ClockThứ Sáu, 19/03/2021 14:47

Xích lô “độ”

TTH - Thay vì phải gồng mình để đạp mỗi khi lên những con dốc cao hay chở nhiều vật nặng, những người đạp xích lô ở Huế thời gian gần đây đã tự “đổi đời” cho con xe của mình bằng cách lắp vào động cơ điện. Cứ thế, họ thư thả tăng ga, hạ ga, chiếc xe tự động chạy.

Quảng diễn áo dài bằng xích lô

xích lô điện trên đường phố Huế

Không khó bắt gặp những chiếc xích lô điện trên đường phố chừng một thời gian ngắn trở lại đây. Với động cơ điện, giờ chiếc xích lô di chuyển với tốc độ nhanh hơn, thay vì đạp giờ người ta gọi vui là chuyển sang “lái”.

Khỏe hơn

Dưới cái nắng của những ngày đầu tháng 3, chúng tôi theo chân một nhóm các tài xích lô điện chở khách du lịch vòng quanh hoàng thành Huế. Hàng dài các chiếc xích lô nhiều người vật vã đạp, nhưng một số người khác thư thả, hai chân giữ nguyên trong khi chiếc xe vẫn chạy đều. Hỏi ra mới biết, đó là những chiếc xích lô được gắn bình điện, chẳng khác gì chiếc xe đạp điện. Chỉ cần một cái nhích tay, xe có thể chạy nhanh hoặc chậm theo ý muốn.

“Thường khi chở khách đoàn như thế này, tui giữ ga chạy ở tốc độ rất chậm, chậm bằng đúng với những chiếc xích lô của bạn nghề đang đạp. Chứ còn không, nếu đi riêng thì nhích lên một tí là chạy vèo vèo mà không phải mất sức”, ông N. một người có hơn 20 năm kinh nghiệm đạp xích lô hào hứng.

Nhiều bạn nghề khác của ông N. những năm gần đây đã tìm cách “độ” chiếc xích lô để duy trì việc mưu sinh, vừa giữ sức khoẻ khi tuổi ngày càng lớn. Việc “độ” hệ thống bình điện cho xích lô do một thợ chuyên khác đảm nhận, với mức giá từ 5-7 triệu đồng/chiếc.

Chỉ tay vào chiếc bánh sau của xe được gắn bình điện cách đây 2 năm, ông N. nói rất đơn giản. Phần bánh sau sẽ được thay bằng mâm động cơ điện, các nút điều khiển và phanh sẽ được thêm vào ở vị trí tay cầm. Phía dưới chỗ khách ngồi là nơi chứa bình điện. “Đó, anh nhìn chiếc xe đạp điện răng thì của xích lô điện cũng như rứa. Không cần phải nhọc nhằn đạp, không phải đưa tay lui sau để giật dây phanh như mọi khi nữa. Đúng là có tiền thì nó phải khác…”, ông N. hể hả.

Vừa mừng vừa lo

Ngồi chờ bắt khách đoạn các khách sạn đầu đường Nguyễn Công Trứ, “tài” xích lô P. (trú Chi Lăng, TP. Huế) thi thoảng lại măn mo hệ thống điện trên chiếc “xế cưng” của mình. Ở cái tuổi gần lục tuần, nhưng có đến 29 năm thâm niên theo nghiệp đạp xích lô, ông P. không nghĩ một ngày đôi chân không cần hoạt động mà chiếc xe vẫn có thể chạy, thậm chí là chạy nhanh và chở được nặng hơn.

“Tui tính “rửa tay gác kiếm” thì nghe bạn nghề giới thiệu lắp bình điện lên xe. Vừa lắp được gần tháng, giá 5 triệu đồng. Đúng là tiền nào của nấy thiệt”, ông P. nói với giọng vừa vui vừa lo. Để có được chiếc xe chạy bằng điện hoàn toàn này, ông P. giao xe cho một tiệm chuyên “chế” xe máy, xe đạp điện, mất khoảng một ngày. Chiếc xe của ông được lắp bốn bình điện, mất khoảng 10 tiếng để sạc đầy và có thể chở khách trong vòng một ngày. Nhưng theo lời ông, để tiết kiệm, khi nào có khách ông mới dùng điện, còn không vẫn chịu khó đạp.

