ClockThứ Sáu, 22/04/2016 13:36

Xử phạt sinh viên đăng ảnh đồi trụy lên internet: Ý kiến trái chiều

Quy chế quy định sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục… nhận được ý kiến trái chiều.

Bộ Giáo dục– Đào tạo vừa ban hành Quy chế Công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Trong số 10 hành vi mà quy chế này yêu cầu sinh viên không được làm, có những quy định xử phạt với hành vi đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin không phù hợp trên mạng internet. Điều này đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Quy chế quy định sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet. Mức phạt cao nhất của hành vi vi phạm này là "buộc thôi học".

(Ảnh minh họa)

PV ghi nhận một số ý kiến của sinh viên:

- Em nghĩ điều đó cũng tốt vì nó giúp sinh viên có ý thức hơn trong việc sử dụng Facebook. Tuy nhiên, việc chỉ áp dụng quy định này cho sinh viên thôi thì em thấy chưa thỏa đáng lắm.

- Em đồng ý với quy chế mới này của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Bản thân em cũng thấy mạng xã hội bây giờ không được kiểm soát tốt, người sử dụng thích chia sẻ gì thì chia sẻ, thích đăng tải gì thì đăng tải.

- Em thấy hình thức buộc thôi học hơi nặng. Em nghĩ rằng, nếu các bạn sinh viên có vi phạm những điều như thế thì chỉ nên phạt cảnh cáo hoặc hạ hạnh kiểm của các bạn trong một học kỳ thôi là được rồi”.

Đứng ở góc độc của người làm công tác quản lý, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc ban hành quy chế nói trên trong thời điểm này là phù hợp. Theo ông, những quy định này giúp sinh viên biết mình nên và không nên làm gì khi tương tác trên internet. Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, nếu quy chế này có những định lượng rõ ràng đối với mức phạt tương ứng với từng hành vi cụ thể thì sẽ tốt hơn.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường đề xuất: “Nếu được, Bộ nên đưa ra những tiêu chí tùy từng lĩnh vực. Trong trường hợp không thể định lượng được, Bộ cần đề nghị các trường linh hoạt trong từng tình huống. Những tình huống như thế này là để hạn chế sinh viên đăng tải lên mạng những thông tin không tốt hơn là để kỷ luật sinh viên”.

Trong khi đó, theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, tuy nội dung quy chế mong muốn hướng đến môi trường văn hóa trong giảng đường, tạo cách ứng xử đẹp cho sinh viên nhưng cách thức áp dụng còn mang tính cứng nhắc. Vì thế, rất có thể sẽ tạo tâm lý bị gò bó trong một bộ phận sinh viên.

Bên cạnh đó, điều chuyên gia tâm lý này băn khoăn là vai trò, vị trí của nhà trường nằm ở đâu trong việc thực thi quy chế này. Mặt khác, việc xác định mức độ vi phạm của từng hành vi để áp dụng những biện pháp kỷ luật cũng chẳng mấy dễ dàng.

Mặc dù vào ngày 23/5 tới, Quy chế Công tác sinh viên bắt đầu có hiệu lực, nhưng nhiều người vẫn hy vọng Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn nhằm tạo điều kiện cho các trường cũng như sinh viên thực hiện tốt quy chế này.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top