ClockThứ Bảy, 27/11/2021 14:21

Xích lô công nghệ, tại sao không?

TTH - Không cần phải giảng giải dài dòng, bây giờ nói đến grab thì hầu như ai cũng đều hiểu đó là dịch vụ gì.

Mặc áo dài ngũ thân tham quan Huế bằng xích lôXích lô “độ”

Xích lô chở du khách tham quan chùa Thiên Mụ trở về (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014, dịch vụ grab đã nhanh chóng lan tỏa và được người tiêu dùng chấp nhận bởi sự tiện lợi, an toàn, thân thiện, và nhất là giá rẻ.

Từ grabcar (xe ô tô), grabbike (xe 2 bánh), dịch vụ này còn phát triển sang cả grabtaxi, grabfood (giao thức ăn/uống), grabhour (đặt xe tính cước theo giờ)… Ở Huế, grab xuất hiện muộn hơn, và dịch vụ (riêng mảng vận tải) cũng ít phong phú hơn, chủ yếu là xe 2 bánh và ô tô. Mà ngay với grabcar thì cũng có khi phối kết hợp với taxi chứ không phải car “roòng”; nghĩa là cùng 1 chiếc xe đó, nhưng chạy song trùng, khi tổng đài taxi báo thì chạy taxi, grab báo thì chạy grab (ấy là tôi nghe các bác tài chia sẻ chứ thực lòng cũng chưa tìm hiểu kỹ xem có chính xác là vậy không). Nguyên do theo các bác tài taxi cho biết, đó là do Huế địa bàn hẹp quá, thị trường cũng không mạnh nên grabcar khó phát triển, do vậy phải “2 mũi giáp công” mới sống được (?).

Xích lô Huế tham gia lễ hội tạo dấu ấn thú vị cho du khách và công chúng (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Mà đúng là địa bàn Huế mình nhỏ thật (là nói trong “phạm trù” cái địa bàn lõi vốn đông cư dân, cũng là khu vực có nhu cầu di chuyển từ nơi này sang nơi khác nhiều nhất, chứ không dám có ý cho cái địa bàn thành phố sau khi mở rộng địa giới là nhỏ). Vì nhỏ nên khách có nhu cầu thường chạy ra đường ngoắc đại chiếc xe ôm, hoặc bấm đại chiếc taxi 4 hay 7 chỗ mà đi cho nó nhanh gọn. Ai thong thả thời gian, hoặc cần đi xa xa một chút, hoặc thật chi li kinh tế thì mới ngồi bấm đặt grab. Vậy nên ra đường, thấy anh em grabbike ngoài chở khách thường phải tất bật thêm việc giao thức ăn thức uống, giao hàng… mới chạy công.

Tôi và bạn bè, người thân một số lần từng lâm sự rất khó xử khi đi tiệc tùng, cưới xin, bia bọt tí. Từ nhà đến chỗ “sự kiện” không xa nhưng cũng không gần, đi bộ thì hơi oải nhưng đi xe thì kẹt. Bởi khi đến thì không sao, nhưng khi về thế nào cũng có chút hơi men, không an toàn là một phần, nhưng một phần khác nữa là… rất ngại bị thổi nồng độ. Tiền triệu ra đi chưa nói, không khéo thông tin còn “bay” về cơ quan thì phiền. Còn gọi taxi? Đi có chưa tới một sải, thấy rất bất nhã, mà có gia thêm tiền thì nhỡ gặp phải bác tài tự trọng, không khéo có khi bị mắng. Gọi grab? Gần xịt, có bẻo tiền ai người ta đến? Mà chạy ra ngoắc xe ôm, chắc gì đã gặp?!!

Những lúc như vậy, bỗng mơ giá như có chiếc xích lô là tuyệt vời nhất. Túc tắc trăng thanh gió mát, cự ly vừa phải, người đạp không quá mệt mà khách trả tiền cũng thoải mái. Nhưng xích lô đâu phải chỗ nào, giờ nào cũng có thể bước ra là gặp để mà gọi. Bỗng ước, chà, giá như có grab… xích lô nhỉ? Thú vị đấy nhưng có lẽ chỉ là giả định cho vui, chứ đại gia grab mấy khi ngắm đến cái “dư địa” nhỏ lẻ như vậy cho tốn hơi tốn sức. Nhưng rồi lại chợt nghĩ, xích lô Huế là xích lô có thương hiệu, lâu đời, “sang trọng”, vào truyện vào phim hẳn hoi rồi chứ không phải chuyện chơi. Và ở đâu không biết chứ ở Huế, “dư địa” cho xích lô có lẽ cũng kha khá. Grab có thể… chê, nhưng Huế mình thuộc “top” đầu các địa phương 4.0 trong cả nước. Trên nền tảng số của tỉnh, như Hue-S chẳng hạn, có mục công nghệ cho dịch vụ xích lô thì ngon hung. Nhất là khi phố đi bộ quanh Đại Nội được mở ra, rồi dịch bệnh được đẩy lùi, “phố Tây” rộn ràng trở lại, xích lô công nghệ của Huế sẽ không thiếu việc làm, mà du khách, công chúng hẳn cũng sẽ rất hài lòng, thú vị. Lại nữa sẽ giúp cho các bác tài xế xích lô Huế có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống. Grab làm được car, bike…, thì dân công nghệ Huế mình chắc cũng dư sức chơi cái “cyclo” cho khí thế! Mơ vậy, song vẫn không nguôi niềm tin, rằng nếu hứng thú và quan tâm thì giấc mơ ấy chắc sẽ làm được.

Bài, ảnh: DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng
Trên 100 học sinh tham quan trải nghiệm di sản

Chiều 16/9, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm tại Đại Nội Huế dành cho các học sinh đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” năm học 2022-2023.

Trên 100 học sinh tham quan trải nghiệm di sản

TIN MỚI

Return to top