ClockThứ Ba, 04/04/2017 13:31

Xích lô “giả danh” và góc nhìn khác

TTH - Đã xuất hiện tình trạng giả danh xích lô “5 không-5 luôn”. Điều này cần phê phán; tuy nhiên nhìn một góc độ khác thì lại có cái đáng mừng...

Trong đêm mưa, xích lô Huế vẫn cần mẫn phục vụ du khách

Gần đây, hình ảnh xích lô chở khách du lịch đi thành từng đoàn dạo phố đã không còn là điều hiếm gặp. Chở ban ngày có, ban đêm có, thậm chí, cả những đêm mưa gió rét buốt, tôi cũng từng bắt gặp cả đoàn xích lô cần mẫn phục vụ khách, còn du khách thì có vẻ vẫn không có gì mất hứng thú, vẫn quay phim, chụp ảnh, selfie búi xua. Trong số họ, không chừng có người còn cho đó là cơ may hiếm gặp với một cuốc xích lô trải nghiệm Huế cũng nên...

Những hình ảnh trên cho tôi cảm giác ấm áp và vui vui, bởi nó là dấu hiệu cho thấy “thị phần” của nghề xích lô đã dần dà mở rộng; là những cuốc xích lô “vắng khách chở gió” đã ngày càng vơi đi và cuộc sống của những người đạp xích lô cũng sẽ dần bớt nhọc nhằn...

Hẳn nhiên, cùng với xu thế phát triển đó thì đòi hỏi với xích lô cũng khác. Xích lô chở hàng hóa, chở khách có nhu cầu dịch chuyển thường nhật thì tuềnh toàng thế nào cũng xong, miễn là đạp nó... chạy, và an toàn. Bây giờ, xích lô chở khách du lịch nó phải khác. Hình thức chiếc xe phải đàng hoàng, sạch sẽ tươm tất. Và đặc biệt là người đạp nó phải có lối hành xử dễ thương, chuẩn mực. Đó không còn đơn thuần là những bác “xế lô” nữa, mà phải là những “ông chủ nhà” biết niềm nở, thân thiện, nhiệt tình và cả lịch thiệp với du khách; chung tay làm cho khách xa rồi vẫn còn vấn vương, còn nhớ Huế và còn muốn quay trở về với Huế lần sau.

Có lẽ, cũng xuất phát từ ý tưởng và mong muốn trên mà nhóm doanh nghiệp lữ hành (Hue Tourism Connect) với sự hỗ trợ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng đội ngũ xích lô du lịch “5 không - 5 luôn”. Đội ngũ này khởi động với quân số gần 70 chiếc và bắt đầu ra quân từ giữa năm 2016. “5 không” là không đeo bám chèo kéo khách du lịch; không nói tục, chửi thề, đánh nhau; không rượu bia và các chất kích thích trước và trong khi phục vụ; không tiếp tay môi giới các tệ nạn xã hội; không đòi tiền bồi dưỡng sau khi phục vụ khách; “5 luôn” bao gồm: luôn chấp hành quy trình phục vụ và an toàn; luôn chấp hành lộ trình – giá cả; luôn trau dồi kiến thức du lịch và ngoại ngữ; luôn thân thiện - văn minh – lịch sự; luôn nói lời cảm ơn. Nếu thực hiện ngon lành 10 tiêu chí kia, có lẽ sẽ không phải nói gì hơn ngoài mấy chữ: Tuyệt vời cho Huế!

Chưa có dịp tìm hiểu thử xem đã có một sự đánh giá sơ bộ nào về tính hiệu quả của đoàn quân “5 không-5 luôn” hay chưa, nhưng qua phản ánh của báo chí thì đã xuất hiện tình trạng xích lô giả danh làm phiền lòng du khách và làm tổn hại uy tín xích lô “5 không-5 luôn”. Điều này là cần phê phán; tuy nhiên nhìn một góc độ khác thì lại có cái đáng mừng. Ấy là, trong một mức độ nào đó, xích lô “5 không-5 luôn” đã có thương hiệu và sống được. Logic hẳn phải thế, bởi phải có thương hiệu và sống được thì người ta mới giả danh, còn nếu không thì giả danh mà làm gì! Vậy thì, thay vì phê phán, thay vì kêu gọi “xử lý” này nọ, tại sao không mở cửa mời gọi họ cùng gia nhập đội ngũ. Đã thấy rõ lợi ích, chắc hẳn họ sẽ vui vẻ tham gia, và đã tham gia thì phải tự giác chấp hành những quy định của cuộc chơi. Sau đó, với những trường hợp đã được mời gọi nhưng quay lưng, chỉ muốn mượn danh trục lợi thì xử lý cũng chưa muộn.

Chợt nhớ câu chuyện với một vị cộng tác viên lớn tuổi của báo chúng tôi. Nhà ông ở cạnh một “điểm đến” của Huế, là địa bàn hoạt động quen thuộc của nhiều “xế lô”, có hôm trực tiếp chứng kiến cảnh giành khách suýt choảng nhau của họ, ông - với tuổi tác khả kính của mình - đã pha trà, mời họ vào uống và nhẹ nhàng lựa lời khuyên giải: “Anh em bây khổ cực cả. Nhường nhịn nhau mà sống. Có tranh giành, có đập nhau cũng không thể bắt khách phải đi cho tất cả. Có mấy người khách thì chia nhau, chừ đứa ni đi; lần sau có nữa thì đứa khác chạy. Chứ bây cứ loạn xị cả lên như rứa, chướng lắm. Người ta sẽ nghĩ răng về Huế mình? Không khéo họ chán, họ sợ. Họ không lui lại với Huế nữa thì anh em bây cũng ảnh hưởng chớ”. Tất cả ngồi im, ngượng nghịu và sau đó thì thay đổi. Rồi ông vui vẻ kết thúc câu chuyện: “Đôi khi không cần phải đao to búa lớn. Dọa bắt dọa phạt, dân xích lô họ chẳng sợ đâu. Nhưng cứ tỉ tê “dỗ dành”, họ sẽ nghe ra. Thẳm sâu trong họ, ai cũng có lòng tự trọng, ai cũng yêu Huế cả. Tui chỉ thấy mình dọa kiểm tra, thanh tra, dọa đường dây nóng này nọ để mong ngăn ngừa chặt chém. Sao không chuyển hướng bằng cách mời người ta một vài bữa để trò chuyện, tâm tình. Cần thiết nữa thì cho người ta vài chục ngàn, xem như tiền công chạy một cuốc xe, để họ yên tâm ngồi lại một, hai tiếng đồng hồ. Rứa không khéo nhẹ nhàng mà hiệu quả”. Đề xuất của vị cộng tác viên kia có đáng suy ngẫm?

Hãy thử hình dung, đến một lúc nào đó xích lô Huế đều đạt chuẩn “5 không-5 luôn”, hẳn Huế sẽ văn minh, sẽ đáng yêu, sẽ hấp dẫn lên nhiều. Cuộc sống của những người xích lô và gia đình họ, lẽ dĩ nhiên, cũng sẽ theo đó mà cải thiện đáng kể. Còn gì vui hơn...

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top