ClockThứ Sáu, 08/01/2016 09:40

Xử lý công trình xây dựng trái phép ở mũi Cửa Khẻm: Cần sự phối hợp giữa hai bên

TTH.VN - Xây dựng trái phép trong khu vực thuộc rừng phòng hộ Hải Vân, công trình ở mũi Cửa Khẻm tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Khu trang trại thu nhỏ

Từ Trạm Quản lý rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, chúng tôi được cán bộ kiểm lâm chỉ đường đến công trình xây dựng trái phép tại mũi Cửa Khẻm.

Gửi xe máy tại trạm, sau gần một giờ đi bộ xuyên rừng bằng con đường mòn độc đạo quanh co, hiểm trở, chúng tôi tiếp cận với công trình xây dựng trái phép này. Quan sát của chúng tôi, toàn bộ công trình này gồm 3 ngôi nhà và công trình phụ được xây dựng trên một khu đất có địa thế rất đẹp.

Toàn bộ công trình xây dựng trái phép

Công trình tựa lưng vào núi và mặt hướng ra biển giống như một khu nghỉ dưỡng sinh thái. Những chõng tre nghỉ mát, các mái chòi được tập kết một góc, sân vườn khá rộng và đường được lát bê tông.

Mặc dù công trình nằm sâu trong rừng phòng hộ nhưng điện và nước sinh hoạt vẫn được trang bị đầy đủ.

Tiếp chúng tôi, vợ chồng ông Trần Văn Hùng giới thiệu là những người quản lý công trình. “Công trình này được xây dựng gần 10 năm rồi. Vợ chồng tôi chỉ có nhiệm vụ quản lý chứ không phải là chủ nhân của công trình này. Chủ là ông Phạm Tý. Hàng năm, sau mỗi mùa bão thường bị hư hỏng nên chúng tôi phải tu sửa, hầu như năm nào cũng phải sửa. Đặc biệt vào trận bão năm 2012, chúng tôi phải lợp lại mái. Ngoài quản lý vợ chồng tôi còn chăn nuôi heo rừng, gà, bò, dê để phát triển kinh tế”, ông Hùng cho biết.

Khi được hỏi về việc đây có phải là một công trình để phục vào mục đích du lịch, nghỉ dưỡng hay không? vợ ông Hùng trả lời với ánh mắt nghi ngại: “Để vào được đây chỉ đi bằng hai con đường, thứ nhất đi thuyền từ biển Đà Nẵng vào, thứ hai đi bộ xuyên rừng. Đi đường rừng rất vất vả nên vào mùa hè thường có khách đi bằng thuyền từ Đà Nẵng ra để vui chơi nhưng chủ yếu là những người quen”.

Vợ chồng ông Hùng khẳng định rằng, khu vực xây dựng công trình thuộc Đà Nẵng, không phải của Thừa Thiên Huế.

Phối hợp giải quyết

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đầu năm 2013, sau khi phát hiện công trình xây dựng trái phép tại khoảnh 7, tiểu khu 251 thì Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân cùng UBND thị trấn Lăng Cô và Đội quản lý đô thị huyện Phú Lộc đến hiện trường để lập biên bản xử lý.

Ông Hùng đang tiếp du khách

Thời điểm đó, ông Trần Văn Hùng - người quản lý công trình đã kí vào biên bản nhưng ông Phạm Thương, người được cho cho là chủ thì không có mặt. Sau này có thông tin chủ thực sự của công trình này là ông Phạm Tý, anh ruột ông Phạm Thương.

Nắm được thông tin, UBND thị trấn Lăng Cô nhiều lần đăng ký làm việc với UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để giải quyết sự việc nhưng phía UBND phường Hòa Hiệp Bắc không bố trí được thời gian làm việc.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: “Nhận thấy công trình xây dựng trái phép mà đối tượng vi phạm là người của phường Hòa Hiệp Bắc nên  UBND huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô chủ động vào làm việc tại UBND phường Hòa Hiệp Bắc.

Tại buổi làm việc, UBND phường Hòa Hiệp Bắc khẳng định việc xây dựng công trình này là trái phép và không hề cấp giấy phép xây dựng, vùng đất này được xác định là đất lâm nghiệp.

Sau khi bàn bạc hai bên đi đến thống nhất, UBND phường Hòa Hiệp Bắc sẽ mời đối tượng vi phạm lên thực hiện hai việc: Đình chỉ việc xây dựng công trình, giữ nguyên hiện trạng và yêu cầu đối tượng cam kết nếu sau này Nhà nước yêu cầu tháo dỡ thì tự nguyện tháo dỡ không được bồi thường. Trong quá trình UBND phường Hòa Hiệp Bắc xử lý sẽ thông báo cho UBND thị trấn Lăng Cô biết để theo dõi.

Sau đó, UBND huyện Phú Lộc và UBND quận Liên Chiểu đã có hai buổi làm việc với nhau về công trình xây dựng trái phép này. Nội dung cuối cùng vẫn thống nhất giữ nguyên hiện trạng và không được cơi nới, xây dựng thêm. Tuy nhiên, từ đó đến nay công trình không được tháo dỡ mà còn được xây dựng mở rộng nhiều hơn; chẳng hạn, công trình phụ và một số lán trại, thậm chí vợ chồng ông Hùng còn dự định xây dựng thêm chuồng nuôi heo, bò...”.

Bản đồ địa chính giữa 2 tỉnh do UBND thị trấn Lăng Cô quản lý thì khu vực xây dựng trái phép nằm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

“Hiện nay, vụ việc phân định giáp ranh giữa 2 tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, căn cứ địa giới qua các mốc lịch sử (từ thời kỳ vua Minh Mạng đến nay) và cơ sở pháp lý thì đây là vùng đất thuộc quyền quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của Thủ tướng Chính phủ có trước thời điểm phê duyệt quy hoạch thành phố Đà Nẵng và địa giới hành chính đã được phân định rõ ràng. Theo quản lý nhà nước về địa giới hành chính thì cơ sở pháp lý cao nhất là bản đồ địa giới hành chính. Trong bản đồ được kí giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) thì vùng đất đó thuộc về Thừa Thiên Huế”, ông Mạnh khẳng định.

“Đối tượng vi phạm là người dân Đà Nẵng, vì vậy, để đảm bảo hài hòa, tình cảm vốn có của hai bên thì cần sự phối hợp giải quyết. Thời gian tới, nếu  UBND quận Liên Chiểu và phường Hòa Hiệp Bắc (TP Đà Nẵng) không giải quyết rốt ráo theo tình thần văn bản đã kí trước đây thì chúng tôi xin ý kiến của UBND tỉnh để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất”, ông Mạnh cho biết thêm.

Lê Thọ-Hải Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top