ClockThứ Sáu, 26/02/2021 14:11

Xử lý dứt điểm các phát sinh đảm bảo quyền lợi người dân

TTH - Trong quá trình khai thác mỏ đá của Nhà máy xi măng Đồng Lâm (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) phát sinh các vấn đề tác động đến đời sống người dân. Công ty CP Xi măng Đồng Lâm khẳng định tiếp tục phối hợp với chính quyền UBND xã Phong Xuân, UBND huyện Phong Điền xử lý các phát sinh trên nguyên tắc ưu tiên bảo vệ lợi ích của người dân.

Đảm bảo quyền lợi cho người dân Khu chung cư Đống ĐaĐảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân Khu chung cư Đống Đa

Đồng Lâm khảo sát nhà các hộ dân bị sụt lún ở Phong Xuân

Mong muốn được di dời

Đến ngày 25/2, các hộ dân Phong Xuân (Phong Điền) vẫn tiếp tục dựng lán trại gần khu vực mỏ để phản đối việc nổ mìn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như các chính sách đền bù, hỗ trợ của công ty.

Theo ghi nhận của PV, nhiều hộ dân đã lên khu vực này ở lại giữ lán trại cả ban đêm. Trong những ngày qua, chính quyền địa phương đã có mặt vận động người dân, đảm bảo an ninh trật tự khu vực này.

Ông Trần Văn Khánh (Xuân Điền Lộc, Phong Xuân) cho biết: “Đất ruộng gia đình tôi hơn 1 mẫu, đã thống nhất đền bù nhiều năm, cũng là sự chia sẻ của gia đình với công ty rồi. Thế nhưng nhà tôi nằm cách đê bao số 2 của mỏ đá 273m, từ tháng 9/2020 đã xuất hiện hố sụt lún khá lớn nằm ngay khu vực phòng tắm. Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị, chính quyền địa phương cùng công ty có về kiểm tra hiện trạng và đã lấp hố sụt lún”.

Theo anh Khánh, sau khi xuất hiện hố sụt lún, phía công ty đề nghị được hỗ trợ sửa chữa nhà, lợp lại mái tôn nhưng gia đình không đồng ý. Nguyện vọng của gia đình là muốn di dời đến nơi ở mới, không thể “sống chung” với nguy hiểm mãi được.

“Nhà có cháu nhỏ nên rất lo lắng vì sụt lún. Nếu đồng ý hỗ trợ thì mai mốt xuất hiện chỗ sụt lún khác thì phải làm sao? Nhiều hộ dân đi khám bệnh đều bị viêm phổi do khói bụi, gia đình rất lo lắng”, anh Khánh giãi bày.

Tại khu vực thôn Xuân Điền Lộc có 14 hộ gia đình đều chung kiến nghị như anh Khánh liên quan đến các vấn đề đền bù hỗ trợ cây lâu năm, khói bụi từ việc nổ mìn, nổ mìn ngoài giờ quy định cũng như mong muốn được di dời tái định cư.

Anh Lê Văn Mừng (thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân), một người dân dựng lán trại tại mỏ đá cho biết: “Việc hỗ trợ đất trồng rừng 400.000 đồng/sào/năm, chúng tôi thấy chưa hợp lý, bởi thời điểm hiện tại vật giá, cây trồng, các chi phí đã khác nên nhiều hộ dân không đồng ý với mức hỗ trợ này. Ngoài ra, các hộ dân không thể “sống chung” mãi với khói bụi, nổ mìn từ khu mỏ được. Người dân mong muốn được di dời đến nơi an toàn hơn.

Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân thông tin, thời gian vừa qua, chính quyền địa phương nhiều lần đã phối hợp với phía Công ty CP Xi măng Đồng Lâm và các hộ dân cùng làm việc để đạt được thỏa thuận đền bù, hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ dân tiếp tục yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan. Xã cũng đã ghi nhận các ý kiến và tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.

Đảm bảo quyền lợi

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, liên quan đến phát sinh nhà bị rạn nứt, hư hỏng do ảnh hưởng rung chấn khi nổ mìn, từ năm 2017, đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh và các ban ngành liên quan và sau đó Sở Công thương cũng chủ trì thuê các chuyên gia đầu ngành thuộc Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam về đo đạc rung chấn nổ mìn. Kết quả đo đạc đều cho thấy, tất cả các chỉ số rung chấn khi nổ mìn đều năm trong giới hạn cho phép theo quy định của QCVN 02:2008/BCT.

Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc điều hành mỏ đá vôi Phong Xuân cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền xã Phong Xuân khảo sát hiện trạng các nhà dân nằm trong phạm vi 500m kể từ ranh giới mỏ, lập dự toán sửa chữa, công bố dự toán. Chi trả chi phí hỗ trợ cho người dân tự sửa chữa, hoặc trực tiếp thuê nhà thầu xây dựng tới sửa chữa cho gia đình.

Định kỳ hàng năm khi có kiến nghị của các hộ dân về việc có phát sinh rạn nứt mới thì Đồng Lâm tiếp tục phối hợp với UBND xã tổ chức khảo sát và lập dự toán hỗ trợ bổ sung. Với các hộ đồng ý nhận tiền hỗ trợ để tự sửa thì công ty chi trả tiền mặt; còn hộ nào muốn Đồng Lâm sửa chữa thì công ty thuê nhà thầu xây dựng tới sửa chữa.

Đến nay, việc hỗ trợ đã hoàn thành 100% cho 118 hộ dân của đợt 1 từ năm 2018; còn đợt 2 có 127 hộ dân thì cơ bản đã hoàn thành 90% (đã chi trả hỗ trợ tiền mặt cho 105 hộ, sửa chữa nhà xong cho 12 hộ và đang sửa chữa nhà cho 10 hộ). Chi phí hỗ trợ hàng năm cho công tác này là khoảng 1,45 tỷ đồng (đến nay tổng cộng 2,9 tỷ đồng).

Đối với các phát sinh sụt lún đất, mất nước đồng ruộng, đơn vị đã hỗ trợ cho toàn bộ khu đồng ruộng nằm giáp đê bao mỏ trong phạm vi bán kính 200m từ ranh giới mỏ, với mức hỗ trợ cho đất hoa màu, trồng lúa là 2.000.000 đồng/năm; hỗ trợ đất trồng cây lâu năm, trồng keo tràm là 400.000 đồng/năm. Chi phí hỗ trợ hỗ trợ hàng năm khoảng 1,3 tỷ đồng. Đã chi trả hoàn thành trong năm 2020 và năm 2021 sẽ tiếp tục chi trả.

Đối với các thửa ruộng nằm ngoài phạm vi 200m tính từ ranh giới mỏ ra, khi hiện tượng mất nước thì từng vụ công ty phối hợp với UBND xã đi khảo sát và hỗ trợ cho các hộ dân. Chi phí hỗ trợ này hàng năm khoảng 100.000.000 đồng.

Việc hỗ trợ liên quan đến phát sinh khói bụi, tiếng ồn cho các hộ dân sống lân cận mỏ đá vôi trong phạm vi bán kính 300m tính từ ranh giới mỏ và các hộ dân sống dọc tuyến băng tải của nhà máy, hàng năm Đồng Lâm đều mua thẻ BHYT cho từng người dân.

Năm 2020 đơn vị đã mua thẻ BHYT cho 250 nhân khẩu. Ngoài ra từ tháng 7/2020, chính quyền địa phương và các hộ dân đã thống nhất chi hỗ trợ thêm phát sinh liên quan khói, bụi hàng tháng cho những gia đình sống lân cận khu vực đang khai thác mỏ (trong phạm vi bán kính 300m tính từ ranh giới mỏ), mức hỗ trợ 400.000 đồng/tháng.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty CP Xi măng Đồng Lâm thông tin, đến nay còn một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng trong quá trình khai thác mỏ đá vôi, cũng như các hộ dân chưa đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng mỏ đá giai đoạn 2.

Quan điểm của đơn vị là tiếp tục hỗ trợ người dân ở mức hợp lý, có tình có lý, có cơ sở phù hợp với thực tế bị ảnh hưởng. Đồng Lâm tiếp tục phối hợp UBND xã vận động, thuyết phục người dân nhận tiền hỗ trợ như đã thống nhất.

Mỏ đá vôi làm nguyên liệu của Công ty CP xi măng Đồng Lâm được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác mỏ vào tháng 8/2009 với trữ lượng đá vôi khai thác là gần 50 triệu tấn. Giai đoạn 1 khu mỏ với diện tích khoảng 55,5 ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ năm 2012; giai đoạn 2 diện tích khoảng 35 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất vào tháng 8/2020 và UBND huyện Phong Điền ra thông báo thu hồi đất vào tháng 2/2021.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

TIN MỚI

Return to top