ClockChủ Nhật, 27/09/2020 12:26

Xử lý án oan thời Nguyễn

TTH - Trong lịch sử, mọi thể chế luôn điều chỉnh để hoàn thiện, nâng cao chất lượng pháp luật. Nhà Nguyễn rất ưu tiên vấn đề này, chú ý đến đời sống bá tánh, mong dân khang vật thịnh, xã hội kỷ cương.

Bà Nguyễn Thị Tồn đánh trống Đăng văn (tranh gốm, Trường cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, Bảo tàng Đồng Nai)

Xử lý oan sai

Xứ Đàng Trong coi trọng xử lý án oan để dân tình bớt oán thán. Lệ định tháng 9 năm Mậu Thân (1788) cấm kêu thay, kêu vượt. Dân oan được tự mình kêu oan, nếu đem tiền của uỷ thác cho người khác, hay kêu thay cho ai mà bị phát giác thì đều bị xử 100 roi, xiềng bắt làm dịch phu một tháng. Nếu đầu đơn kêu oan thì không được vượt bậc, quan công đường xét đoán, nếu không thỏa đáng thì kêu ở Sở Công đồng (cơ quan dạng văn phòng, ở địa phương là văn phòng cấp tỉnh, ở triều đình là Công đồng, sau cải thành Nội Các, tương tự Văn phòng Chính phủ hiện nay), nếu vẫn chưa phục tình thì mới được đón kêu khi vua đi. Chỉ hai tháng sau, do dân gian thường bỏ thư nặc danh vu oan, nên cho đặt hòm thư dưới cửa khuyết, ai bị oan ức thì làm đơn bỏ vào, ghi rõ họ tên quê quán, để tiện tra xét, làm rõ oan khuất. Tình trạng án đọng cũng rất nan giải, triều đình phải lệnh cho các dinh trấn giải quyết gấp do kiện tụng chồng chất, liên lụy đến người vô tội, xử ngay kẻ phạm tội (Đại Nam thực lục, QSQ triều Nguyễn, H.: Nxb. Giáo Dục, 2002, tập I, tr.237, 239, 276-277).

Vua Gia Long cho dân chúng tâu bày oan khuất ngay tại hành cung các địa phương. Chuyến tuần du Quảng Trị, Quảng Bình năm Quý Hợi (1803), cho phép ai bị oan khuất được đến hành tại tâu bày, vua thân xét định, dân chúng vui mừng đón nhận. Nhà vua còn ban sắc chỉ cho các xã dân từ Nghệ An ra Bắc, ai có oan khuất thì đến hành tại tâu bày, sai văn thần thu nhận đơn để xét đoán. Ai vu cáo thêu dệt thì bị tội, cấm bọn điêu hoạt, chặn bọn hào cường. Thời Minh Mệnh (tháng 2/Đinh Hợi (1827) nổi tiếng vụ án Trưởng Hình tào Vũ Đức Thông bị xử trảm giam hậu, do Huyện thừa Văn Giang Đặng Đình Tuấn tha hung phạm rồi buộc tội người khác, lại được cha là Đặng Đình Dương - Thiêm sự Hình tào che giấu, mà Thông lại không xét rõ, mập mờ kết án. Oan phạm vào tận Kinh đô để kêu oan, vua sai Thiêm sự Hoàng Văn Đản, Lang trung Phạm Đình Học ra Bắc Thành hội tra, gửi về Bộ Hình duyệt lại, xin xử Tuấn tội lưu, Dương tội đồ, Thông xử trảm giam hậu. Vua cho Thông lo hình án Bắc Thành, phải xét rõ, vậy mà lại cùng cha con họ Đặng thông đồng gây nên án oan (Thực lục, Tlđd, tập I, tr. 547, 570; tập 2, tr. 584 -585).

Hình luật triều Nguyễn định rõ tội “cố ý giam giữ, tra xét người không có tội”, quan lại có sự thù hằn riêng, cố ý giam giữ người vô tội thì xử phạt 100 trượng; nếu chết thì xử tội giảo (giam hậu). Quan đề lao, tư ngục và lính canh biết mà không cáo giác cũng xử cùng tội. Khi xét hỏi việc công có liên quan dân thường mà họ vô tội, đã không bảo vệ họ còn giam giữ, nếu chết thì xử phạt 80 trượng. Quan lại nào có tư thù cố ý tra khám người vô tội, xử phạt 80 trượng (Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, Nội các triều Nguyễn, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1993, tập 12, tr. 422-423).

Các quan lại coi việc xét hình án, nếu gặp án nhân mạng hay trộm cướp, có tư hiềm mà cố ý tra khảo người vô can đến chết, chiểu luật xử tội. Ai thực sự vô can, hoặc vì họ nhà giàu, lừa dối tiền không được, ngầm cho tiền người có tội vu cáo, rồi tra tấn đến chết thì chiếu luật có lòng tư thù, cố ý tra khám người không có tội đến chết, xử tội trảm giam hậu. Quan lại nào đem người không đáng tra tấn, lầm lỡ làm theo ý riêng mà tra tấn đến chết, thì chiểu luật tra tấn người không đúng phép đến nỗi chết, xử 100 trượng... (Hội điển, Tlđd, tập 12, tr. 424).

