ClockThứ Sáu, 25/03/2011 05:09

Xung quanh vấn đề người lao động tại nhà hàng Huế Cổ ngưng làm việc

TTH - Chiều 22/3, qua đường dây nóng, Báo Thừa Thiên Huế nhận được thông tin tại nhà hàng Huế Cổ (Công ty TNHH TM DV Huế Cổ ANCIENT HUE) 4/418 Kiệt 35 Phạm Thị Liên, Kim Long, Huế), nhân viên nhà hàng “đình công”. Sau khi đến hiện trường, chúng tôi chưa coi đây là cuộc đình công, mà tạm gọi là “nhân viên ngưng việc làm”, để phản đối công ty trong việc quản lý, điều hành và chậm trả lương cho người lao động (NLĐ), không đúng qui định.

Phản ánh là đúng sự thật

Hầu hết nhân viên (NV) của Công ty (CT) ngưng làm việc và bức xúc phản ánh: theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), thì họ chỉ làm việc 8 tiếng/ ngày, với mức lương sàn 1.200.000đ/tháng, nhận lương từ ngày 5-7 hàng tháng. Nhưng, thực tế họ làm việc tám tiếng rưỡi đến chín tiếng đồng hồ/ngày. Lương tháng 1/2011, đến ngày 23/2 nhân viên công ty (NVCT) mới được nhận, còn lương tháng 2/2011, cho đến nay (22/3) CT vẫn chưa cho nhận.
 
Bà Phan Thị Bích Thủy, Tổng quản lý nhà hàng, người trực tiếp làm việc với chúng tôi, thừa nhận vấn đề NVCT phản ánh là đúng sự thật. Tuy nhiên, lý giải vấn đề nêu trên, bà Thủy, cho biết: “trong HĐLĐ có quy định vấn đề bồi thường tài sản khi NV làm hư hỏng, mất mát... với phương thức tỉ lệ được phép là 1%, công ty hỗ trợ 49%, nhân viên làm hư hỏng tài sản (HHTS) phải bồi thường 50%. Quy định là vậy nhưng thời gian trước đây, khi nhân viên làm HHTS (vỡ ly, bát...) CT không yêu cầu NV bồi thường.

Bà Thủy trả lời PV các báo về vấn đề nêu trên
 
Gần đây, phát hiện thiệt hại về tài sản (do bị vỡ, mất) là quá lớn, CT yêu cầu NV phải bồi thường đúng theo quy định, thì NV phản ứng, không đồng ý bồi thường. Do đó, sáng nay chúng tôi đã có cuộc họp yêu cầu NV ký vào bản xác nhận phải bồi thường tài sản bị hư hỏng thiệt hại (có thể bằng hiện vật), nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, do đó CT chưa trả lương cho họ. Nếu NV đồng ý ký xác nhận bồi thường tài sản bị hư hỏng, thiệt hại thì ngày mai, chúng tôi sẽ trả lương. Ngoài ra, có một số NV không hoàn thành nhiệm vụ nên chúng tôi giữ lương lại, đến khi nào họ hoàn thành xong, chúng tôi mới trả lương”. Lý giải việc đến nay CT vẫn chưa trả lương tháng 2 cho NV, bà Thủy còn đưa ra lý do: CT yêu cầu nhân viên hoàn tất các thủ tục làm thẻ ATM để trả lương cho NV qua thẻ. Vậy nhưng, cho đến nay, do NV chưa nộp đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, dẫn đến việc làm thẻ ATM chưa hoàn tất, do đó CT chưa thể thực hiện việc trả lương.
 
