ClockThứ Tư, 06/06/2012 05:16

Xứ cồn

TTH - Nổi lên giữa biển khơi là đảo. Còn dải đất bồi tụ mọc lên giữa lòng sông thì người đời lại quen gọi là cồn hay còn một tên gọi nữa là cù lao. Cồn vì thế cũng là đảo, đảo nhỏ trên sông, nằm gọn gàng trong đất liền. Cũng vì đảo rộng lớn nên bằng mắt thường khó mà tường tận. Còn cồn, nó trọn vẹn, gần gũi đến lạ lùng trong tầm mắt của ta.

Tôi đã có được cái cảm giác tuyệt vời kia khi buổi sáng tinh mơ đứng tựa mình nơi lan can của cầu Trường Tiền bắc qua con sông Hương huyền thoại. Nhìn về phía dưới là cồn Hến, một sắc màu xanh trong, thấp thoáng bóng hình ai đó, chênh vênh giữa hai dòng nước. Còn ngược lên phía trên là Dã Viên cồn. Nó sừng sững giữa nước - trời, một cảm giác tựa hồ vững chãi khi bao bọc đằng sau phía xa xa là núi đồi nhấp nhô.

 

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền. Ảnh: Internet

 

Nơi ngã ba Tuần hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch gặp nhau để hình thành nên dòng Hương trong xanh lững lờ, nhẹ nhàng chảy qua kinh thành Huế. Cũng bởi sự lắng đọng lạ kỳ kia mà phù sa bồi tụ nên hình, nên vẻ cồn Dã Viên và cồn Hến. Để rồi dưới cái nhìn của người xưa trong hành trình mở cõi về phương Nam, tìm đất định đô gầy dựng nghiệp lớn, đôi cồn này hợp thành một thế phong thuỷ tuyệt vời “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” canh giữ Kinh thành Huế. Một quà tặng vô giá của thiên nhiên.

 

Cái tên cồn Dã Viên cũng chính là hổ trắng, là Bạch Hổ. Và người xưa đã tỏ ra có con mắt tinh tường khi từng biến nơi đây thành một vườn hoa (vườn ngự) gắn liền với bài thơ nổi tiếng “Dữ dã viên ký” do chính vị vua chữ tốt văn hay là Tự Đức chắp bút.

 

Còn cái tên cồn Hến thì lại khác. Nó không chỉ là rồng xanh (thanh long) trong vế đối kia mà còn gắn liền sự tích dân gian, với cuộc sống đời thường. Chuyện xưa kể rằng, một thời hai khe nước giữa cồn được phù sa sông Hương bồi đắp cạn dần nên được gọi là “xứ cồn cạn”. Ở đây có đặc sản là con hến nhiều vô kể và ngon đến vô cùng, đó chính là cơ sở để hình thành nên nghề cào hến để có đọi cơm hến, một biểu tượng tuyệt vời của văn hoá ẩm thực xứ thần kinh. Sử sách cũng thật ngọn nguồn khi chép lại rằng, người đầu tiên đến làm nghề cào hến ở đây là ông Huỳnh Tương, một người dân ở Diên Đại, Phú Vang. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân, đã cho dựng chòi gần đầu múi cồn ở phía trên. Sang đời vua Gia Long, phường Giang Hến ra đời trên “xứ cồn cạn” và đảo nhỏ này bắt đầu được gọi là cồn Hến.

Dù vẫn yên ắng như cồn Dã Viên hay đã bắt đầu có sự ồn ào trong sinh hoạt và làm ăn như ở cồn Hến, nhưng đôi cồn này vẫn đang nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có, là thắng cảnh bậc nhất giữa dòng Hương Giang. Cái xứ Huế mình thật lạ lùng. Nó là nơi được tạo hoá ban tặng bao của báu đất trời. Đôi cồn Dã Viên và cồn Hến là một trong những số đó. Nó hợp cùng với Hương Giang, Ngự Bình hay với những cánh đồng quê ven Huế, còn phá Tam Giang và cửa Thuận An tạo nên biểu tượng và nỗi nhớ Huế da diết, khôn nguôi. Và tôi lại nghĩ về Huế mình, bên cạnh những danh xưng lớn là miền di sản, là đất Thần kinh cũng còn là một xứ cồn đượm vẻ hoang sơ, gần gũi và thân thương nhưng lại như một đối trọng đẹp với kinh thành lộng lẫy để tạo nên một xứ Huế chẳng nơi nào có được…

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top