ClockThứ Bảy, 02/04/2022 14:29

Xóa bỏ căn bệnh vô cảm trong công vụ

TTH - Trong Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về những điều đảng viên không được làm” đã quy định “vô cảm” là vi phạm quy định của Đảng. Như vậy, chống căn bệnh “vô cảm” vừa là chấn hưng đạo đức xã hội vừa là kỷ luật mà cán bộ, đảng viên phải thực hiện.

Không được “chống lưng” cho sai phạm12 cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong năm 2020

Gian hàng “0 đồng” đến với người dân khó khăn tại phường Thủy Xuân. Ảnh: MC

1. Trong hoạt động của xã hội chúng ta đã chứng kiến những hành vi, thái độ vô cảm của con người trong xử sự hàng ngày. Ở từng tập thể nhỏ hay trong cộng đồng xã hội, dù không phải số đông nhưng vô cảm được biểu hiện ở những hình thái khác nhau, làm ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của xã hội. Khi thấy có tai nạn hay thấy việc ngang trái, có nguy cơ đến tính mạng người khác nhưng làm ngơ, không ra tay cứu giúp lại còn thản nhiên đứng chụp ảnh, livestream đưa lên mạng. Cao hơn nữa, có những hiện tượng có nguy hại cho xã hội, cho đất nước lại cho đó là nhiệm vụ của người khác, không dám đấu tranh, không dám bảo vệ. Với người cán bộ, lãnh đạo được giao hoạch định chính sách, ban hành cơ chế hay thực hiện nhiệm vụ liên quan “quốc kế dân sinh” nhiều khi “quên” mất đối tượng phục vụ mà chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, lợi ích nhóm, “tư duy nhiệm kỳ”. Vô hình họ đã quên mất trách nhiệm, nghĩa vụ vì ích nước, lợi dân mà vô cảm với quyền lợi của số đông, gây thiệt thòi cho người yếu thế. Đó cũng là biểu hiện của lối sống thực dụng - thực dụng đến mức độ vô cảm.

Những sai phạm dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đã có 66 cán bộ liên quan bị xử lý kỷ luật. Tất Thành Cang, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và một số cán bộ có trách nhiệm cao nhất ở thành phố này đã có những vi phạm nghiêm trọng, chỉ đạo làm trái về quản lý, quy hoạch đất đai mà quên rằng, hàng ngàn người dân đang phải chịu cảnh màn trời chiếu đất từ những quyết định sai trái đó.

Quang cảnh buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM và người dân Thủ Thiêm. Ảnh: congluan.vn

Mới đây, trong khi dịch COVID-19 đang hoành hành thì Công ty Việt Á dưới danh nghĩa dự án Nhà nước đã nhập kít xét nghiệm giá rẻ, bán cho dân với giá cao. Đáng lên án là giám đốc CDC nhiều tỉnh nhận “hoa hồng” hàng chục tỷ đồng trên nỗi đau của người bệnh.

Trước đó nữa, hậu quả của  các dự án liên quan đến dầu khí, nhiệt điện, mở rộng dự án Vina Tisco...gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng, nhiều năm sau chưa khắc phục được. Cán bộ lãnh đạo chịu trách nhiệm ở đây nghĩ gì? Vi phạm từ hành vi làm trái, tham ô nhưng họ có lường trước hậu quả hay vô trách nhiệm đến vô cảm trước thiệt hại của Nhà nước, tiền thuế của dân?

2. Vô cảm là thái độ, ý thức của người, nhóm người thờ ơ, dửng dưng về cảm xúc với đời sống xã hội xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình. Những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, ảnh hưởng lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền, xem thường đạo lý đã làm cho một bộ phận trong xã hội vô cảm, thờ ơ với cộng đồng. Những biểu hiện đó len lỏi vào các cơ quan công quyền, trở thành căn bệnh vô cảm, sống thiếu ý thức của những người thực thi công vụ.

Từ vô cảm trong đạo đức đến “vô cảm chính trị” làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên mất phương hướng về lý tưởng “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng xác định: “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân” là một biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cùng với đó, điều cấm trong Quy định 37-QĐ/TW một lần nữa khẳng định cần loại bỏ căn bệnh “vô cảm”trong cán bộ, đảng viên.

Trong đại dịch COVID-19, biết bao tấm lòng nhân ái vì cộng đồng, vì cuộc sống bình yên của người dân. Những cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, những đồng tiền tiết kiệm nhỏ bé đóng góp cho Quỹ vắc-xin, những cụ già gửi từng thùng mì, bó rau cho vùng dịch. Những nhân viên y tế, công an, quân đội... tình nguyện xả thân xung phong đến vùng dịch chữa trị, cứu sống bệnh nhân... Những việc làm đáng trân trọng đó đối nghịch lại với sự vô cảm của những người chỉ vì quyền lợi ích kỷ của mình mà sẵn sàng kiếm lời bất chính trên nỗi đau của người dân.

Để chữa trị được căn bệnh vô cảm cần có sự cải cách mạnh mẽ, quyết liệt trong các cơ quan công vụ. Nền hành chính mới phải tạo thói quen trên cơ sở ý thức “Mỗi người vì mọi người” khi thực hiện chức trách được giao.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước và Nhân dân đang đòi hỏi phải có nhiều hơn những người cán bộ, nhất là lãnh đạo, quản lý dám mạnh dạn tự soi, tự sửa, gột bỏ thái độ bàng quang, vô cảm. Có được như vậy mới có thể chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xóa bỏ định kiến giới

Để chấm dứt bất bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền trên diện rộng với cả nam giới và nữ giới; triển khai chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm, vào cuộc cùng tham gia, hành động của mỗi cá nhân, gia đình cho đến các tổ chức, cơ quan và toàn cộng đồng.

Xóa bỏ định kiến giới
Chống thái độ thờ ơ, vô cảm công vụ

Hiện tượng xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, công chức (CBcC) hiện nay là thờ ơ, vô cảm trong công vụ. Đây là thực trạng đáng lo ngại bởi những hệ lụy mà nó gây ra đối với người dân, doanh nghiệp và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ.

Chống thái độ thờ ơ, vô cảm công vụ
Chấn chỉnh tình trạng né tránh trách nhiệm công vụ

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý trong hoạt động công vụ. Biểu hiện đáng lo ngại đó cần được gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm công vụ trong hệ thống chính trị.

Chấn chỉnh tình trạng né tránh trách nhiệm công vụ

TIN MỚI

Return to top