ClockThứ Ba, 05/04/2022 09:53

Xóm Đồng Dạ

Lưu giữ phong cảnh đồng quêNỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”“Áo cây” giữ làngKý ức Ô Lâu

Làng tôi có hơn chục xóm dân cư, mỗi xóm như vậy có chừng hai chục nóc nhà được dựng lên trong mỗi khu vườn hình chữ nhật. Tình cảm xóm giềng luôn chan hòa, thân ái, tối lửa tắt đèn có nhau. Không biết các cụ tiền bối của làng có quy ước không mà tên làng là Đại Lược gồm 2 âm tiết thì tên xóm đều chỉ có một âm tiết: Kế, Chùa, Đình, Khe, Toán, Trà, Cai... Những cái tên đã trở thành thân thuộc với cư dân làng, nhưng chỉ có vài cái tên xóm giải thích được như xóm Chùa do gần chùa làng, xóm Chợ do có chợ làng hay xóm Khe vì gần Khe làng; nhưng cũng có nhiều tên xóm chẳng ai giải thích được xuất xứ và ý nghĩa...

Không hiểu sao làng tôi có một ngoại lệ đó là xóm Đồng Dạ là được đặt tới 2 âm tiết. Có lẽ Đồng Dạ được thành lập sau các xóm cũ và lấy tên của cánh đồng đất lớn ven sông Ô Lâu, nơi xóm quần tụ để gọi tên cho xóm...

Đồng Dạ là cánh đồng đất cát khô cằn nằm ở đầu làng, giáp với làng bên Kế Môn với ranh giới là con khe Làng đoạn cuối trước khi đổ ra sông Ô Lâu. Cũng không biết từ năm nào, cánh đồng Đồng Dạ đã biến thành một cánh đồng cát trắng và cỏ, nên làng tôi đã lập nên sân cỏ đá bóng của làng. Những năm sau chiến tranh, dân làng cũng canh tác trên cánh đồng Đồng Dạ để trồng khoai sắn, nhưng do đất bạc màu nên năng suất rất thấp. Sau đó, người ta bỏ dần và cánh đồng này lại trở thành cánh đồng hoang với chỉ cát và cỏ dại...

Bây chừ thì sân bóng Đồng Dạ đã mọc lên những ngôi nhà. Nhưng những người dân làng tầm tuổi như tôi thì ký ức những trận bóng đá làng hừng hực khí thế luôn gắn liền với sân cỏ Đồng Dạ. Sau này, tôi đã được coi bóng đá đủ cấp độ nhưng cảm giác hồi hộp nhất, sung sướng nhất và cũng thất vọng nhất vẫn là những trận bóng đá thôn, xã trên sân Đồng Dạ tuổi ấu thơ... Trước trận đấu, dân làng từ các xóm đã kéo nhau đi bộ từng đoàn đến sân cổ vũ cho đội bóng xóm mình, thôn mình... Sân bụi mù mịt, người chen lấn nhau, reo hò, cãi vã theo từng đường bóng lăn. Có khi người xem bóng đá hăng quá lấn ra quá cả đường biên, nên các chú du kích làm nhiệm vụ trật tự phải cầm một cái roi quất lia lịa cho khán giả lùi vô sau đường biên. Nhưng mỗi khi bàn thắng được ghi là khán giả lại ùa ra giữa sân mà ôm cầu thủ, phải mấy phút sau mới vãn hồi trật tự để hai đội lại tiếp tục thi đấu...

Xóm Đồng Dạ hồi trước có vài chục nóc nhà ở quanh sân bóng cho đến gần bến đò Đồng Dạ. Những người dân trong xóm người làm ruộng, người đánh cá, người nuôi vịt đồng, người buôn bán... Những người bạn học của tôi ở xóm Đồng Dạ là Sương, Phương, Phú, Sửu, Lê... Nhớ có năm, trường làng tôi tổ chức đá bóng cho các lớp cấp 2, thằng Phú lớp tôi phải mặc 2 cái quần đùi rách chồng lên nhau để ra sân thi đấu... Ai cười thì cười nó vẫn đá hay với những đường bóng kỹ thuật vì nó lớn lên ngay cạnh sân Đồng Dạ nên từ nhỏ đã ra sân chơi đùa với trái bóng hàng ngày... Có một buổi chiều đang coi đá bóng trên sân Đồng Dạ, mấy đứa học trò chúng tôi thấy một phụ nữ bồng đứa con nhỏ từ bến đò đi vô với thêm nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Chúng tôi phụ giúp xách đồ cho cô. Và người phụ nữ đó là cô giáo chủ nhiệm sau này của chúng tôi...

Xóm Đồng Dạ bây chừ nhà cửa đã san sát. Nhưng bên cạnh những vườn nhà trong xóm vẫn là dòng nước con khe Làng. Mùa mưa con nước khe Làng trong mát và dân Đồng Dạ có một thú vui trời cho là mỗi buổi chiểu rủ nhau tắm nước khe Làng trong mát... Mới đây tôi chạy xe đến chỗ con khe Làng đổ ra sông Ô Lâu. Ngày vắng, sông đầy và xanh chỉ có bầy ngỗng nhà ai đang kêu inh ỏi. Bến đò Đồng Dạ ngày nào bây chừ là một bãi cỏ xanh um...

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Mùa đậu xanh

Lâu ngày rồi tôi mới lại được ăn cháo đậu xanh, những hạt đậu mềm tan, thơm lựng. Thì ra hè đã vào những ngày cuối, hạt đậu cũng đã được gấp rút thu hoạch để tránh những cơn mưa báo hiệu thu sang.

Mùa đậu xanh
Những chấm phá về văn hóa làng

Khác với các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế đã được công bố (như làng văn vật ở Thừa Thiên Huế, gia đình và dòng họ ở Thừa Thiên Huế…), cuốn “Tìm chút hương xưa nơi làng cổ” của tác giả Thanh Tùng vừa mới ra mắt bạn đọc (tập hợp 30 bài viết dạng báo chí về 27 làng quê ven Huế, dọc biển, làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu cho những người quan tâm, và du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, qua đó, quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế, con người Huế, gắn với phát triển du lịch.

Những chấm phá về văn hóa làng
“Về làng tôi chơi đi em”

Cứ mỗi lần ghé thăm một ngôi làng nào đó là tự nhiên hơi thở của tôi cũng nhẹ hẳn đi, và cảm giác như là mình đã thuộc về nơi này từ lúc nào. Này là ruộng lúa, kia là những bụi tre hóp bao quanh, thấp thoáng xa nữa mái những nhà thờ họ, đình làng. Thỉnh thoảng còn gặp vài bến nước sông quê, vẫn còn mạ hay chị ra bến giặt giũ...

“Về làng tôi chơi đi em”
Return to top