ClockThứ Bảy, 18/04/2015 05:51

Xuất hiện ký sinh trùng kháng thuốc bệnh sốt rét

TTH - Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng (TTPCSRKSTCT) cho hay, 4 tháng đầu năm 2015 (tháng 1 - tháng 4), số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét trên toàn tỉnh giảm 67% so với cùng kỳ năm 2014. Không có sốt rét ác tính, không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Dù vậy, thách thức lớn trong điều trị bệnh sốt rét hiện nay là ký sinh trùng kháng thuốc xuất hiện.

Bệnh nhân sốt rét trên địa bàn tỉnh là do người ở địa phương khác đến. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiến hành điều tra tình hình sốt rét 4 đợt tại 5 xã ở các địa phương: A Lưới, Phong Điền, Nam Đông không phát hiện bệnh nhân sốt rét. Tuy nhiên, muỗi truyền bệnh sốt rét vẫn tồn tại, dù ở tỷ lệ thấp. Bệnh sốt rét có khả năng quay trở lại và nguy cơ bùng phát dịch sốt rét là khó tránh khỏi. Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương, Bộ Y tế, cho biết, tỷ lệ mắc sốt rét ở Việt Nam liên tục giảm gần đây. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc Artemisinin, loại thuốc hiệu quả nhất trong điều trị sốt rét, xuất hiện ở miền Trung nước ta, như Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông và Quảng Nam. Theo đó, thời gian điều trị tiêu diệt ký sinh trùng lâu hơn trước. Hiệu quả điều trị của thuốc Artemisinin vẫn cao nhưng tỷ lệ còn ký sinh trùng sốt rét vào ngày D3 (ngày thứ 3 điều trị) tăng liên tục ở mức báo động.

Cán bộ y tế đang tẩm màn hóa chất cho đồng bào bản Hạ Long, xã Phong . Ảnh: PH
Thừa Thiên Huế tiếp giáp với Quảng Nam, nơi phát hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc là nguy cơ cao, do vậy TTPCSRKSTCT thực hiện nhiều biện pháp phòng chống. Đó là giám sát dịch tễ, muỗi truyền bệnh, phát hiện biến động bất thường để có biện pháp can thiệp. Cán bộ y tễ thôn, bản, y tế xã phối hợp cùng UBND xã tăng cường phương tiện truyền thông phòng, chống sốt rét đến từng đối tượng nguy cơ, từng hộ gia đình.Tăng cường giám sát bệnh, điều trị bệnh của dự án kháng thuốc Artemisinin do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ. Tăng cường hoạt động các điểm kính hiển vi tại các cơ sở để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, phát hiện trường hợp kháng thuốc để xử lý, quản lý đối tượng di biến động, chủ động lấy lam máu phát hiện sớm ngay khi người dân đến vùng sốt rét lưu hành. Thầy thuốc cần tuân thủ phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Quản lý, theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị tối thiểu là 3 ngày để phát hiện kháng thuốc. Khi phát hiện kháng thuốc, cán bộ y tế phải thay đổi ngay phác đồ điều trị, nếu là ở xã, phường thì y tế trạm địa phương báo ngay cho cán bộ y tế huyện, thị xã và TTPCSRKSTCT để tiến hành điều tra, xác minh và có giải pháp thích hợp. Cán bộ y tế huyện, tỉnh phải quản lý chặt chẽ việc bán thuốc của các nhà thuốc, hiệu thuốc tư nhân có dịch vụ cung cấp thuốc sốt rét tại một số địa phương, thu hồi thuốc Artesunate theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
 Người bị bệnh sốt rét hoặc nghi ngờ mắc sốt rét thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, lấy lam máu xét nghiệm hoặc test chẩn đoán nhanh sốt rét và được điều trị đúng thuốc, đúng điều lượng và đúng liệu trình điều trị. Không tự động mua thuốc trôi nổi ngoài thị trường, nhất là thuốc Artesunat 50mg dạng viên, vì đã có hiện tượng đề kháng, Bộ Y tế khuyến cáo để uống khi bị bệnh cũng như tự điều trị khi đi rừng, ngủ rẫy hoặc làm ăn ở vùng sốt rét lưu hành, nên đến cơ sở y tế để có bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc. Người dân cần chủ động phòng chống bệnh như phát quang bụi rậm quanh nhà, thường xuyên ngủ màn và đem theo màn khi đi rừng làm rẫy hoặc ở nơi có bệnh sốt rét lưu hành.
Theo bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Võ Hinh, nguyên Giám đốc TTPCSRKSTCT để ngăn chặn việc ký sinh trùng kháng thuốc ở bệnh nhân sốt rét đạt hiệu quả, cần hướng dẫn và giám sát chặt chẽ công tác điều trị sốt rét tại các cơ sở y tế; thường xuyên kiểm tra nghiêm túc việc điều trị sốt rét tại các bệnh xá, bệnh viện cũng như tại các trạm y tế cơ sở theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành. Thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe rộng rãi cho cộng đồng người dân biết cách tự chẩn đoán, tự điều trị sốt rét một cách chính xác với việc sử dụng thuốc đúng và đủ liều quy định. Tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến ký sinh trùng sốt rét ở các bệnh nhân được điều trị, thực hiện việc điều trị tiệt căn mầm bệnh hiệu quả, phải sử dụng đủ liều thuốc đúng theo phác đồ điều trị quy định của Bộ Y tế. Cần chú ý và thận trọng việc chỉ định điều trị hàng loạt để ngăn ngừa ảnh hưởng của yếu tố áp lực thuốc; không áp dụng biện pháp điều trị phỏng chừng, điều trị dự phòng với những liều thuốc sốt rét thấp hơn liều thông thường quy định. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành, chọn lựa phác đồ điều trị phù hợp trên cơ sở dược động học của thuốc.
“Trong điều trị bằng thuốc sốt rét đặc hiệu, cần căn cứ vào kết quả xét nghiệm và chẩn đoán lâm sàng để chọn thuốc điều trị có hiệu lực và an toàn. Chú ý việc sử dụng thuốc điều trị ưu tiên lúc điều trị ban đầu và sử dụng thuốc điều trị thay thế khi gặp các trường hợp điều trị thất bại với thuốc điều trị ưu tiên được xác định cụ thể. Trên thực tế, có thể thay đổi chiến lược sử dụng thuốc sốt rét trong từng thời kỳ, giữa các vùng với nhau; đồng thời, có định hướng dự trữ các loại thuốc có hiệu lực cao để sử dụng cho những trường hợp sốt rét nặng và sốt rét ác tính”, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh lưu ý thêm.
Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top