ClockThứ Sáu, 25/03/2016 10:12

Xét tuyển đại học bằng học bạ THPT: Lo xảy ra tiêu cực

Xét tuyển bằng học bạ sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các trường ĐH, CĐ tuyển chọn thí sinh nhưng đang khiến xã hội lo ngại có thể xảy ra tiêu cực.

Năm nay là năm thứ 2 Việt Nam tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh và thông qua kết quả của kỳ thi này, các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển chọn thí sinh vào trường.

Bên cạnh hình thức xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển sinh riêng bằng các hình thức khác nhau như: phỏng vấn, kiểm tra chỉ số thông minh, năng khiếu… Điểm đặc biệt của công tác tuyển sinh năm nay là Bộ GD-ĐT cho phép mở rộng các trường ĐH, CĐ được thực hiện xét tuyển thí sinh vào trường thông qua kết quả học tập THPT bằng học bạ.

Việc xét tuyển bằng học bạ sẽ tạo thêm cơ hội cho các trường ĐH, CĐ tuyển chọn thí sinh vào trường nhưng cũng đang khiến xã hội lo ngại, hình thức xét tuyển này dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực như việc phụ huynh “chạy điểm” để có học bạ đẹp cho con nhằm tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Trước những lo ngại trên, lãnh đạo một số trường THPT ở Hà Nội đã có những quan điểm, ý kiến khác nhau.

Điểm số mỗi nơi chấm một khác

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Hà Nội cho rằng, việc chấm điểm vào học bạ cho học sinh ở mỗi trường sẽ khác nhau. Ví dụ như một học sinh học ở lớp A thì có thể được điểm 6 môn Toán, nhưng khi học ở lớp B, lớp C thì có thể được chấm điểm 7, 8.

Ông Đặng Đình Đại

Mặc dù đã có thang điểm chuẩn nhưng đề kiểm tra, thi học kỳ giữa trường học này và trường học kia lại khác nhau. Đề thi của trường THPT đứng tốp đầu khó hơn những trường tốp giữa, tốp dưới. Thí sinh đạt điểm 8 môn Toán của trường tốp đầu khác với thí sinh đạt điểm 8 của trường tốp giữa, tốp dưới.

Chuyện phụ huynh “chạy điểm” để có học bạ đẹp cho con nhằm tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ là có nhưng nếu Sở GD-ĐT các địa phương phát hiện ra tiêu cực này thì nên có hình thức xử lý nghiêm hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để cảnh báo các trường THPT khác không được làm như vậy. Việc xử lý này nên được đưa ra công khai, minh bạch.

Ở nhiều trường ĐH, CĐ trên thế giới đã thực hiện xét tuyển thí sinh vào trường dựa vào kết quả học THPT vì hầu như ý thức học tập của học sinh rất nghiêm túc, phụ huynh không quá coi trọng cho con vào học đại học nên không có chuyện tiêu cực. Các trường ĐH, CĐ tin tưởng vào bảng điểm, học bạ đánh giá năng lực học tập, rèn luyện của học sinh.

Còn ở Việt Nam, nhiều trường ĐH, CĐ chưa thực sự tin tưởng vào bảng điểm, học bạ THPT vì nhiều lớp học ở cùng một trường còn có sự khác biệt trong việc chấm điểm; giữa các tỉnh, thành phố còn chạy theo “bệnh thành tích” trong đào tạo…

Ông Nguyễn Tu Tập

Phải xử lý nghiêm trường học để xảy ra tiêu cực

“Trình độ, năng lực của học sinh đến đâu thì giáo viên phải đánh giá đúng đến đó. Nếu trường học nào để xảy ra tình trạng phụ huynh “chạy” học bạ hoặc “xin” giáo viên thay đổi điểm thì nơi đó chưa thực hiện đúng đạo đức nghề nghiệp nhà giáo.

Trường học để xảy ra tình trạng giáo viên sửa bảng điểm của học sinh hoặc chấm điểm không đúng với trình độ của học sinh đã khiến cho chất lượng giáo dục đi xuống nên cần phải xử lý nghiêm”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Để ngăn chặn tiêu cực như “chạy” điểm, “chạy” học bạ, ngành Giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với trường học, giáo viên, phụ huynh về  đào tạo và giáo dục cho học sinh một cách thực chất. Ngoài ra, khi các trường đã hoàn thành hồ sơ học bạ thì lúc đó Bộ GD-ĐT mới công bố có nên xét tuyển vào ĐH, CĐ bằng học bạ cho thí sinh hay không.

Ông Lưu Danh Chiêm

Trong những năm gần đây, có tình trạng 1 thí sinh được khoảng 10  trường ĐH, CĐ gửi giấy mời nhập học. Những trường này được xếp hạng tốp dưới, trường CĐ công lập hoặc các trường ngoài công lập. Như vậy, số lượng thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ bằng học bạ không nhiều mà các trường tự gửi giấy nhập học tới các em.

Theo thầy Lưu Danh Chiêm, Hiệu trưởng THPT Tây Đô, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, trường hợp phụ huynh “xin” điểm, “chạy” học bạ cho con không diễn ra phổ biến vì có nhiều nơi, phụ huynh không quá coi trọng bằng cấp. Điều quan trọng là chúng ta cần tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu được việc vào ĐH là phải dựa trên năng lực học tập thực sự của các em.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top