Chưa giải quyết dứt điểm bồi thường hư hỏng tài sản... nên chưa trả lương là vô lý
 
Tất cả những NV đang ngưng làm việc đều bức xúc và bất bình trước những lý giải của bà Thủy. Chị Mai, trưởng bộ phận lễ tân cho biết: thực tế từ trước đến nay, NV chưa phải bồi thường tài sản thiệt hại do vỡ, bởi vì thiệt hại này không đáng kể, nằm trong tỷ lệ cho phép. Cách đây khoảng một tuần, khi nhân viên có phản ứng mạnh về việc CT chưa trả lương tháng 2/2011, thì bà Thủy mới đưa ra vấn đề phải bồi thường thiệt hại về tài sản, với bảng giá 320.000- 640.000đ/1 chiếc ly. Trước yêu cầu đó, NV chấp nhận bồi thường bằng hiện vật với cách thức, cùng 1 kế toán đại diện CT khảo sát giá đối với những loại tài sản cùng chủng loại và chất lượng như của CT đã mua trước đây. Nhưng, bà Thủy không đồng ý, viện lý do nếu NV bồi thường bằng hiện vật thì phải qua kiểm định chất lượng. Mặt khác, bà Thủy cho rằng, vì chưa làm được thẻ ATM nên chưa trả lương. Lý do này các nhân viên đều phản đối vì hoàn toàn vô lý, bởi yêu cầu nhân viên làm thẻ chỉ mới được đưa ra trong thời gian gần đây, sau khi xảy ra việc chậm trả lương. Một nam nhân viên bức xúc: “trước đây, CT đã trả lương cho NV qua thẻ ATM, nhưng chỉ được một thời gian ngắn CT lại trực tiếp trả lương cho NV. Hiện nay, tôi vẫn còn thẻ ATM tại ngân hàng Vietcombank, là ngân hàng mà hiện nay công ty làm thẻ”.
 
Với những lý do mà bà Phan Thị Bích Thủy đưa ra như vừa nêu trên để lý giải việc đến nay CT vẫn chưa trả lương tháng 2/2011 cho NV là vô lý. Bởi việc phải bồi thường thiệt hại tài sản hư hỏng cho CT và việc CT phải trả lương cho NV hàng tháng là hoàn toàn độc lập. Nếu NV nào làm HHTS, CT có thể trừ giá trị hư hỏng vào lương. Đối với những NV chưa hoàn thành nhiệm vụ, CT có thể thực hiện chế độ phạt (hoặc kỷ luật) theo quy định, chứ không được “treo” lương của họ. Việc CT lấy những lý do nêu trên để chậm trả lương là làm thiệt hại quyền lợi của NLĐ, không đảm bảo cuộc sống cho họ.
 
Trả lời vấn đề trên, ông Phan Viết Danh, Giám đốc CT lại khẳng định: “dứt khoát CT phải trả lương cho NV, điều này không phụ thuộc vào việc NV đã bồi thường thiệt hại tài sản hay chưa. Việc trả lương sẽ được thực hiện trong buổi sáng hôm nay (23/3)”. Chẳng lẽ thực tế cho đến nay NV của CT bị “treo” lương mà ông Danh không biết để xử lý sớm hơn?
 
Qua buổi làm việc, nhiều NV còn phản ánh những vấn đề bức xúc khác, đó là: nhiều NLĐ vào làm việc trong CT đã 1 năm, nhưng đến nay họ vẫn không được ký kết HĐLĐ. CT trừ bảo hiểm xã hội trong lương của NV, nhưng sổ lao động thì không ghi đầy đủ tiền bảo hiểm mà NLĐ đã bị công ty trừ trước đó? Có trường hợp lao động nữ đang có thai cũng bị CT đơn phương cho thôi việc (mà bà Thủy cho là tạm đình chỉ công tác bằng miệng)...
 
Sự việc xảy ra tại CT nói trên, đặt ra nhiều nội dung đáng quan tâm, nhưng trước hết, CT cần giải quyết ngay những mâu thuẫn giữa NLĐ và người sử dụng lao động, trong vấn đề quản lý, điều hành, theo đúng chính sách, pháp luật và điều lệ của CT, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và lợi ích của CT được hài hoà, phát triển. Công đoàn TP cần quan tâm thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra giám sát hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, nhưng phải tuân theo pháp luật.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top