Ông kể, với hệ thống điện được lắp, xe có thể chạy với tốc độ 40-50km/h. Cùng với đó, có thể chở thêm khách hoặc khối lượng hàng nhưng vẫn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức. Thế nhưng, theo kinh nghiệm của ông, khi đi qua khúc cua phải giảm ga, hãm phanh nếu không lật như chơi. “Có mấy người đi chưa quen, lật ngay. Có người ham lắp bình điện cho mạnh, chở được nhiều cũng bị cháy bình điện - ông P. kể và nói thêm - Đắt nhất trong hệ thống lắp cho xe đó là các bình điện. Riêng xe tui 4 bình, hơn 2 triệu đồng. Thời điểm dịch bệnh, du lịch vắng khách kiếm tiền rất khó nên cháy bình mô, tiếc đứt ruột bình đó”.

Chia sẻ với chúng tôi, một thành viên trong Nghiệp đoàn xích lô du lịch than thở: “Khó nói lắm!”. Việc lắp hệ thống điện cho xích lô cũng vì mưu sinh, có thể chạy nhanh, đỡ tốn sức, nhưng đổi lại cũng tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa người đạp và người lái bằng điện. “Riêng những người trong nghiệp đoàn chúng tôi không khuyến khích lắp, vì đến thời điểm này không có quy định nào cho phép. Một số người đã lắp trước đó cũng bị các cơ quan yêu cầu tháo, để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”, người này kể.

Không được phép

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế cho biết, trên toàn thành phố hiện có 6 nghiệp đoàn xích lô, xe thồ. Riêng với xích lô có khoảng 250 chiếc, trong đó có 200 chiếc thuộc nghiệp đoàn xích lô du lịch.

Theo bà Thanh, có nắm thông tin một số người lái xích lô cho lắp hệ thống bình điện để điều khiển, điều này theo quy định là không được phép và vô cùng nguy hiểm. Vì thế, LĐLĐ TP. Huế đã khuyến cáo tuyệt đối không lắp bình điện. “Vẫn biết hầu hết người mưu sinh bằng nghề đạp xích lô có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Nhưng không vì thế mà có thể vi phạm, sai pháp luật”, bà Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, theo một vị lãnh đạo Đội CSGT-TT Công an TP. Huế, đơn vị đã từng xử lý nhiều trường hợp người điều khiển xích lô lắp hệ thống bình điện để điều khiển. Vị này khẳng định, việc đó là vi phạm. Vì thế, đề nghị chủ các xích lô chấp hành nghiêm túc, giữ gìn hình ảnh du lịch Huế. Sắp tới, Đội CSGT-TT Công an TP. Huế sẽ tiếp tục ra quân, xử lý tình trạng nói trên.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến tuyệt vời là khi du khách được hỗ trợ kịp thời

Được ngành du lịch Thừa Thiên Huế và Công an TP. Huế hỗ trợ xử lý kịp thời và trao trả lại số tiền đã bị lừa khi sử dụng dịch vụ xích lô, hai vợ chồng du khách Helen Glover, quốc tịch Úc cảm thấy rất hài lòng, đánh giá Huế là điểm đến an toàn hàng đầu.

Điểm đến tuyệt vời là khi du khách được hỗ trợ kịp thời
Thân thiện như xích lô Huế

Mới đây, cùng với 9 tỉnh và thành phố ở Việt Nam,Huế được vinh danh là thành phố thân thiện nhất trong giải thưởng thường niên mang tên Traveller Review Awards 2023.

Thân thiện như xích lô Huế
Siết chặt quản lý phương tiện xích lô

Với hơn 1.000 xe xích lô tham gia vận chuyển hành khách trên địa bàn TP. Huế nên vấn đề tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh, chạy tốc độ lớn gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), ảnh hưởng đến người dân và khách du lịch. UBND TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý hiệu quả phương tiện này.

Siết chặt quản lý phương tiện xích lô
Lại nói về “xích lô điện”

Xích lô gắn động cơ điện, “nếu chiếu quy định, bảo không được thì cấm! Như vậy thì quá đơn giản”…

Lại nói về “xích lô điện”
Return to top