ClockThứ Ba, 26/06/2018 12:30

Xứng với chủ nhân của thành phố du lịch

TTH - Bản tính rụt rè, e ngại của học sinh Huế trở thành rào cản khi các em học ngoại ngữ. Vốn từ vựng phong phú, nắm chắc văn phạm, song nhiều em lúng túng khi tiếp xúc với người nước ngoài. Cần một “cú hích” cho những chủ nhân tương lai của thành phố du lịch.

Thận trọng khi cho trẻ mầm non học ngoại ngữĐổi mới mạnh mẽ việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường họcKhơi niềm đam mê học ngoại ngữ

Cuối tuần, bắt gặp một nhóm học sinh tầm 12 -13 tuổi vào Đại Nội vừa tham quan, vừa bắt chuyện với người nước ngoài. Ngạc nhiên bởi các em là học sinh của Trường trung học cơ sở (THCS) Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị). Bố mẹ đều là nông dân, các em chỉ đủ tiền đi xe bus, ăn cơm hộp và uống nước lọc, chu du vào Đại Nội cả ngày để “luyện” tiếng Anh. Nhìn các em tự tin trong giao tiếp mới thấy, kiểu “liệu cơm gắp mắm” của trường nghèo lại hóa ra hiệu quả. Đơn giản chỉ là một buổi dã ngoại của một nhóm học sinh Trường THCS Hải Tân với Trung tâm Amazing English Tour để học trò nông thôn có cơ hội gặp khách du lịch quốc tế, bắt chuyện và giao tiếp.

Từ cách làm của một trường khó khăn ở tỉnh bạn, nghĩ về sự năng động của học sinh Huế. Lâu nay, vẫn ít thấy hình ảnh học sinh tự tin giao tiếp với khách nước ngoài. Thậm chí, có em còn xua tay, bỏ chạy khi khách dừng lại hỏi đường. Không yêu cầu to tát, nhưng ít ra các em phải có đủ năng lực, tự tin giao tiếp tiếng Anh trong các tình huống cơ bản và đơn giản nhất. Nếu nói học sinh TP. Huế có trình độ ngoại ngữ không tốt, chắc hẳn chưa chính xác. Vẫn có nhiều gia đình đầu tư “tiền trăm bạc triệu” cho con học ở các trung tâm ngoại ngữ quốc tế. Không ít em có năng khiếu, niềm đam mê với môn ngoại ngữ nên chỉ cần tìm tòi, học hỏi cũng có thể nói tiếng Anh lưu loát. Tuy nhiên, ở một thành phố du lịch yêu cầu nói tiếng Anh của học sinh mang tính phổ biến, đại trà chứ không chỉ gói gọn trong những em có điều kiện.

Không có lý do gì khi học sinh thành phố lại nói tiếng Anh không tốt. Các em tiếp xúc với môn ngoại ngữ từ rất sớm, có đến 100% học sinh tiểu học được học tiếng Anh và 100% trường THCS triển khai dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Cái khó vẫn lưu cữu, chương trình dạy ngoại ngữ trong trường học chủ yếu vẫn “dạy chay, học chay”. Học sinh không có điều kiện luyện tập kỹ năng nghe, nói vì không có phòng thực hành. Hình thức thi cử, kiểm tra chỉ dựa vào đọc, viết; chương trình học vẫn nặng về ngữ pháp. Thế nên, không ít em chỉ nắm chắc văn phạm, tự vựng nhưng lại không đủ tự tin giao tiếp với người nước ngoài.

Đã đến lúc, cần một sự năng động ở những người trẻ. Đề án “Phổ cập tiếng Anh giao tiếp” cho học sinh toàn thành phố trong 5 năm tới vẫn được trông chờ và kỳ vọng. Đầu tiên sẽ triển khai ở khối 6 trong năm học 2018 -2019 tại những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Các em có thể học trực tiếp với giáo viên nước ngoài dưới sự trợ giảng của giáo viên trong trường. Học sinh có thể luyện tiếng Anh giao tiếp bằng cách học trực tuyến khi có giáo viên của trung tâm ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế hướng dẫn.

Đề án phổ cập tiếng Anh giao tiếp từ 2018 -2020 được tính toán. TP. Huế đã đầu tư 10 tỷ đồng nhằm nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ trong trường học. Chất lượng giảng dạy của giáo viên tiếng Anh cấp THCS đã có bước tiến triển. Năm học 2017- 2018, có 114/118 giáo viên tiếng Anh đạt trình độ chuẩn theo khung năng lực ngôn ngữ châu Âu từ B2 trở lên. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình phổ cập tiếng Anh giao tiếp.

Khi đề án đi vào hoạt động, giao tiếp tiếng Anh sẽ trở nên thông dụng, phổ biến, không còn mạnh ai nấy học như trước. Chương trình phổ cập sẽ được biên soạn dựa trên kiến thức cơ bản ở trường học, sau đó, nâng cao và chú trọng đến chương trình giao tiếp, nhất là kỹ năng nghe và nói, qua đó, đánh giá kết quả học tập của các em sau mỗi học kỳ. Học sinh ở 23 trường THCS trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ 20% mức học phí.

Vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, các trường phải tính toán để bố trí giờ học ngoại khóa phù hợp, chương trình, lộ trình học cũng phải cân nhắc để phù hợp với trình độ, năng lực của mọi học sinh. Vận động, thuyết phục phụ huynh cho con học giao tiếp tiếng Anh trong trường học cũng là điều không dễ khi không phải ai cũng có khả năng chi trả học phí để các em học ở một trung tâm ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế…

Nhà trường chỉ có thể tạo ra môi trường dạy và học tiếng Anh năng động. Vấn đề phụ thuộc vào học sinh. Rất cần sự nỗ lực, niềm đam mê và cả trách nhiệm của những chủ nhân tương lai đối với một thành phố du lịch, văn hóa và di sản.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điều cần biết về hội chứng tự kỷ

Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/62/139 lấy ngày 2/4 hằng năm (bắt đầu từ năm 2008) là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động để nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới cải thiện sức khỏe và khả năng hòa nhập của những người mắc phải hội chứng này.

Những điều cần biết về hội chứng tự kỷ
Trẻ em ốm liên tục giai đoạn hậu COVID-19

Trong thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế ghi nhận trẻ đến khám và nhập viện gia tăng mạnh. Nhiều loại bệnh trẻ hay mắc trong đợt này như cúm A, cúm B, sốt virus, tay chân miệng, sốt xuất huyết...

Trẻ em ốm liên tục giai đoạn hậu COVID-19

TIN MỚI

Return to top