ClockThứ Tư, 13/04/2016 06:02

Xung quanh một hội thi, nghĩ về tính chất lượng và hiệu quả

TTH - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hội thi Giáo viên dạy giỏi bậc trung học phổ thông (THPT) cấp tỉnh lần thứ VII, năm học 2015-2016 là hội thi có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, bất cập nhìn từ hội thi này.

TS Phạm Văn Hùng trao giấy khen cho thí sinh đoạt giải

Hội thi Giáo viên dạy giỏi bậc THPT cấp tỉnh lần thứ VII thu hút 37/40 đơn vị trường THPT trên địa bàn với 249 giáo viên tham gia ở 13 nội dung. Ban tổ chức đã chọn ra 186/ 249 giáo viên tham gia công nhận “Giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh bậc THPT. Trao 129 giải cho các giáo viên, gồm 13 giải nhất, 27 giải nhì, 37 giải ba và 52 giải khuyến khích.

Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, hội thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động mang tính truyền thống với những bước chuẩn bị cẩn trọng từ người ứng thí đến hội đồng giám khảo. Tại các trường, việc hưởng ứng cuộc thi với tinh thần chủ động từ ban giám hiệu đến giáo viên, đảm bảo số lượng lẫn chất lượng giáo viên. Đây là thành công bước đầu của hội thi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hưởng ứng hội thi này, ngay từng đơn vị đều có kế hoạch để chọn ra những giáo viên đại diện đơn vị để tham gia thi. Các trường đã tổ chức, tạo điều kiện để giáo viên được bồi dưỡng thêm kiến thức, bảo đảm chất lượng cuộc thi. Năm nay, số giáo viên tham gia khá trẻ, có hơn 1/3 tuổi dưới 30, ứng viên trẻ nhất là cô giáo Hồ Thị Tâm Hiếu (THPT Gia Hội) mới 26 tuổi; người lớn tuổi nhất là 48 tuổi. Ngoài các trường trong hệ thống công lập, có giáo viên đến từ Huế Star và các trường vùng sâu, vùng khó như THCS&THPT Hồng Vân, THPT Hương Lâm (huyện A Lưới). Các môn có số giáo viên dự thi cao là toán (32 giáo viên), văn (28 giáo viên), hoá (30 giáo viên). Trong số 498 tiết thực hành, có tới 361 tiết (72,49%) được đánh giá loại giỏi; 135 tiết loại khá (27,11%), chỉ có 2 tiết loại trung bình, không có tiết yếu. Việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy được đánh giá là có bước tiến khá lớn so với hội thi năm 2013, có 100% tiết dạy sử dụng CNTT; giáo viên quan tâm đến tích hợp liên môn, liên chủ đề nên tạo được những tiết dạy hay, sinh động. Nhiều giáo viên có phong cách sư phạm tốt, ngôn ngữ và phong thái đúng mực, tạo ấn tượng tốt.

Đánh giá của BTC cũng như những người trong cuộc, Hội thi giáo viên giỏi năm nay còn bất cập. Đó là sự giảm sút mạnh số người thực dự thi so với danh sách đăng ký. Về chất lượng, nhiều giáo viên vẫn còn chưa hiểu chuẩn xác về phương thức đề; chưa thuần thục về kỹ năng soạn thảo đề, hướng dẫn chấm và thiết kế hoạt động bằng Microsoft Word; còn lúng túng trong các thao tác thực hành trên máy tính, một số trường hợp chưa chú ý thể thức văn bản khi trình bày đề kiểm tra. Cũng có sai sót không đáng có như khi yêu cầu soạn đề kiểm tra kiến thức học kỳ I lại soạn kiến thức học kỳ II. Theo đánh giá của BTC, số giáo viên có sự sáng tạo chưa nhiều.

Ngoài ra, sau cuộc thi vẫn có những ý kiến xung quanh việc nên tạo hứng thú cho giáo viên tham gia kỳ thi một cách tự giác. Một cán bộ quản lý cho biết, ngay từ khi khởi động, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn “tìm người”, sau đó bồi dưỡng kiểu “nuôi gà chọi ”, để bảo đảm “đội hình”. Về quy mô, ngay trong thời gian thi, các trường khá vất vả, nhất là đối với những trường xa, ngoài lãnh đạo nhà trường có mặt đầu giờ để động viên, mỗi thí sinh thường cần đến 2 giáo viên phục vụ, lý do là ban tổ chức chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên tự chuẩn bị nên phải mang theo thiết bị phục vụ giờ giảng. Vì vậy, có nhiều đơn vị, từ 3, 4 giờ sáng lãnh đạo, giáo viên đã lục đục lên Huế để thi...

Hiện tượng có những đơn vị chạy theo hình thức, ít quan tâm đến mục đích thực của cuộc thi vẫn tồn tại. Có trường hợp giáo viên tâm huyết, nhưng không được động viên thi và dành “suất” cho những người được “định hướng” phát triển… Đó là những băn khoăn không nhỏ, cần được tháo gỡ để bốn năm nữa sẽ có một cuộc thi chất lượng, hiệu quả hơn.

HƯƠNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top