ClockThứ Ba, 28/01/2020 06:53

Xứ sở hạnh phúc

TTH - Chất lượng sống sẽ làm nên giá trị di sản lịch sử văn hóa đặc trưng mà hậu nhân luôn biết trân quý để bảo tồn, trao truyền hơi thở truyền thống vào cuộc sống. Do vậy, người Pháp từ đầu thế kỷ XIX đã ca ngợi Huế là xứ sở hạnh phúc.

Long lanh mưa HuếChậm của Huế…Con người thanh nhã, xứ sở hạnh phúc

Ngọt lành cây trái Thủy Biều

Xứ Huế nằm giữa Hoành Sơn và Hải Vân Sơn, vùng đệm trung chuyển nhiều yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng, sự đậm đặc văn hóa bản địa “phi Việt”. Về Nam là xu hướng chủ đạo nên dải đất này thành nút thắt quan trọng mở ra sinh lộ độc đạo kiến tạo nên Tổ quốc Việt Nam. Di sản văn hóa thời Nguyễn được tạo dựng trong khó khăn, khắc nghiệt, đạt đến đỉnh cao tiêu biểu ở Đông Nam Á. Sự thận trọng, cẩn trọng tạo nên sự sang trọng quí phái của vùng đất, nền văn hóa mà con người - Nhân biết trân trọng tối đa môi trường sống tự nhiên trong Trời - Đất dưới dạng phong thủy, đỉnh cao nghệ thuật cảnh quan.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đỉnh cao triết lý nhân văn Huế là đức khiêm cung trước tự nhiên, con người xem nhẹ chiều cao, chú trọng chiều sâu tư tưởng, nên những hình khối, màu sắc, nghệ thuật trang trí luôn giàu ý nghĩa biểu tượng, nhân văn. Vào Ái Tử năm 1558 mà năm 1601 chúa Tiên mới tiệm cận sông Hương, tích hợp huyền thoại hóa - lịch sử hóa Bà Trời Áo Đỏ để lập nên chùa Thiên Mụ - khai mở hệ tư tưởng Phật giáo xứ Đàng Trong. Đó là tiền đề cho việc định đô tại Kim Long năm 1636, Huế thành thủ phủ vùng miền, kinh đô Đại Nam thời Nguyễn, tụ hội, lan tỏa để định hình nên hệ giá trị cung đìnhvà tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng trong văn hóa Huế, tuyệt tác đô thị tầm châu Á.

Tiền nhân dựa vào trục sông Hương (với những vị nữ tối linh thần ở núi Hải Cát, đồi Hà Khê, Bà Thanh Phước, Bà Thai Dương) và Thiên quan địa trục - nối liền Trời Đất, từ đồi Long Thọ - Hà Khê, Vọng Cảnh - Hòn Chén... để làm nên tuyệt tác đô thị Huế. Bờ Bắc sông Hương thành vùng đế đô, Nam sông Hương vẫn là xứ sở ruộng vườn (dương cơ) và vùng phía Tây Thiên quan địa trục là một cõi đi về thiêng liêng của chùa chiền, lăng tẩm, mộ địa (âm trạch). Tính chất điển chế, sang trọng cộng hưởng sự linh thiêng của tôn giáo tín ngưỡng (Phật giáo, Mẫu), tính cách cẩn trọng của con người... lại được nuôi dưỡng trong không gian thành phố vườn đặc trưng: vườn nhà - chùa - phủ đệ - vườn ngự - lăng tẩm. Kinh thành mang đậm dấu ấn kiến trúc Vauban của Pháp nhưng đã Việt hóa rất Huế:  hài hòa, tinh tế với yếu tố phong thủy, kiến trúc tuyệt vời.

Đầu thế kỷ XIX, người Pháp đặc biệt tôn trọng di sản văn hóa triều Nguyễn nên tập trung đô thị hóa vùng ruộng đồng phía Nam thành khu phố Tây ở trục chính Jules Ferry (Lê Lợi), Mandarin (Hùng Vương) và Khải Định (Nguyễn Huệ). Ý tưởng Huế - Thành phố ba tầng sẽ trở thành trục chi phối, nhấn mạnh di sản văn hóa đặc trưng: (1) lõi trung tâm di sản thời Nguyễn ở Kim Long - Đại Nội, (2) khu phố Tây vùng bờ Nam, (3) vành đai phát triển hiện đại xung quanh. Từ đây, quy chế đô thị di sản đặc trưng sẽ được cụ thể hóa để nhấn mạnh hình thức, nội dung hoạt động phù hợp, khai thác tối đa lợi thế ở mỗi tầng đô thị, nhất là sự hài hòa trong một khu di sản đặc biệt theo khuyến cáo của UNESCO: chiều cao, màu sắc, chất liệu, âm thanh, hình ảnh, ý nghĩa biểu tượng...

