ClockThứ Sáu, 02/09/2016 06:26

“Xóm hiếu học” Tam Giang

TTH - Đi dọc vùng Tam Giang, xóm Sáo (thôn 8, xã Điền Hải, huyện Phong Điền), nằm “lộ thiên” ra giữa bờ phá với những căn nhà nối tiếp nhau. Nơi đây, sự học của con em đang trở thành động lực giúp những gia đình trong cuộc mưu sinh cũng như chờ ngày tái định cư lên bờ.

Định cư bên đầm phá

Xã Điền Hải có 2 xóm Sáo. Có lẽ tên gọi đó bắt nguồn từ thứ ngư cụ bằng tre mà cư dân đặt trên đầm phá bao đời. Riêng xóm Sáo ở thôn 8 của xã, cư dân định cư bên con đường bê tông dẫn ra giữa phá với những căn nhà nối tiếp nhau.

Một góc xóm Sáo

Hỏi về nguồn gốc “xóm nhà chồ”, cư dân trong làng đều chỉ đến ông Trần Văn Nề (78 tuổi). Tuy không là người “khai sinh” ra con xóm nhỏ bên bờ phá Tam Giang, nhưng ông là người có trí nhớ hơn cả. Ông Nề kể: “Xóm Sáo bắt đầu hình thành khoảng năm 1965, khi mà một bộ phận cư dân vạn đò nay đây mai đó vùng sông nước, đã “lên bờ” định cư. Nói là lên bờ nhưng họ vẫn sống, làm nhà dựa vào đầm phá, chỉ tiện đi lại với đất liền. Rồi năm 1985, sau trận bão lịch sử, chính quyền vận động và hỗ trợ cho một bộ phận lên bờ tái định cư. Những hộ dân này giờ đã có cuộc sống ổn định”.

Câu chuyện “lên bờ” được ông Nề kể lại khá rành rọt, bởi khi đó ông là Đội trưởng đội sản xuất ngư nghiệp. Số là, năm 1986, thấy các hộ dân về đây ở, chính quyền bỏ kinh phí ra xây dựng 21 nhà tranh vách đất cho người dân vạn đò lên xóm Hội cùng xã ở. Địa phương cũng “bảo lãnh” cho ông Nề đứng ra vay 30 triệu đồng, chia cho 21 hộ gia đình có kinh phí đầu tư sản xuất, làm ăn sinh sống. Sau ngày đất nước đổi mới, cuộc sống người dân khấm khá lên, một số hộ đã định cư trên bờ. Chỉ một bộ phận người dân tách hộ, lại trở về lại xóm Sáo tiếp tục nghề nò sáo của cha ông. Ông Nề vốn gốc làng Hà Đồ (xã Quảng Phước), cùng theo cư dân về chọn vùng đất này để sinh sống. Năm 1990, ông vay 3,2 cây vàng để mua lại một căn nhà sát bờ phá của một người quen. “Cuộc đời tui thế đó. Khi về đây vay 3,2 cây vàng, mua nhà xong còn nợ 1 cây với 12 đứa con. Tui trở lại với nghề nò sáo, rứa mà sống được, nuôi cả đàn con khôn lớn. Bởi thế, người ta nói cuộc đời tui “kẹt lại giữa đầm phá” là rứa đó”, ông Nề hồi ức.

Cả thảy 12 đứa con ông Nề đều đã dựng vợ gả chồng quanh xóm. Nhờ hỗ trợ của chính quyền địa phương, những người con trai, đã mua sắm ngư lưới cụ mới, theo nghiệp bố theo đuôi cá tôm mưu sinh. Anh Trần Văn Kháng, con trai thứ ông Nề, cho biết: “Hồi trước, ra phá một đêm, kiếm được cả triệu đồng, tôm cá nhìn sướng lắm. Bây giờ thì một ngày chỉ kiếm được vài trăm nghìn, tạm đủ sống. Mỗi lần nghe chính quyền thả tôm cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bà con ở đây mừng lắm. Dựa vào phá mưu sinh thì nghề không phụ. Cũng như nhiều gia đình, anh Kháng sinh ra, lớn lên rồi gắn với xóm Sáo. Nhưng với con anh - lớp trẻ của làng chài lại khác. Họ đã biết nhìn xa hơn qua con phá…

Xóm hiếu học

Ông Phan Văn Chín, Trưởng thôn 8 trải lòng: “Nói bà con hiếu học thì cũng đúng, nhưng mình không tính theo cái “tiêu chí” của đất liền. Xóm 8 khá nhiều con em theo học đại học, cao đẳng. Với điều kiện ấy, hoàn cảnh ấy, sự học ở xóm Sáo như thế là điều đáng mừng rồi”.

