ClockThứ Tư, 04/11/2020 07:15
Tự chủ tài chính ở cơ sở y tế công lập:

Xu hướng tất yếu nhưng cơ chế còn bất cập - Bài 1: Rèn sức người đứng đầu

TTH - Ưu điểm của chủ trương tự chủ ở bệnh viện công là động lực thúc đẩy các bệnh viện “thay da đổi thịt” về mọi mặt, người bệnh được hưởng lợi từ nhiều kỹ thuật y tế hiện đại và được coi là những khách hàng thực sự. Nhưng mặt khác, chủ trương này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập và các đơn vị đang cần được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đưa ra những chính sách phù hợp hơn để phát huy những ưu điểm trên.

Kiên định mục tiêu “Trung tâm y tế chuyên sâu”Bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầuBộ Y tế: Thêm 18 người mắc bệnh COVID-19, chủ yếu vẫn ở Đà Nẵng

Một trong những yếu tố quyết định mức độ thành công của một cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính (TCTC) là vai trò của người đứng đầu thể hiện như thế nào.

Thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt

Giải quyết được nhiều vấn đề, nếu ổn

TCTC tại các đơn vị y tế công lập có nhiều mức khác nhau, tùy theo năng lực: Tự chủ đảm bảo một phần chi thường xuyên; tự chủ chi thường xuyên; tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Tại Thừa Thiên Huế, phần lớn các đơn vị đang dừng ở mức tự chủ một phần chi thường xuyên, 2 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chưa có đơn vị nào đảm bảo tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn). Trong đó, Bệnh viện Mắt Huế thực hiện tự chủ chi thường xuyên từ tháng 7/2019, trong khi Bệnh viện Phục hồi chức năng mới bắt đầu từ tháng 1/2020.

Kể từ thời điểm Bệnh viện Phục hồi chức năng tự chủ chi thường xuyên, ngoài phần ngân sách khoảng 7 tỷ đồng/năm chi lương cho viên chức và người lao động, Sở Y tế cũng không còn phân bổ kinh phí chi thường xuyên khoảng 800 triệu đồng/năm để đơn vị chi trả điện, nước, độc hại… Khoản chi này sẽ được bệnh viện cân đối thu chi từ nguồn thu viện phí của đơn vị. Trong 2 năm 2018 và 2019, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thừa Thiên Huế đã tự chi trả lương toàn bộ cho viên chức và người lao động. Năm 2019, sau khi cân đối các khoản thu-chi, bệnh viện trích nộp 35% theo quy định khoảng 1,4 tỷ đồng.

Theo Bác sĩ cao cấp (BSCC) Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng, tự chủ chi thường xuyên giúp đơn vị giải quyết được nhiều vấn đề, nâng cao thu nhập cho người lao động nhưng chỉ là khi đơn vị hoạt động ổn định, khai thác tốt công suất hoạt động… Tuy nhiên, Bệnh viện Phục hồi chức năng đã gặp rủi ro ngay trong năm đầu tiên thực hiện tự chủ chi thường xuyên vì dịch COVID-19.

“Nếu không có COVID-19, chúng tôi vẫn có thể đảm bảo các nguồn thu như những năm trước, đảm bảo đủ lương và có thu nhập tăng thêm đầy đủ cho CBNV. Riêng năm nay, mất gần 5 tháng COVID-19, công suất hoạt động của bệnh viện chỉ đạt mức 40%, các nguồn thu không đảm bảo nên bệnh viện gặp khó. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, bệnh viện đã thâm hụt hơn 1,2 tỷ đồng”, bác sĩ Hiền cho biết.

Tuy vậy, với tinh thần sống chung với dịch, Bệnh viện Phục hồi chức năng tiếp tục đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19, hạn chế tối thiểu các nguy cơ dịch bệnh xuất hiện tại bệnh viện. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tranh thủ các nguồn thu để đảm bảo nguồn tài chính tự chủ. “Chúng tôi chỉ hy vọng 3 tháng cuối năm, tình hình dịch COVID-19 có thể tạm ổn để làm việc, có thu nhập để đảm bảo các khoản chi cuối năm cho anh em”, bác sĩ Hiền bày tỏ.

Các bác sĩ thăm hỏi một bệnh nhi điều trị nhãn khoa

Coi trọng sự hài lòng của người bệnh

Từ một Trạm Mắt ra đời năm 2005 với 15 nhân viên, thực hiện khoảng 200 ca mổ mỗi năm, đến nay Bệnh viện Mắt Huế đã là một trong những bệnh viện chuyên khoa hạng II, là một trong bốn bệnh viện chuyên khoa mắt hàng đầu của cả nước và vươn lên đơn vị y tế công lập đầu tiên của tỉnh thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Kiến trúc hiện đại và tọa lạc ở vị trí đẹp, Bệnh viện Mắt Huế có nhiều lợi thế để xây dựng môi trường y tế thân thiện “đẹp như công viên, sạch như ở nhà”, tạo được cảm giác gần gũi, dễ chịu cho người bệnh. Tại đây, tất cả các phòng bệnh được lắp điều hòa nhiệt độ và các phòng tiểu phẫu được trang bị máy sưởi ấm. Các khối nhà và khuôn viên bệnh viện được trang bị nhiều cây xanh, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp. Các khoa, phòng đều duy trì “5S” để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, gồm: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, sẵn sàng, săn sóc.

