ClockThứ Sáu, 13/12/2019 14:45

Xuất khẩu lao động: Hướng phát triển kinh tế ở Quảng Điền

TTH - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xác định là một trong những hướng đi mới, giúp ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Giao lưu trực tuyến: "An toàn khi tham gia xuất khẩu lao động"

Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân Quảng Công

Khá giả nhờ XKLĐ

Gia đình ông Lê Lụt ở thôn Trung Kiều, xã Quảng Thái có 4 con đều tham gia XKLĐ tại Nhật Bản. Lúc đầu chỉ một người đi, nhận thấy làm ăn có hiệu quả, thu nhập cao nên ông Lụt tiếp tục vay mượn kinh phí cho những người con còn lại sang Nhật Bản lao động. Từ nguồn thu nhập bình quân mỗi lao động từ 30-36 triệu đồng/tháng đã giúp gia đình ông không chỉ trả được nợ mà còn vươn lên khá giả.

Ông Phan Duy Ân ở thôn Trung Kiều nghĩ rằng, XKLĐ là cơ hội vươn lên làm giàu, đóng góp sức mình xây dựng quê hương nên tạo điều kiện cho con trai đi lao động ở Nhật Bản. Sau ba năm làm việc trở về quê hương với số vốn dành dụm khoảng 800 triệu đồng, con trai ông đã giúp gia đình trả các khoản nợ, sửa chữa nhà cửa khang trang. Mới đây, anh quyết định tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc tại Nhật Bản thêm hai năm nữa. Con đường thoát nghèo, làm giàu thấy rõ từ lao động ở Nhật Bản, ông Ân quyết định cho con gái đăng ký tham gia.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Phạm Công Phước đánh giá, hầu hết lao động làm việc tại Nhật Bản đều có việc làm và mức thu nhập ổn định. Những lao động làm việc lâu năm đều có mức lương cao từ 30 - 36 triệu đồng/tháng (chưa kể làm thêm). Sau khi trừ các khoản chi tiêu, các lao động gửi về cho gia đình từ 25- 30 triệu đồng/tháng để chi trả các khoản nợ, giúp gia đình cải tạo, sửa chữa lại nhà cửa, cổng tường rào khang trang hơn. Một số trường hợp còn gửi tiền về mua đất ở Đà Nẵng, Huế như Lê Đình Tám, Phan Thanh Toản.

Đối với các lao động mới sang làm việc từ sáu tháng nay cũng đã nhận được mức lương khá ổn định, từ 28- 32 triệu đồng, gửi về cho gia đình mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng. Hầu hết các lao động tại Nhật Bản đều nhận thấy, điều kiện công việc nghiêm túc, ăn ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi khá thoải mái. Chính quyền địa phương thường xuyên giữ liên lạc với lao động, gia đình, nắm bắt, tìm hiểu thông tin về công việc, thu nhập, ăn ở, sinh hoạt cũng như những khó khăn, vướng mắc để phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Củng cố niềm tin

Ông Phạm Công Phước cho rằng, từ những năm 2000, khi các cấp, ngành có chủ trương đẩy mạnh vận động người dân tham gia XKLĐ ở nước ngoài, xã Quảng Thái vận động người dân đăng ký tham gia XKLĐ tại các nước Malaysia, Đài Loan, Xiri, Libi… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến kế hoạch XKLĐ tại địa phương không đạt hiệu quả. Nhiều người dân ở Quảng Thái vướng phải những khó khăn khi XKLĐ, như không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp nên gánh chịu khoản nợ lớn. Từ đó đến nay, người dân luôn có tư tưởng nặng nề, thiếu sự tin tưởng đối với chủ trương XKLĐ.

Những năm gần đây, tỉnh có những chính sách hỗ trợ đối với XKLĐ gắn với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, quy định rõ ràng nên nhiều người dân ở xã Quảng Thái cũng như nhiều địa phương của Quảng Điền như Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Lợi... mạnh dạn tham gia XKLĐ. Các địa phương tích cực tuyên truyền đến tận người dân về chủ trương và những chính sách hỗ trợ đối với XKLĐ. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển Formosa; chính sách đối với lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách.

Để lấy lại niềm tin của người dân, tránh rủi ro và đảm bảo an toàn đối với lao động, các địa phương rất thận trọng trong việc phối hợp, tiếp nhận các đơn vị, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại địa phương. Các địa phương yêu cầu các đơn vị tuyển dụng có cam kết, ràng buộc cụ thể, đảm bảo an toàn cho lao động. Lãnh đạo các địa phương trực tiếp đến tận nhà, gặp mặt các gia đình để trao đổi những tâm tư, nguyện vọng, có hướng hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc của người lao động.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như tư vấn XKLĐ tại các buổi gặp mặt thanh niên đầu năm, cuối năm tại các thôn, tại các buổi hội họp cán bộ chủ chốt từ cấp xã đến thôn. Với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị đã dần lấy lại niềm tin của người lao động đối với chủ trương XKLĐ.

Năm 2018, toàn xã Quảng Thái có 9 người tham gia XKLĐ tại Nhật Bản và một số nước; năm 2019 có thêm 13 lao động đã sang Nhật Bản lao động. Hiện nay có 12 lao động đang tiến hành các thủ tục, điều kiện tại các Công ty Tam Quy, Suleco, Nhật Huy Khang… để sớm XKLĐ. Đến cuối năm 2019, toàn huyện Quảng Điền có thêm trên 200 lao động sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

TIN MỚI

Return to top