Căn nhà chồ của ông Phan Vinh (42 tuổi), nằm ngoài cùng bờ phá, vỏn vẹn chừng 35m2. Từ trong nhà, sau bữa cơm trưa qua loa, ông Vinh lại cùng vợ đan nốt tấm lưới lừ của “khách hàng” đặt mua. “Ước mơ và động lực của tui đó”, ông Vinh vừa chỉ tay tấm lưới, vừa nhắc chuyện học hành của con. Gia đình ông Vinh có 5 người con. Hai đứa đang theo học hai trường đại học tại Huế. Cứ mỗi ngày, hai vợ chồng cần mẫn đan lưới lừ. Mỗi tay dài chừng 10m, bán được 300 nghìn đồng. Trừ chi phí tiền sắt thép, lưới, mỗi tấm “kiếm” được khoảng 100 nghìn đồng.

Chiều tối, vợ chồng ông Vinh dong thuyền ra phá, kiểm tra nò sáo kiếm cá tôm đắp đổi qua ngày. Riêng tiền đan lưới, tích lũy từng đồng để gửi lên thành phố nuôi con ăn học. Ông Vinh tâm sự: “Không biết ra trường, việc làm thế nào, nhưng ngang đây thì mình phải ráng hết sức đã. Đời mình thất học, không lẽ để lứa nhỏ sau này cũng như mình thì thiệt có lỗi”.

Trong câu chuyện bên những lò than chuẩn bị bữa cơm tối, xóm Sáo dường như yên tĩnh hơn bên tiếng bước chân nhẹ nhõm của ngư dân chuẩn bị lên thuyền ra phá theo đuôi cá tôm. Thỉnh thoảng, những căn nhà lại rung lên bần bật trong gió phá. Từ đầu xóm, nhà sáng đèn lại nghe tiếng những ông bố, bà mẹ tranh thủ gọi điện hỏi thăm con cái học hành trên phố.

Nhắc chuyện học hành của con cái, anh Trần Văn Kháng như vui lên hẳn. Bởi, đó là niềm tự hào không gì bằng của bậc làm cha, làm mẹ. Anh Kháng có 3 người con đang theo học ở các trường đại học trong và ngoài tỉnh. Buổi tối quay quần bên mâm cơm, chuẩn bị một nồi than cho cuộc mưu sinh đầm phá, là tiếng xì xào đầy lo toan của vợ anh Kháng. “Thằng Hoàng (con trai đầu anh Kháng) chuẩn bị ra trường, chưa biết xin việc ở chỗ mô đây. Nếu vào Đà Nẵng, cho con tập tành va chạm cũng hay. Nhưng mà tui muốn nó về Huế tê ba nó ơi. Mạ với con như cá với nước là rứa đó”, chị Nguyễn Thị Bê (vợ anh Kháng), tỉ tê.

Xóm Sáo có khoảng 100 hộ dân, trong đó có 60 hộ đã lên bờ định canh định cư, còn lại chừng 40 hộ vẫn sống dựa lưng vào đầm phá. “Ở đây, có khoảng mấy chục gia đình có con học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Nhiều cháu học ra trường, đi làm về lại thăm nhà, hay cuối tuần, trên phố về quê với bố mẹ. Những lúc như thế, xóm chài vui như hội. Nhằm giúp sức cho những gia đình có con hiếu học, thôn đã thành lập quỹ khuyến học từ sự vận động đóng góp của bà con”, ông Phan Văn Chín, Trưởng thôn 8, tâm sự.

Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết: “Nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp, cuộc sống người dân ở xóm 8 đã dần ổn định với nhiều ngành nghề đánh bắt, đan lưới mới mang lại thu nhập khá cho bà con. Chính quyền địa phương đã quy hoạch, bố trí quỹ đất cách xóm 8 chừng hơn 100m để tái định cư lên bờ cho 38 hộ dân ở đây”.

Trong những năm qua, việc sắp xếp lại nò sáo, hạn chế các phương thức, phương tiện đánh bắt hủy diệt cùng với việc thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang được ngành chức năng triển khai tích cực trên vùng đầm phá Tam Giang. Đồng thời, đưa các đối tượng thủy sản vào nuôi mới, mở ra triển vọng “hồi sinh Tam Giang” cho những cụm ngư dân sống gần bờ như xóm Sáo.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm điển tích về đầm phá

Thừa Thiên Huế có nhiều những điển tích, giai thoại gắn liền với vùng đất kinh kỳ. Đi đến đâu, khách du lịch cũng có thể nghe người hướng dẫn viên kể về lịch sử của vùng đất, về tập tục văn hóa, về những điển tích thú vị. Tuy vậy, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lại đang làm khó những người làm du lịch bởi sự thiếu hụt thông tin về những tích xưa.

Thêm điển tích về đầm phá
Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai

Không chỉ nổi tiếng với hệ thống đầm phá quan trọng và đẹp nổi tiếng Việt Nam, Tam Giang - Cầu Hai còn có tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, các làng quê nằm trải dài, lại sở hữu rất nhiều lễ hội dân gian vô cùng độc đáo..., các chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đưa vào các tour tuyến, trở thành điểm nhấn cho du lịch.

Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai
Return to top