe ôm truyền thống hoạt động từ rất lâu, có nghiệp đoàn nên anh em hành nghề chuyên nghiệp, yêu cầu phải có thẻ hành nghề, mã số, có đồng phục hẳn hoi... Vì thế, khi Grab bike hoạt động ở Huế khá lộn xộn, nhiều anh em nghiệp đoàn bất bình. “Anh em ở đây làm ăn lâu năm, có tinh thần tập thể, có sự điều hành, sắp xếp đón trả khách trật tự... Tôi vẫn khuyên anh em bình tĩnh kiềm chế, tránh xung đột. Những bức xúc của anh em cũng đã được gửi lên Liên đoàn Lao động TP. Huế và mong chờ được can thiệp kịp thời”, ông Đức nói.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Huế cho biết, đơn vị đang quản lý 9 nghiệp đoàn xe ôm, xe xích lô trên địa bàn thành phố với hơn 700 thành viên. Bà Thanh thừa nhận, từ ngày xuất hiện xe ôm công nghệ đã phần nào làm ảnh hưởng đến các nghiệp đoàn. Qua tìm hiểu đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh em. “Trước thực trạng nói trên, chúng tôi đang lên kế hoạch từng bước, theo lộ trình để anh em tham gia nghiệp đoàn có chỗ đứng nhất định; ngoài ra, luôn có biện pháp bảo vệ cho các thành viên của nghiệp đoàn trong quá trình hoạt động”, bà Thanh nhấn mạnh.

P. THÀNH – L. THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xe ôm

Tôi vừa ôm con, vừa xách lỉnh kỉnh đồ đạc bước xuống từ xe khách lúc 11 giờ trưa. Đầu vẫn còn váng vất cơn say xe, chưa kịp hít gió trời thì đã bị vây quanh bởi cánh xe ôm.

Xe ôm
Xe ôm chở hoa “bội thu” dịp Tết

Khi thị trường hoa, cây cảnh được bày bán phục vụ Tết có mặt ở khắp mọi nẻo đường cũng là lúc đội ngũ xe thồ từ xe máy, xích lô hay ba gác... “bội thu” nhờ được thuê chở hoa liên tục. Tuy vất vả nhưng niềm vui của mỗi chủ xe tỏ rõ trên nét mặt, nụ cười bởi thu nhập tăng cao...

Xe ôm chở hoa “bội thu” dịp Tết
Huebike - xe ôm sinh viên

Đó là câu chuyện về “Huebike” – thương hiệu còn khá mới nhưng nhận được sự hưởng ứng của nhiều cô cậu sinh viên có nhu cầu đi lại với chi phí…cực rẻ.

Huebike - xe ôm sinh viên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top