ClockThứ Sáu, 06/10/2017 05:26

Xung kích trên mặt trận kinh tế

TTH - "Làm thế nào để chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm cho mọi người cùng làm giàu khi đó những kết quả đạt được mới thực sự ý nghĩa". Đó là bộc bạch của cựu chiến binh (CCB) Dương Văn Tuấn ở phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) và cũng là suy nghĩ và hành động của nhiều CCB.

Hội CCB tỉnh tham quan mô hình nuôi ong lấy mật có hiệu quả của CCB Trần Bá Lưu (phường Trường An, TP. Huế)

Rời quân ngũ, ông Dương Văn Tuấn (sinh năm 1963) trở về quê hương Thủy Phương lập nghiệp. Lúc đó, gia đình chủ yếu làm nông, dựa vào mấy sào ruộng. Năm nào được mùa còn đỡ lo, còn mất mùa thì cuộc sống trở nên chật vật.

Không để cái đói, cái nghèo đeo bám, vừa làm ruộng, ông Tuấn vừa chịu khó tìm tòi, học hỏi nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh. Năm 1995, ông "làm liều" cầm cố nhà cửa, vay mượn thêm người thân được 100 triệu đồng, đầu tư kinh doanh buôn bán, từ nước giải khát, bia, hàng hóa tổng hợp... cho đến nông sản. Không ít lần gặp khó khăn, thất bại vì chưa nắm bắt được nhu cầu và sự biến động của giá cả thị trường, nhưng với niềm tin về sự lựa chọn của mình và nghị lực của bản thân, ông đã biến thất bại thành kinh nghiệm trong kinh doanh.

Bằng bàn tay, khối óc của mình, đến năm 2004, ông Tuấn thành lập Công ty TNHH Ngọc Tiến hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại vận tải với 8 chiếc xe tải, doanh thu trên 600 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 26 lao động địa phương. Với cương vị là Chủ tịch Hội Doanh nhân - Chủ trang trại CCB TX. Hương Thủy, ông Tuấn luôn chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, sẵn sàng giúp đỡ vốn cho những hội viên gặp khó khăn.

Không chỉ là tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, CCB La Tiềm (hội viên Hội CCB xã Hương Phong, TX. Hương Trà) còn được các hội viên yêu mến, tin tưởng bởi sự nhiệt tình, tận tâm với công tác hội và luôn nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn hội viên các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông chọn mô hình nuôi trồng thủy sản nước lợ để phát triển kinh tế gia đình. Sau đó, chuyển từ nuôi tôm chuyên canh qua nuôi xen ghép cá đối, cua và trồng thêm rau câu. Ngoài ra, ông còn đầu tư 1 ha mặt nước để nuôi cá vượt lũ một năm 3 vụ, chủ yếu là các loại cá đặc sản: cá dìa, cá diêu hồng, cá đối cồi… Mô hình nuôi trồng thủy sản của ông cho thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm.

Tuyên dương những điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều CCB thành công trên mặt trận kinh tế. Có thể kể đến CCB Nguyễn Chuẩn ở Thủy Bằng (TX. Hương Thủy) với trang trại tổng hợp thu lãi trên 300 triệu đồng/năm và trở thành địa chỉ tin cậy để các hội viên và người dân tìm đến học hỏi phương pháp nuôi heo ngoại. Hay để có được "quả ngọt" từ rừng, CCB Bùi Hữu Chiến ở xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) không ngại khó khăn, dầm mưa dãi nắng cuốc từng tấc đất, chăm sóc từng gốc cao su. Gần 20 ha cao su và tràm đã cho ông thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, CCB Trần Quốc Thạnh ở Vinh Hà (huyện Phú Vang) có thu nhập trên 600 triệu đồng/năm từ nuôi trồng thủy sản và trồng lúa...

Ông Nguyễn Vĩnh Sinh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, để giúp đỡ hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các cấp hội CCB trong tỉnh chủ động phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho cán bộ, hội viên. Tổ chức cho hội viên tham quan những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Hội cũng tích cực tìm các nguồn vốn vay ưu đãi, chỉ đạo các hội cơ sở thành lập các tổ vay vốn, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 142 doanh nghiệp, 604 cơ sở sản xuất, 87 trang trại, 285 gia trại… do CCB làm chủ, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho gần 11 ngàn lao động là con em hội viên hội CCB và người dân địa phương, đưa tỷ lệ hộ nghèo trong CCB từ 4 % (năm 2012) xuống còn 0,9 % hiện nay.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top