24/10/2015 - 14:09

Xóa lối mòn trong dạy học

TTH -  Được bổ nhiệm làm hiệu phó từ năm 2006 và với 27 năm theo nghề, thầy giáo Nguyễn Đình Cần đã có 17 năm gắn bó với Trường trung học cơ sở (THCS) Lâm Mộng Quang (Vinh Mỹ - Phú Lộc).

 Ở tuổi mười tám, cậu học trò Nguyễn Đình Cần quyết định chọn cho mình một cái nghề để vào đời. Bạn bè, người thân hết sức ngạc nhiên khi Cần chọn làm giáo viên dạy công nghệ -môn học mà hồi đó hầu như chỉ được xem là môn phụ và ít có tương lai. Thầy nhớ lại: “Ngày đó, bạn học nào giỏi các môn tự nhiên đều được mọi người nể. Không hiểu sao tôi cứ bị cuốn hút với các bài học công nghệ. Môn học này không chỉ có sự gắn kết với hầu hết các môn học khác mà nó gần gũi và dễ vận dụng vào cuộc sống hàng ngày”. Càng gắn bó càng thấy nhiều cái hay ở môn công nghệ, nhất là với tuổi thiếu niên, giúp học sinh có thêm kỹ năng sống, thêm hành trang vào đời.

Thầy giáo Cần đã đúng, đất nước ta ngày một phát triển và môn công nghệ trở thành một trong những môn định hướng cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở chương trình mới. Từ sự lựa chọn đúng đắn, thầy giáo Nguyễn Đình Cần có điều kiện đem niềm đam mê của mình truyền cho các thế hệ học sinh. Hầu hết các em hòa mình với môn học này và hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống. Từ cây cối trong vườn hay trong sân trường đến những vật dụng trong nhà, cách sắp xếp góc học tập, tự sửa chữa những thiết bị nhỏ của gia đình… đã tạo cho các em có ý thức tốt với cuộc sống hàng ngày từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Được bổ nhiệm hiệu phó, thầy giáo Nguyễn Đình Cần không ngừng trăn trở làm sao góp phần cùng Ban Giám hiệu nâng cao chất lượng dạy và học, sớm đưa Trường Lâm Mộng Quang thành trường đạt chuẩn quốc gia. Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, thầy nhận thấy tầm quan trọng của việc đưa ứng dụng vào bài học không chỉ giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn mà còn giúp các em có thói quen tự học.

Được giao nhiệm vụ phụ trách nghiên cứu khoa học, thầy Cần đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nghiên cứu khoa học sư phạm, phát động thi đua trong toàn trường; đồng thời, hưởng ứng các phong trào nghiên cứu khoa học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Sau khi các sáng kiến ứng dụng áp dụng hiệu quả vào hoạt động dạy và học thì cụ thể hóa thành các chuyên đề bắt buộc để các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện và tham gia các cuộc thi dạy học tích hợp theo chủ đề. Những năm gần đây, thầy và trò Trường THCS Lâm Mộng Quang đã hưởng ứng tốt cuộc thi Dạy học tích hợp theo chủ đề do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức dành cho giáo viên trung học năm học 2014 – 2015. Thầy Cần tham mưu đề xuất và trực tiếp điều hành các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, cá thể hóa trách nhiệm người dạy. Sự tận tâm của thầy đã nhận được sự đồng thuận cao, khuyến khích đồng nghiệp có tinh thần cầu thị, học hỏi, tham khảo cách làm hay của những đơn vị khác; chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng hiệu quả vào điều kiện sẵn có của nhà trường.

Nói về cấp dưới của mình, Hiệu trưởng Phan Văn Nhơn khẳng định: “Năm học qua, Lâm Mộng Quang là một trong những trường tiêu biểu của tỉnh về các phong trào, như: Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, triển khai dạy học dự án, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và dạy học tích hợp… Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của thầy Nguyễn Đình Cần”.

Thầy Cần tâm sự: “Trăn trở của người quản lý là không chấp nhận lối mòn từ cách quản lý công tác chuyên môn đến sự quan tâm các thế hệ học sinh. Để vượt qua những khó khăn trước yêu cầu đổi mới thì cần tìm tòi để học hỏi. Tuy khó, nhưng điều kiện tìm tòi ngày nay rất thuận lợi. Vấn đề là tìm tòi, học hỏi như thế nào từ các đơn vị bạn. Điều này cần có sự tư duy và cái tâm với nghề.”.

Hương Lan

Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP