ClockThứ Bảy, 25/09/2021 06:45

Xử lý nghiêm vụ phá rừng phòng hộ A Lưới

TTH - “Gỗ khai thác trong vụ phá rừng mà cơ quan báo chí nêu mới đây chủ yếu dùng làm quan tài. Các loại gỗ khá nhẹ được gùi ra khỏi rừng bằng sức người nên các dấu vết lưu lại rừng rất ít. Các cây gỗ bị đốn hạ nằm rải rác trên diện tích rừng rộng nên khó phát hiện”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới, ông Văn Thân nói.

Xác minh, làm rõ thông tin cắt xén tiền bảo vệ rừng

Kiểm tra hiện trường vụ phá rừng ở A Lưới

Dấu vết để lại rừng khó phát hiện

Trước đó, ngày 21/9, Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) A Lưới phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới kiểm tra, xác minh hiện trường 12 cây gỗ bị chặt hạ tại khoảnh 7, tiểu khu 312. Các loại gỗ bị khai thác chủ yếu dùng làm quan tài. Số cây bị chặt nằm rải rác, 3 cây có khoảng cách khá gần nhau, còn lại 9 cây khác nằm rải rác trên tuyến có chiều dài khoảng 5km. Khoảng cách từ đường Hồ Chí Minh đến khu vực khai thác gỗ trái phép là 5,8km.

Đường kính gốc cây bị chặt hạ từ 50cm đến 94cm. Tại hiện trường có một phách gỗ dài 5m, đường kính 70cm nằm phía dưới taluy âm; các bìa và phần gỗ không sử dụng được lâm dân bỏ lại tại hiện trường. Số gỗ mà lâm tặc khai thác làm quan tài là 10/12 cây thuộc chủng loại phò lái, vang trứng, 2 cây trám (gỗ nhóm 7, là nhóm gỗ nhẹ, sức chịu lực rất kém, khả năng mối mọt cao). Gỗ sau khi cưa xẻ được đưa ra khỏi rừng bằng sức người, chủ yếu là gùi trên lưng do gỗ nhẹ nên các dấu vết lưu lại tại rừng rất ít, khó phát hiện.

Trong số 12 cây gỗ bị đốn hạ có 9 cây được lực lượng kiểm lâm, Đội BVR chuyên trách Hương Lâm phát hiện, kiểm tra hiện trường ngày 9/11/2020 của Đội BVR chuyên trách Hương Lâm. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ đội này không báo cáo đến lãnh đạo BQLRPH A Lưới để có giải pháp xử lý kịp thời. Còn lại 3 cây được xác định vừa mới khai thác trong thời gian gần đây. Có một cây đã được kiểm tra năm 2021 có tọa độ, biên bản kiểm tra hiện trường ngày 1/7/2021 của Đội BVR chuyên trách Mỏ Quạ. Hai cây còn lại do Đội BVR chuyên trách Hương Lâm quản lý chưa được kiểm tra, phát hiện.

Kiểm tra hiện trường vụ phá rừng ở A Lưới

Ông Thân thừa nhận, Đội BVR chuyên trách Hương Lâm còn thiếu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ quản lý, BVR, chưa kịp thời nắm bắt thông tin nhằm ngăn chặn các vụ phá rừng. Chế độ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đội BVR chuyên trách Hương Lâm đến với cấp trên còn chậm trễ, thậm chí bỏ quên không báo cáo. Các phòng, ban chức năng thiếu sự quản lý, giám sát thực hiện nhiệm vụ của Đội BVR chuyên trách Hương Lâm nhằm chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót. Công tác giám sát, kiểm tra hiện trường của BQLRPH A Lưới để phát hiện, chấn chỉnh việc nắm bắt thông tin, tình hình cụ thể nhằm chỉ đạo nhiệm vụ BVR chưa thật sự sâu sát, thiếu kịp thời.

BQLRPH A Lưới sẽ họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, thiếu sót của tập thể và cá nhân liên quan trong việc để xảy ra phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 312. Đơn vị rà soát, củng cố và bố trí hợp lý lực lượng BVR tại các Đội BVR chuyên trách nói chung, nhất là tại Đội BVR chuyên trách Hương Lâm; do đây là địa bàn phức tạp và nhiều ngõ ngách rất thuận lợi cho lâm tặc, lâm dân việc vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng.

Trở lực

Ông Thân cũng thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, trở lực “lưu cửu” trong công tác quản lý, BVR lâu nay, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa bão diễn biến khó lường. Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lao động thất nghiệp ở nhiều nơi trở về quê, không có việc làm nên vào rừng khai thác gỗ trái phép. Thời điểm xảy ra phá rừng, trên địa bàn huyện A Lưới xuất hiện ca F0 do dịch COVID-19, tại đơn vị có 15 F1 và F2 cách ly y tế tại nhà cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tuần tra, giám sát, BVR.

Lâm tặc thường lợi dụng thời tiết mưa gió, lén lút, liều lĩnh vào rừng khai thác, cưa xẻ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Trong khi địa bàn A Lưới vào buổi trưa, chiều hay mưa, dông sét, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, cây gãy đổ nên việc rút quân đảm bảo an toàn tính mạng là trên hết, nhưng cũng vào các thời điểm này lâm tặc lại thường lợi dụng, tranh thủ vào rừng cưa xẻ, vác gỗ ra khỏi rừng. Sóng điện thoại hiện nay phủ khá rộng như Viettel, Mobile, Vinaphone thuận tiện cho lâm tặc bố trí người trực gác ở các lối ra vào rừng, tiện liên lạc với nhau trong quá trình hoạt động khai thác gỗ trái phép. Khi phát hiện lực lượng BVR đi tuần tra, chúng báo cho nhóm người cưa xẻ tắt máy, tẩu tán hoặc báo cho người gùi, vác gỗ đi thu dấu trong rừng.

Các đội, tổ BVR đều xa rừng, địa bàn quản lý rộng, núi rừng hiểm trở, từ các tổ, đội vào rừng mất đến vài ba giờ đi bộ. Trong khi các lối đi bộ vào rừng rất nhiều, lực lượng BVR đi lối này, kiểm tra vùng này thì lâm dân, lâm tặc lại hoạt động vùng khác. Chủ xâu, đầu nậu sẵn sàng đầu tư máy cưa xăng, đèn pin loại lớn phục vụ hoạt động ban đêm. Chỉ cần một đến hai đêm thì lâm tặc cưa hạ, xẻ và gùi ra khỏi rừng một vài cây gỗ lớn. Từ đầu năm trước đến nay, lực lượng BVR của BQLRPH A Lưới thu giữ 18 máy cưa xăng. 

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, đoàn kiểm tra của chi cục đã yêu cầu BQLRPH A Lưới xây dựng kế hoạch phân công trực chốt bảo vệ hiện trường những cây gỗ chưa cưa xẻ tại rừng và có biện pháp phục bắt đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật; rà soát lực lượng, các khu vực nguy cơ, trọng điểm để lập thêm các tổ/chốt trong rừng và bìa rừng để tuần tra, chốt chặn. Chi cục đã yêu cầu Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1, Hạt Kiểm lâm A Lưới tăng cường nắm bắt thông tin, tổ chức truy quét ở các khu rừng do BQLRPH A Lưới quản lý... Đồng thời, kiến nghị Sở NN&PTNT xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm trong việc để xảy ra phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 312.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển
Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia
Hái lộc rừng

Sau tết Nguyên đán, mọi người trở lại với nhịp sống ngày thường. Tiết xuân chan hòa mọi nơi khiến nhiều người như vẫn còn lưu luyến những ngày vui.

Hái lộc rừng
A Lưới
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia

Sáng 28/2, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia

TIN MỚI

Return to top