Chăm sóc người thân đang điều trị tại đây, cứ rảnh rỗi là bà Dương Thị T. (Phú Bài, TX. Hương Thủy) lại ra ngồi ngoài dãy ghế ngoài hàng lang hóng mát. Gió chiều thoáng lộng, lại mát mắt với những chậu trầu bà vươn lá xanh ngắt, bà T. vui vẻ: “Đi bệnh viện mà sạch sẽ như ri thì không chỉ người bệnh vui vẻ, mau khỏe mà đến người đi chăm cũng không chán. Yên tâm hơn nữa là khỏi ngại việc lại đưa bệnh về nhà sau khi ra viện”.

Trong hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân từng chọn Bệnh viện Mắt Huế làm nơi gửi gắm niềm tin, các bác sĩ, nhân viên nơi đây vẫn không quên được câu chuyện của ông Đoàn G. (hơn 90 tuổi). Ông Đoàn G. ngụ tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, được Bệnh viện Mắt Huế miễn phí toàn bộ chi phí cho ca phẫu thuật đục thủy tinh thể vừa qua. Trước khi đến Bệnh viện Mắt Huế, ông trải qua 2 ca phẫu thuật ở bệnh viện khác. Gia đình khó khăn, con cái làm ăn xa, ông G. tuổi cao sức yếu cũng đành phải đi viện một mình với sự lo lắng thường trực và nỗi sợ cô đơn. Nhưng bằng sự yêu thương đối với người bệnh và tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế, ông G. được bệnh viện lo ăn từng bữa, dìu đỡ những bước chân và được hỗ trợ toàn bộ chi phí, sắp xếp chuyến xe đưa ông về nhà. Ngày xuất viện, ông đến ôm lấy từng nhân viên của khoa và tạm biệt trong dòng nước mắt rưng rưng: “Cám ơn các con đã chăm sóc ông như ba của mình. Ba về, hôm nào ba lại lên thăm…”.

Khi thực hiện TCTC, người đứng đầu cơ quan có thể phát huy hết khả năng “thuyền trưởng” của mình. Điều này đúng với Bệnh viện Mắt Huế và Bệnh viện Phục hồi chức năng Thừa Thiên Huế. Hiện nay, Bệnh viện Mắt Huế có hơn 90 CBNV, hoạt động trong 13 khoa, phòng. Hàng năm, bệnh viện tổ chức khám cho hơn 60.000 lượt bệnh nhân và phẫu thuật cho khoảng 6.500 trường hợp. Trước khi chính thức tự chủ chi thường xuyên, đơn vị thực hiện một phần tự chủ chi thường xuyên. 5 năm trở lại đây, bệnh viện tự chủ hoàn toàn việc trả lương và nay bệnh viện đang nỗ lực để tiếp tục đứng vững giữa “bão” COVID-19 và nhiều thách thức khác trong nhiệm vụ tự chủ.

“Chúng tôi vẫn đang tiến rất thận trọng trên lộ trình TCTC về chi thường xuyên. Chúng tôi nhận thức rất rõ bệnh nhân chính là khách hàng, là sự sống còn của bệnh viện. Để có bệnh nhân, chúng tôi phải tìm mọi cách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cung cấp được sản phẩm dịch vụ hài lòng người dân. Chỉ khi hài lòng, người dân mới tin tưởng và chọn lựa dịch vụ của chúng tôi, giúp chúng tôi tạo ra nguồn thu. Đó là yếu tố quan trọng nhất của một đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên”, BSCKII. Phạm Minh Trường - Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế nói.

TS. Nguyễn Nam Hùng, nguyên Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Mặc dù tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau, nhưng nhiệm vụ đầu tiên của các cơ sở y tế công lập là phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao là bảo đảm khám chữa bệnh cho tất cả người dân, từ người nghèo, người tham gia bảo hiểm y tế đến người có khả năng chi trả các dịch vụ. Hiện nay, ở tất cả các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế chưa thực hiện xã hội hóa trang thiết bị y tế, chưa có liên danh liên kết trong công tác khám chữa bệnh nên không có tình trạng lạm thu, tăng giá dịch vụ y tế vượt mức quy định và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng khám chữa bệnh.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: BVCC

Bài 2: Cần những chính sách khuyến khích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Chi phí nợ kỷ lục, nhiều quốc gia không đủ tài chính để chi tiêu cho khí hậu

Theo một báo cáo vừa được Đại học Boston công bố trước thềm hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra ngày 17 - 19/4 tới, các quốc gia mới nổi sẽ phải chi mức kỷ lục 400 tỷ USD để trả nợ nước ngoài trong năm nay và gần 40 quốc gia không thể chi số tiền cần thiết cho việc thích ứng với khí hậu và phát triển bền vững.

Chi phí nợ kỷ lục, nhiều quốc gia không đủ tài chính để chi tiêu cho khí hậu
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Chả bò Đà Nẵng - Review 6 cơ sở bán chả bò ngon, ship tận nơi

Đi Đà Nẵng nên mua đặc sản gì làm quà? Đặc sản nổi tiếng Đà Nẵng không thể bỏ lỡ? Đây là những từ khóa mà du khách cực kỳ quan tâm khi có dịp du lịch đến phố biển. Nhắc đến đặc sản ngon, nổi tiếng Đà thành, sẽ là một sự thiếu sót nếu bỏ qua món chả bò Đà Nẵng. Với uy tín đến từ thương hiệu và chất lượng sản phẩm, chả bò Đà thành sẽ khiến du khách trầm trồ khi có dịp thưởng thức.​

Chả bò Đà Nẵng - Review 6 cơ sở bán chả bò ngon, ship tận nơi
Return to top