Biểu tượng trống Đăng văn

Thành tựu nổi bật trong giải quyết oan sai thời Nguyễn là kiến tạo nên biểu tượng trống Đăng văn thời Minh Mệnh (tháng 6/Nhâm Thìn 1832), khi lập nên Tam pháp ty: lấy 3 nha của Hình bộ, Đô sát viện và Đại lý tự, đặt dinh thự ở góc đông nam trong Kinh thành, có tòa Công chính đường, phía trước bên trái có trống Đăng văn (tiếng trống đánh đến tai vua), lấy ngày mồng 6, 16 và 26 làm nhật kỳ nhận đơn đưa lên xét xử. Thần dân cả nước ai có oan khuất thì đưa đơn (1 bản chính, 1 bản phụ), Hội đồng nhận đơn chiếu lý bàn xử, rồi hội hàm thành tập tấu dâng lên vua. Nếu khẩn cấp thì ai cũng được đánh trống bất cứ lúc nào (Thực lục, Tlđd, 2004, tập III, tr. 333-335).

Tháng 7/Giáp Ngọ 1834, ở Thừa Thiên có người bị quan Kinh doãn đánh đòn, bèn đánh trống Đăng văn, vua cho rằng chỉ thấy kẻ kêu oan toàn việc nhỏ nhặt, sai Tam pháp ty tra xét, xử Phủ doãn Trần Tú Dĩnh cách lưu do đánh giá rẻ sản vật của dân, làm cho dân kiện nhảm; Phủ thừa Nguyễn Văn Cẩn có ý bênh vực thì bị giáng 3 cấp, lưu; người dân đánh trống bị phạt 100 trượng. Không chỉ ở kinh đô mà ở các hành cung, triều đình cũng cho đặt trống Đăng văn, như hồi tháng 4/Đinh Dậu 1837, ở hành cung tỉnh Quảng Nam, cho người đến đánh trống kêu oan, để vua biết dân tình (Thực lục, Tlđd, 2004, tập IV, tr. 308-309; tập V, tr. 69).

Dân gian miền Nam truyền tụng chuyện đánh trống Đăng văn thời Minh Mệnh trong vụ án thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa - Tri phủ Trà Vanh (Long Hồ). Do đứng về phía dân chài địa phương chống lại tệ quan lại nhũng nhiễu, ông bị đồng liêu ganh ghét, hãm hại. Tổng đốc Vĩnh Long nói ông xúi dân làm loạn, triều đình cách chức, bắt giải về kinh, chờ ngày xử tử. Phu nhân Nguyễn Thị Tồn bất chấp mọi khó khăn, đi ghe bầu vượt biển ròng rã cả tháng trời ra tận Phú Xuân để đánh trống kêu oan cho chồng thành công. Sau đó, bà còn được Đức Từ Dụ ban tặng biển ngạch Liệt Phụ Khả Gia.

Hiện thực hóa một biểu tượng - khát vọng

Trong xã hội, hệ chuẩn mực pháp lý phải được chú trọng củng cố ngày một chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo ổn định trật tự xã hội. Chất lượng pháp lý là vấn đề then chốt, cần có quá trình tu chỉnh văn bản pháp luật, nhất là vấn đề con người. Cái tâm, cái tầm, chính là năng lực và đạo đức nghề nghiệp của các ngành luật - tư pháp, y khoa và giáo dục, có vai trò rất quan trọng cho sự ổn định, phát triển của xã hội.

Xã hội càng rối ren, tệ nạn trỗi dậy, càng đòi hỏi xác lập môi trường tư pháp lành mạnh, nghiêm minh để đảm bảo công bằng xã hội. Càng nhiều án oan sai, lòng người càng ly tán, thì hình tượng trống Đăng văn càng mang thêm giá trị biểu tượng của pháp luật tối thượng chân chính, tiêu trừ tệ nạn nhũng nhiễu oan sai.

Bài, ảnh: MINH PHƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển
Huy động 760 công nhân vệ sinh môi trường ngày 30 tết

Càng về những ngày cuối năm lượng rác sinh hoạt thải ra càng nhiều, đặc biệt vào ngày 30 Tết Giáp Thìn 2024. Ngay từ sáng sớm, đơn vị huy động hơn 760 cán bộ công nhân ra quân thu gom, vận chuyển rác làm sạch phố sá để mọi người vui xuân đón tết an lành.

Huy động 760 công nhân vệ sinh môi trường ngày 30 tết
Giải pháp xử lý bèo lục bình

Dù không mới, nhưng bèo lục bình (bèo tây) đang là vấn nạn nguy hại đến môi trường cũng như đời sống của người dân.

Giải pháp xử lý bèo lục bình
Return to top