ClockThứ Sáu, 14/06/2019 15:04

Xuất khẩu lao động cần lan tỏa như “Ngày Chủ nhật xanh”

TTH - “Nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tích cực và lan tỏa như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tôi tin công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) sẽ thành công”. Đây là ao ước của bà Đặng Thị Thùy Dương, Giám đốc phụ trách khu vực miền Trung, Công ty CP Vivaxan sau 16 năm làm công tác XKLĐ.

“Ngày Chủ nhật xanh” ở Phú VangHành động mạnh mẽ để “Ngày Chủ nhật xanh” lan tỏaDọn dẹp không gian

Người lao động xuất cảnh đi lao động tại Rumani. Ảnh: Công ty Vivaxan cung cấp

Lựa chọn của nhiều bạn trẻ

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế vào năm 2016 nhưng không tìm được công việc phù hợp, Hoàng Thị Quỳnh Lưu (26 tuổi, thị xã Hương Thủy) quyết định đi XKLĐ ở Nhật Bản. Sang Nhật làm việc ở công ty đóng gói cơm hộp, mỗi tháng, Quỳnh Lưu tiết kiệm được trên 30 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt. Cô kể: “Công việc không quá vất vả, cuộc sống thoải mái, đời sống người lao động được chủ doanh nghiệp quan tâm. Ban đầu mới qua cũng rất nhớ nhà nhưng nhờ có nhiều bạn trẻ người Việt cùng đi nên chúng em san sẻ, cùng nhau vượt qua”.

Nhiều bạn trẻ khác cũng lựa chọn con đường lập nghiệp như Quỳnh Lưu sau khi ra trường. Với trình độ, kiến thức sẵn có, sau 3 năm làm việc ở Nhật, hành trang họ mang về không chỉ là thu nhập mà còn có kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề và tác phong chuyên nghiệp để tiếp tục tham gia vào thị trường lao động ở trong nước. Một cán bộ ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) ở thị xã Hương Trà cho hay, ở địa phương này, nhiều học sinh THPT có định hướng không thi đại học mà đi XKLĐ sau khi tốt nghiệp nên tham gia học tiếng Nhật ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 554 người đi XKLĐ. Phú Vang, Hương Thủy và Phong Điền là những địa phương có nhiều lao động tham gia. Tuy vậy, theo một số doanh nghiệp, dù công tác XKLĐ đã khởi sắc nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lao động dồi dào của Thừa Thiên Huế, trong khi các đối tác ở thị trường nước ngoài thích tuyển lao động của Thừa Thiên Huế bởi đức tính cần cù, chăm chỉ, kỷ luật tốt.

Khó ở nhận thức

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, khó nhất trong công tác XKLĐ là thay đổi nhận thức của người dân. Tâm lý nhiều người vẫn thụ động, quá thận trọng, thiếu đột phá để vươn ra làm giàu. Ngành LĐTBXH, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp cùng vào cuộc, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền, về tận thôn xóm để tư vấn trực tiếp cho người lao động nhưng sự chuyển biến vẫn chậm. Hiệu quả của XKLĐ đã rõ, vấn đề còn lại chỉ ở tâm lý người lao động.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Giám đốc phụ trách khu vực miền Trung, Công ty CP Vivaxan than: “Hiệu quả kinh tế của những người đã và đang làm việc ở nước ngoài là kênh tuyên truyền hữu hiệu để phong trào XKLĐ lan tỏa trong xã hội. Tuy vậy, thay vì nói thật về thu nhập, cuộc sống nơi đất khách để vận động bà con làng xóm cùng đi thì nhiều người lại giấu, có nhiều nói ít. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tuyên truyền, vận động người dân tham gia XKLĐ”.

Ở cấp chính quyền cơ sở, nhiều địa phương thực sự vào cuộc, coi XKLĐ là giải pháp thoát nghèo bền vững, nhưng có những nơi vẫn thờ ơ. Bà Dương cho hay: “Trong XKLĐ, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Có một số địa phương, chúng tôi đến làm việc nhiều lần nhưng suốt mấy tháng không kết nối tổ chức được hội nghị tư vấn. Nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tích cực như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tôi tin công tác XKLĐ sẽ thành công”.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu cấp ủy, chính quyền ở địa phương nào sốt sắng, tích cực phối hợp chặt chẽ, trở thành cánh tay nối dài giữa doanh nghiệp với người lao động thì phong trào XKLĐ ở nơi ấy sẽ khởi sắc, như ở Quảng Công (Quảng Điền), Vinh Thái (Phú Vang), Thủy Tân (Hương Thủy)... Ở nhiều địa phương, cán bộ lãnh đạo gương mẫu đi đầu, vận động con cháu đi XKLĐ trước, người dân nhìn vào thấy hiệu quả sẽ theo.

Khảo sát từ các doanh nghiệp, ông Hà Văn Tuấn tự tin sẽ đạt được con số 1.500 người đi XKLĐ trong năm 2019 như chỉ tiêu phấn đấu. Công tác tuyên truyền đang được Sở LĐTBXH và các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương làm rất quyết liệt để thông tin đến được với người dân, thông qua hình thức tư vấn trực tiếp, qua facebook, phóng sự trên báo, đài, tổ chức hội nghị các cấp… Các doanh nghiệp cũng đa dạng các đơn hàng, thị trường lao động để người lao động lựa chọn, bởi không phải ai cũng có thể đáp ứng các điều kiện đi Nhật mà có thể đi thị trường Đài Loan, hoặc tham gia thi tiếng Hàn để đi XKLĐ theo chương trình EPS miễn phí của Hàn Quốc. Thị trường Rumani vừa được Công ty CP Vivaxan đưa vào khai thác từ tháng 3 năm nay với ngành nghề đa dạng, chi phí thấp, thời gian đào tạo ngắn, không cần học tiếng sẽ rất phù hợp với người lao động ở Nam Đông, A Lưới và những vùng khó khăn.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Lan tỏa lối sống xanh

Từ những mô hình hay, cách tuyên truyền hiệu quả của Phong trào Ngày Chủ nhật xanh, bây giờ, lối sống xanh không còn là điều gì đó mới mẻ. Nó đã, đang từng ngày, từng giờ đi vào đời sống của người dân.

Lan tỏa lối sống xanh

TIN MỚI

Return to top