Tái hiện không gian cung đình quý tộc thượng lưu thời Nguyễn với những hoạt động độc đáo, xưởng thủ công, bảo tàng, biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng, mang lại giá trị hàng, giá trị giáo dục truyền thống và kỹ năng nghề nghiệp cao, thiết thực trong việc nghiên cứu, phục chế, trùng tu các giá trị di sản văn hóa mẫu mực. Huế phải là một đại công xưởng thủ công mỹ nghệ cao cấp, công trường phục chế mẫu mực, đại phim - ảnh - kịch trường tái hiện nét vàng son thời Nguyễn, xã hội hóa các nguồn lực xã hội sẽ thiết thực thổi hồn truyền thống cho cuộc sống hiện nay.

Sự yên tĩnh khoáng đạt của tự nhiên, tính trang nghiêm của môi trường xã hội làm nên tính cách cẩn trọng, sâu lắng của con người xứ Huế. Đó là tiền đề để xây dựng Thành phố chậm lại gắn liền bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tinh hoa, trong thế mạnh về cảnh quan hài hòa xanh sạch đẹp, du lịch di sản văn hóa, nghỉ dưỡng và yoga - thiền... để tìm về chính mình - thiên nhiên - cội nguồn. Tính triết lý hài hòa - thái hòa của tiền nhân ở xứ sở hạnh phúclà tinh thần chủ đạo để định hình nên bộ quy chuẩn đô thị di sản đặc trưng, chú trọng các khía cạnh kiến trúc nghệ thuật, trang phục, ẩm thực, y học cổ truyền, nghề thủ công... để tiếp tục phát huy giá trị tuyệt tác đô thị Huế.

Bình tâm nhận chân hệ giá trị Huế rặt để chuyển hóa sinh động vào cuộc sống hôm nay, Huế cần lắm một kiến trúc sư trưởng có thiện chí, tầm nhìn chiến lược để qui tụ nguyên khí Huế - yêu Huế mọi nơi, tạo môi trường, cơ chế hữu hiệu để đưa di sản văn hóa vào sản phẩm du lịch, thành những thượng phẩm mang nhiều giá trị cội nguồn, tinh tế, sang trọng. Trong phác thảoÝ tưởng Huế, hiện ra rõ nét nhiều khía cạnh: cốt cách con người tinh tế, sâu lắng của nếp nhà; phong tục tập quán nghiêm cẩn, nhân văn; Thành phố vườn luôn được tái tạo, giữ gìn cảnh quan; tụ hội và lan tỏa nhân lực nhân tài cả nước nhờ nôi đào tạo xứ Huế, nhất là về khoa học xã hội nhân văn, y khoa, nông nghiệp sạch.

Hơn bất cứ đâu, Huế cần tụ hội, xây dựng cơ sở dữ liệu vĩ mô về lịch sử mở cõi của dân tộc, về thời Đàng Trong - Tây Sơn - Nguyễn.. để nghiên cứu, phục chế, trùng tu, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống trong những công xưởng bậc nhất mang bóng dáng quan xưởng thời Nguyễn. Nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng để phát triển du lịch, hàng hóa cao cấp, cho nhu cầu trùng tu tôn tạo di tích, chuyển giao kịch bản - qui trình công nghệ, kỹ nghệ du lịch văn hóa, festival lịch sử văn hóa... là sở trường đặc trưng cần chú trọng.

Huế kết tinh nhiều giá trị truyền thống tinh hoa, tạo sự khác biệt và đặc biệt hơn hẳn với xung quanh. Đô thị di sản đặc trưng Huế nhờ vậy, sẽ vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, như cách nói của người Pháp là Huế, ville heureuse: soeur des fées, mère des fées, filleule des fées (Huế: xứ sở hạnh phúc, bà mẹ - bà chị - con đỡ đầu của những nàng tiên).

Bài: Trần Đình Hằng

Ảnh: Bảo Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top