ClockThứ Sáu, 11/01/2019 08:26

Xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường

TTH - Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng, đặt ra nhiều thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tăng thuế, tăng nguồn đầu tư cho môi trường

Cần ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố… là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành tài nguyên và môi trường vừa diễn ra ngày 8/1. Như vậy, sau các bộ chỉ số quốc gia như: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)… được công bố hàng năm, giờ đây chỉ số bảo vệ môi trường của các địa phương cũng sẽ được đánh giá, xếp hạng hàng năm.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng, đặt ra nhiều thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, tuy đạt tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh trong những năm qua nhưng cũng gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả và thải vào môi trường các chất độc hại dẫn tới nhiều hệ lụy như thiên tai, bão lũ, hạn hán, sóng thần và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Điều này có thể thấy rõ ở hầu hết các ngành kinh tế. Chẳng hạn, sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều nguyên, nhiên liệu và thải ra nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Ngành nông nghiệp sử dụng  phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất. Việc gia tăng phương tiện giao thông ồ ạt gây ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị…

Ở tầm vĩ mô là vậy, đi sâu vào từng ngành, từng địa phương, vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội còn nhiều phức tạp hơn. Để thu hút đầu tư, một số địa phương sẵn sàng chấp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Trong đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, không ít địa phương chỉ chú trọng đến thu hút lấp đầy diện tích mà “quên” vấn đề xử lý nước thải, chất thải tập trung theo quy định. Chưa kể, một số nhà đầu tư cố tình vi phạm các quy định về xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, tác động lớn đến cộng đồng dân cư. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa được thực sự quan tâm; chế tài xử lý chưa nghiêm. Câu chuyện Fomosa gây ô nhiễm cho vùng biển rộng lớn ở khu vực miền Trung là bài học đắt giá cho công tác thu hút đầu tư, quản lý môi trường.

Ở một phương diện khác, công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chuyên ngành mà còn là cộng đồng trách nhiệm của từng địa phương, mỗi người dân. Đơn giản như việc thu gom, xử lý rác thải, chỉ cần đổ rác đúng nơi quy định, giữ gìn môi trường nơi mình sinh sống dù đã tuyên truyền vận động nhiều nhưng vẫn chưa đi vào nề nếp, rác thải vương vãi khắp mọi nơi.

Tăng trưởng kinh tế theo hướng bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà  nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2016 - 2020), xác định Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, chú trọng hơn tới phát triển chiều sâu bên cạnh phát triển chiều rộng, đặc biệt là đầu tư cho khoa học công nghệ. Tăng trưởng kinh tế gắn với sử dụng năng lượng, nguyên liệu, vật liệu đầu vào, bằng những biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, các vật liệu, nguyên liệu mới, thân thiện với môi trường…

Theo định hướng trên, cùng với việc ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố sẽ tạo ra những bước chuyển quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Từng địa phương sẽ chú trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường; cẩn trọng hơn trong thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường… Đây là thách thức không nhỏ nhưng sẽ tạo cơ hội phát triển bền vững cho từng địa phương và đất nước.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

Ngày 6/4, trên các trục đường giao thông của các xã, thị trấn, trên các bãi biển...ở Phú Vang, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch - sáng.

Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top