ClockThứ Hai, 04/11/2013 05:22

Xử lý dứt điểm

TTH - Một chuyện không mong muốn xảy ra trong ngày cuối tuần vừa qua, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là việc chiều 1/11, 30 hộ dân ở đội 3, thôn Thượng An, xã Phong An (Phong Điền) đã huy động lực lượng mang theo cuốc, xẻng, bao cát... lấp cống thoát của Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên Huế vì quá bức xúc trước tình trạng nhà máy xả thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mùa màng, cuộc sống của người dân. Chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc vận động, giải thích người dân mới ngừng việc làm trên. Thực ra, đây chỉ là “giọt nước tràn ly” trước việc chậm xử lý ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều khu vực, với nhiều mức độ và hình thức khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên tới 5,5% GDP hàng năm nếu không có các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường hữu hiệu. Điều đáng nói, tình trạng các nhà máy, cơ sở sản xuất, phương tiện vận tải gây ô nhiễn môi trường thường lặp đi lặp lại nhiều lần, việc xử lý kéo dài và không triệt để dẫn đến việc người dân có những hành động tự phát để ngăn chặn, tự bảo vệ môi trường sống của mình. Trước chuyện xảy ra ở Phong An, chúng ta từng chứng kiến cảnh người dân ở Thuỷ Phương (Hương Thuỷ) đem vật dụng, cây cối ra chặn đường các xe tải chở đất gây ô nhiễm môi trường. Hoặc, người dân ở các xã Hương Văn, Hương Vân (Hương Trà) vì quá bức xúc về ô nhiễm môi trường đã chặn xe của Nhà máy xi măng Luks và kéo đông người đến nhà máy yêu cầu bồi thường thiệt hại hoa màu...

Nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến là việc cấp phép đầu tư thiếu chọn lọc, thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường chưa được thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường còn lỏng lẻo, kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ và thường xuyên; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe... đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, do chi phí xử lý chất thải, nước thải khá cao, các doanh nghiệp đã trốn tránh bằng cách xây dựng hệ thống ống thoát ngầm, lắp đặt máy bơm để xả thải ra môi trường; hoặc đầu tư hệ thống xử lý chất thải để đối phó, chỉ vận hành cầm chừng hoặc khi có đoàn kiểm tra. Với những nhà đầu tư thiếu lương tâm này, chúng ta cần “vạch mặt chỉ tên”, xử lý nghiêm; thậm chí tẩy chay sản phẩm như từng làm đối với Vedan trước đây. Thái độ đúng đắn của người tiêu dùng sẽ là một “chế tài”, hình thức “trừng phạt” có hiệu quả đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất “bẩn” đối với môi trường.

Cuối cùng, trước những bức xúc, kiến nghị về môi trường của người dân chính quyền địa phương, các ngành chức năng cùng các doanh nghiệp cần có sự phối hợp, sớm tập trung xử lý dứt điểm. Nếu để kéo dài, không chỉ dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật đáng tiếc của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội...

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định về công tác cán bộ

Chiều 29/3, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì và trao Quyết định bổ nhiệm.

Công bố quyết định về công tác cán bộ
Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan

Ngày 29/3, Thanh tra (TT) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra (TT) và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT. Tại Thừa Thiên Huế, Chánh TT tỉnh Lương Bảo Toàn cùng gần 100 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT tham dự.

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top